02:06, 29/06/2022

Đàn bò Quỹ Thiện Tâm ngày ấy

Từ 1.000 con bò cái sinh sản do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ vào năm 2016, đến nay, số bò nhân lên đã giúp cho nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, các địa phương, gia đình nhận nuôi bò đang mong muốn được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cải tạo nguồn giống bò lai chất lượng cao.

Từ 1.000 con bò cái sinh sản do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ vào năm 2016, đến nay, số bò nhân lên đã giúp cho nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, các địa phương, gia đình nhận nuôi bò đang mong muốn được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cải tạo nguồn giống bò lai chất lượng cao.

 

Nguồn bò giống sinh sản do Quỹ Thiện Tâm tiếp sức cho nhiều hộ thoát nghèo.

Nguồn bò giống sinh sản do Quỹ Thiện Tâm tiếp sức cho nhiều hộ thoát nghèo.


Sinh kế của người nghèo


Chiều muộn, khi các gia đình trong khu tái định cư của đồng bào dân tộc thiểu số thôn Đá Mài (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh) chuẩn bị quây quần bên bữa cơm sau một ngày lên nương vất vả thì vợ chồng ông Cao Trường mới lùa đàn bò của gia đình về đến nhà. Nghe chúng tôi hỏi chuyện về việc nuôi bò do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ, ánh mắt vợ chồng ông toát lên sự phấn chấn, xua tan vẻ mệt mỏi sau một ngày làm việc bóc vỏ keo thuê giữa cái nắng hè gay gắt. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất sản xuất nên gia đình tôi sống bằng nghề làm mướn và chăn nuôi bò để vươn lên thoát nghèo”, ông Trường chia sẻ.

 

Gia đình ông Cao Trường đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò giống.

Gia đình ông Cao Trường đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò giống.


Được biết, năm 2016, gia đình ông Trường được hỗ trợ 1 con bò giống từ Chương trình hỗ trợ vay bò giống sinh sản của Quỹ Thiện Tâm. Nhờ cần cù, cộng thêm kinh nghiệm trong nhiều năm chăn bò thuê, vợ chồng ông Trường đã chăm sóc bò giống phát triển tốt và đã sinh sản lứa đầu tiên sau 2 năm. Trong 1 năm tiếp theo, khi bê con đã lớn và được chương trình chuyển giao cho hộ khác nuôi thì vợ chồng ông Trường được giữ lại con bò giống ban đầu. Sau mấy năm dồn công sức chăm sóc, từ con bò giống ban đầu, đến nay đã phát triển lên 4 con, trong đó con bò cái thuộc thế hệ thứ 3 đã đến kỳ sinh sản. “Nhờ vào việc nuôi bò phát triển tốt nên năm 2021, gia đình tôi đã thoát nghèo. Vì vậy, thời gian qua có nhiều người hỏi mua bò nhưng vợ chồng tôi không bán mà nuôi tiếp để nhân đàn. Hơn nữa, 2 con trai của vợ chồng tôi đã trưởng thành, khi chúng lập gia đình riêng thì cho mỗi đứa 1 con bò giống để làm vốn”, ông Trường nói.

Gia đình chị Mang Thị Thảo (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) đã thoát nghèo nhờ một phần không nhỏ từ việc nuôi bò do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ. Chị Thảo cho biết: “Khi được hỗ trợ bò giống, vợ chồng tôi rất vui mừng và quyết tâm chăm sóc tốt, xem đây là cơ hội thoát nghèo. Sau khi bò đẻ lứa đầu, bê con được giao cho hộ khác nuôi, vợ chồng tôi tiếp tục chăm sóc tốt nên bò mẹ đã đẻ thêm 2 lứa nữa. Với mong muốn phát triển kinh tế bền vững từ mô hình nuôi bò sinh sản nên vợ chồng tôi quyết tâm để lại nuôi nhân đàn”.


Nhân lên hi vọng


Gia đình ông Trường, chị Thảo là những điển hình trong rất nhiều trường hợp được hỗ trợ bò giống ban đầu từ Quỹ Thiện Tâm đã thoát nghèo. Đến nay, các hộ được nhận bò hỗ trợ từ thế hệ thứ 2, thứ 3 cũng đang rất nỗ lực, chịu khó chăm sóc bò giống để góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ông Mang Dũng (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân) được nhận con bò giống thế hệ thứ 2 từ gia đình chị Mang Thị Thảo. Sau 18 tháng được ông Dũng chăm sóc, bò tăng trưởng tốt và sắp đến độ sinh sản. “Tôi ở một mình, không có người thân thích, sống bằng nghề chăn bò thuê. Nhờ chương trình hỗ trợ, tôi đã có được con bò giống của riêng mình. Hàng ngày, tôi chăm sóc nó kỹ lưỡng, với hi vọng nó sinh sản tốt để nhân đàn như nhiều hộ được hỗ trợ khác”.

 

Ông Mang Dũng hi vọng từ nguồn hỗ trợ bò giống sẽ tiếp sức thoát nghèo.

Ông Mang Dũng hi vọng từ nguồn hỗ trợ bò giống sẽ tiếp sức thoát nghèo.


Với gia đình bà Cao Thị Đà Mâng (thôn Đá Mài, xã Diên Tân), việc nuôi bò giống từ chương trình hỗ trợ hiệu quả. Cũng được nhận bò giống thuộc thế hệ thứ 2 và đến nay đã sinh sản lứa đầu, bà Mâng phấn khởi khoe: “Tôi rất mừng khi con bò giống được hỗ trợ đã đẻ lứa đầu được 6 tháng. Hiện nay, cả bò mẹ và bê con đều khỏe mạnh. Gia đình đang cố gắng chăm sóc để cuối năm nay, chương trình bàn giao bê con cho hộ khác nuôi. Lúc đó, sẽ có thêm 1 hộ được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, còn gia đình tôi được giữ lại bò giống ban đầu cho riêng mình. Hi vọng, từ con bò này sẽ góp phần giúp gia đình sớm thoát nghèo”.

 

Gia đình bà Cao Thị Đà Mâng cũng sẽ thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ bò giống.

Gia đình bà Cao Thị Đà Mâng cũng sẽ thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ bò giống.


Cần cải tạo nguồn giống


Là người theo dõi, quản lý đàn bò ngay từ ngày đầu, bà Lê Thị Thu Thủy - công chức Văn hóa - Xã hội xã Diên Tân chia sẻ: “Đa số bò hỗ trợ cho hộ nghèo đã mang lại hiệu quả bước đầu. Chúng tôi mong muốn chương trình sẽ tiếp tục được người dân hưởng ứng kéo dài, tạo thêm động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo”.


Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo rất nhân văn, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, tạo cơ hội để hộ nghèo vươn lên. Chương trình không chỉ cải thiện đời sống kinh tế cho người dân mà còn phát huy được tính tương trợ trong giúp nhau phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh. Để chương trình ngày càng lan tỏa, nhân rộng hơn nữa rất cần Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cải tạo nguồn giống bò lai chất lượng cao. Đối với những hộ nhận nuôi từ năm 2015 đến nay nhưng con giống còi cọc, không sinh sản hoặc nhiều lần phối giống không được thì nên giao bò lại cho hộ dân để tiếp tục nuôi và xem như đã hoàn thành nghĩa vụ.

 

VĂN GIANG - THẾ ANH