11:07, 12/07/2022

Lặng lẽ nhà dài

Ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), dù điều kiện cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa còn nhiều khó khăn, song những ngôi nhà dài được xây dựng với kinh phí tiền tỷ vẫn bị bỏ hoang, hoặc sử dụng một cách hạn chế, thậm chí có nhà đã bị phá bỏ không còn dấu tích…

 

Ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), dù điều kiện cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa còn nhiều khó khăn, song những ngôi nhà dài được xây dựng với kinh phí tiền tỷ vẫn bị bỏ hoang, hoặc sử dụng một cách hạn chế, thậm chí có nhà đã bị phá bỏ không còn dấu tích…


4 ngôi nhà chỉ còn 3


Nhà dài ở thôn A Pa 2 từng nằm trong khuôn viên trụ sở cũ của UBND xã Thành Sơn, đến nay đã bị phá bỏ hoàn toàn. Ngôi nhà dài này sau khi khánh thành đến mãi sau này, nó mới được sử dụng như nhà cộng đồng thôn. Tuy nhiên, khi thôn xây được nhà cộng đồng mới, nhà dài lại bỏ không cho đến ngày bị phá bỏ. “Năm 2019, trụ sở UBND xã chuyển đến vị trí mới, khu vực đất trụ sở cũ được sử dụng để xây trường mầm non nên nhà dài đã bị phá bỏ. Sắp tới, xã sẽ xin chủ trương xây dựng nhà dài mới ở thôn Tà Giang 2”, ông Mấu Anh Tuyên - Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Thành Sơn cho biết.

 

Nhà Dài ở thôn Tà Gụ bị bỏ hoang gần mười năm nay

Nhà Dài ở thôn Tà Gụ bị bỏ hoang gần mười năm nay


Nhà dài ở thôn Tà Gụ hầu như không được sử dụng. Một vài năm đầu, nơi đây được xã bố trí làm chỗ ở cho Đội Thanh niên tình nguyện. Năm 2013, đội này giải thể thì nhà dài bỏ hoang đến bây giờ. Hiện nay, xung quanh ngôi nhà cỏ dại mọc um tùm, bít hết cả lối vào ra. Bên trong nhà trống trơn, một số hạng mục như cửa, mái nhà đang có dấu hiệu xuống cấp. Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Lê Dân - già làng thôn Tà Gụ cho biết: “Vị trí đất xây dựng nhà dài là do gia đình tôi hiến cho xã. Hồi đó, tôi chỉ mong thôn có một công trình phục vụ sinh hoạt hội họp, văn nghệ cho người dân. Nhưng thật tiếc là nhà dài xây xong lại bỏ hoang”.

 

Nhà dài thôn Tha Mang.

Nhà dài thôn Tha Mang.


Nhà dài ở thôn Tha Mang nằm ngay tuyến Tỉnh lộ 9, bên ngoài nhìn khá khang trang với tường rào được trồng hoa, sân xi măng sạch sẽ. Nhưng bước vào bên trong, ngôi nhà không khác gì kho chứa các vật dụng, phương tiện phòng, chống bão lũ của xã. “Hồi mới xây xong, ở đây thỉnh thoảng cũng có đội mã la đến biểu diễn hoặc mở các lớp học nghề, nhưng được thời gian lại bỏ hoang. Sau khi báo chí phản ánh, xã đã cho xây tường rào và láng xi măng sân. Tuy nhiên, cũng ít khi thấy có hoạt động gì ở nhà dài”, bà Nguyễn Thị Hoàng - người dân sống cạnh nhà dài thôn Tha Mang cho biết.

 

Bên trong nhà dài thôn Tha Mang như nhà kho.

Bên trong nhà dài thôn Tha Mang như nhà kho.


Nhà dài ở thôn Tà Lương đã được sử dụng làm nhà cộng đồng của thôn, nhưng các hoạt động diễn ra ở đây không thường xuyên. Nhiều lắm, mỗi tháng có 1 hoạt động họp thôn, họp hội đồng làng, tiếp xúc cử tri, diễn văn nghệ, chiếu phim… còn phần lớn thời gian không ai lui tới. Nhiều hạng mục của ngôi nhà đang xuống cấp, khuôn viên xung quanh và bên trong ngôi nhà chỉ được quét dọn khi chuẩn bị có hoạt động. “Đây là địa điểm duy nhất của thôn có đủ không gian và điều kiện để tổ chức hội họp, văn nghệ, thể thao nhưng người dân cũng không thường xuyên đến sinh hoạt. Lãnh đạo huyện và thị trấn cũng nhiều lần nhắc nhở thôn phải có các hoạt động phát huy chức năng của nhà dài. Tuy nhiên, chúng tôi không biết phải làm thế nào”, ông Mấu Ngách - Trưởng thôn Tà Lương chia sẻ.


Vì sao không phát huy được hiệu quả?


Khánh Sơn hiện có một nhà dài đã và đang phát huy được hiệu quả sử dụng, thậm chí còn trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của xã và huyện, đó là ngôi nhà dài bằng gỗ ở thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp). Đây là nhà dài được làm bằng tâm huyết, tình cảm của già làng Cao Sa Nhân. Trước đây, do thấy người dân trong thôn không có nơi để sinh hoạt, tụ họp nên già làng Cao Sa Nhân đã tự bỏ tiền mua tranh, mua gỗ về dựng nhà dài. Năm 2004, ngôi nhà được hoàn thành và ngay lập tức thu hút người dân đến sinh hoạt. Sau này, già làng Cao Sa Nhân đã tặng ngôi nhà dài này cho địa phương. Qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, nhà dài này đã trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn. Nhà dài thôn Hòn Dung hoạt động hiệu quả do nhiều yếu tố như: Vị trí dựng nhà ở giữa khu dân cư; kiến trúc, vật liệu làm nhà gần gũi với tập quán của người dân; ngôi nhà đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, phong tục của cộng đồng dân cư; được sự quan tâm của chính quyền địa phương…


So sánh với 4 nhà dài được đầu tư tiền tỷ cho thấy thiếu sự quan tâm đến phần hồn của công trình. Thiết kế của công trình tuy được mô phỏng theo kiểu nhà của đồng bào Raglai nhưng vật liệu xi măng, gạch, ngói không phù hợp với truyền thống. Về vị trí, chỉ có nhà dài thôn Tà Lương gần khu dân cư, còn lại đều nằm ở những nơi người dân sinh sống thưa thớt. Một nguyên nhân khác là sự quan tâm của các thôn được thụ hưởng chưa thật tích cực; chính quyền các xã, thị trấn có nhà dài cũng thiếu quyết tâm trong việc mang đến sức sống bền vững cho nhà dài.  


Từng trao đổi với ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy nỗi trăn trở của ông. Để những công trình văn hóa không phát huy được hiệu quả trong điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn là vấn đề bất cập. “Khi xây dựng những nhà dài, chúng tôi mong muốn đưa đến cho người dân công trình văn hóa hữu ích. Vậy nhưng, thực tế đưa vào sử dụng lại không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Huyện đang rất cần những giải pháp, phương án để có thể đưa hoạt động của những nhà dài này đúng với công năng, mục đích ban đầu”, ông Mấu Thái Cư chia sẻ.


Làm gì để phát huy?


Từ hiện trạng những nhà dài, câu hỏi đặt ra là cần làm gì để các công trình này phát huy được công năng sử dụng như mục tiêu ban đầu đặt ra. Trước hết, cần sự quan tâm của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể ở những nơi thụ hưởng nhà dài. Trong đó, cần thường xuyên đưa vào nhà dài những hoạt động hội họp, tập huấn, tập luyện, biểu diễn, thi đấu văn nghệ, thể thao; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện âm thanh, ánh sáng, dụng cụ tập luyện… để không gian nhà dài đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đặc biệt, mỗi thôn phải chú trọng đến việc khôi phục, gìn giữ các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư, từ đó có cơ sở để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở nhà dài.


Theo ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, địa phương mong muốn nhận được nguồn kinh phí để xây tường rào, làm sân xi măng và sửa chữa một số hạng mục của nhà dài. Ý tưởng của xã là khi cây cầu trên đường vào thác Tà Gụ làm xong, hoạt động du lịch ở đây khởi sắc, xã sẽ sử dụng nhà dài làm khu vực trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn cho rằng, các thôn có nhà dài cần chủ động trong việc xây dựng các chương trình, hoạt động tại đây. Trên cơ sở đó, xã, thị trấn và huyện mới có thể hỗ trợ để thôn phát huy hiệu quả của nhà dài. Một điều quan trọng là cần có nguồn kinh phí để tôn tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho những nhà dài.

 

Khánh Sơn có 4 nhà dài được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình cận Tây Nguyên. Năm 2009 huyện được cấp 1,6 tỷ đồng, cộng với số vốn đối ứng 400 triệu đồng, huyện đã xây dựng 4 nhà dài ở các thôn: Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc), Tà Lương (thị trấn Tô Hạp), Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) và A Pa 2 (xã Thành Sơn). Những ngôi nhà này có thiết kế mô phỏng nhà truyền thống của đồng bào Raglai, nhưng được kiên cố hóa với mái ngói, tường gạch, cột và sàn bê tông. Sự xuất hiện những ngôi nhà dài từng được kỳ vọng sẽ là điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao.


 

G.Đ