11:07, 01/07/2022

20 năm khổ vì quy hoạch treo

20 năm nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu trong khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III (phường Phước Long, TP. Nha Trang) khốn khổ vì quy hoạch treo. Theo thời gian, nhiều gia đình nhân khẩu tăng lên nhưng nhà cửa không được xây dựng, sửa chữa, không có sổ đỏ… nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

20 năm nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu trong khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III (phường Phước Long, TP. Nha Trang) khốn khổ vì quy hoạch treo. Theo thời gian, nhiều gia đình nhân khẩu tăng lên nhưng nhà cửa không được xây dựng, sửa chữa, không có sổ đỏ… nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.


Sống khổ trong khu quy hoạch


Mới đây, chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Màu (Tổ phó tổ dân phố 3 Phước Thành, phường Phước Long) nghe ông kể chuyện 20 năm sống trong khu quy hoạch treo này. Năm 2001, sau khi tích cóp được số tiền nho nhỏ từ nghề chài lưới, gia đình ông Màu chuyển nhà từ phường Vĩnh Nguyên đến khu vực này mua nhà ở. Đến năm 2002, UBND tỉnh công bố quy hoạch dự án khu dân cư với tổng diện tích hơn 63ha.

 

Quy hoạch1/500 khu tái định cư Lê Hồng Phong III vẫn treo tại đầu hẻm 404 dẫn vào khu vực này

Quy hoạch 1/500 khu tái định cư Lê Hồng Phong III vẫn treo tại đầu hẻm 404 dẫn vào khu vực này


Khi đến ở khu vực này, gia đình ông Màu có 2 vợ chồng và 3 con. Đến nay, 3 người con đã lập gia đình, có thêm 3 cháu, nhưng đại gia đình 11 người vẫn ở chung trong căn nhà lụp xụp, xuống cấp, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Chúng tôi thắc mắc sao cửa sổ lại nằm sát nền nhà, ông Màu cho biết: “Lúc mới đến ở, cửa sổ nhà tôi cao, phải nhón chân mới nhìn qua cửa sổ được. Sau đó, khu vực này cứ mưa là ngập nước. Xin giấy phép xây dựng thì không được, nên nhà cứ nâng nền phía trong lên. Sau nhiều lần nâng nền thì cửa sổ nằm sát nền nhà, còn trần nhà thì sắp đụng đầu. Thương 3 đứa cháu nội, nhà chật chội, ẩm thấp, mấy đứa bệnh hoài”.

 

Một ngôi nhà trong vùng quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III sau nhiều lần nâng nền chống ngập khiến nền và trần nhà cách nhau chỉ hơn 1,6 mét.

Một ngôi nhà trong vùng quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III sau nhiều lần nâng nền chống ngập khiến nền và trần nhà cách nhau chỉ hơn 1,6 mét.


Gia đình bà Dương Thị Minh chuyển đến khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III từ năm 1997. Khi đó, khu vực này chủ yếu là đìa tôm, chỉ lác đác vài căn nhà ở. Đến năm 2002, tỉnh có chủ trương phát triển mở rộng TP. Nha Trang về phía tây thì mới quy hoạch khu này để làm dự án phát triển dân cư. Tuy nhiên, quy hoạch treo quá lâu, khu dân cư cứ phình dần ra. Từ vài trăm căn nhà, đến nay đã phát triển lên hàng nghìn căn, trong đó có những căn xây dựng kiên cố. Những gia đình nào không có điều kiện, sợ bị phường xử phạt thì vẫn giữ nhà cũ, mưa là dột, nắng thì nóng…


Ông Lương Văn Thông - Tổ trưởng tổ dân phố 3 Phước Thành cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều bức xúc phản ánh tình trạng quy hoạch treo quá lâu, quyền lợi người dân bị ảnh hưởng, cuộc sống gặp quá nhiều khó khăn. Sau cơn bão cuối năm 2017, gần 80% nhà trong khu vực này bị sập nhưng người dân không những không được hỗ trợ mà còn gặp khó khăn khi không được xây dựng, sửa chữa…


Mong được xây nhà, cấp sổ


Theo phản ánh của người dân nơi đây, do nằm trong khu quy hoạch nên trẻ em sinh ra phải nhập hộ khẩu nhà người quen ở nhiều nơi khác nhau. Nhiều gia đình cưới vợ cho con nhưng con dâu cũng không thể nhập hộ khẩu gia đình chồng. Mới đây, khu vực này xảy ra vụ chập cháy dây điện khiến gần 200 hộ bị cúp điện, nhưng khi tổ trưởng báo lên điện lực thì được trả lời rằng… người dân phải tự sửa chữa. Những gia đình có tiền thuê thợ sửa, còn một số hộ nghèo quá đành để vậy.

 

Khu vực bị chập cháy đường dây điện nhưng chưa được khắc phục.

Khu vực bị chập cháy đường dây điện nhưng chưa được khắc phục.


Đại diện các hộ dân, ông Lê Xuân Thẩn cho biết, hồi mới đến đây ở, có hôm sáng ngủ dậy bước xuống giường là gặp nước thủy triều lên. Còn đi làm về thấy nhà ngập, ướt hết giường tủ, áo quần là chuyện bình thường. Những năm gần đây, thấy khu vực này nhếch nhác, người dân đã đóng góp tiền để láng xi măng các tuyến hẻm. UBND TP. Nha Trang cũng đầu tư hệ thống thoát nước mưa nên tình trạng ngập úng đỡ hẳn. “Tôi sống ở đây hơn 20 năm rồi, chứng kiến đủ chuyện cơ cực của người dân nơi đây. Nay Nhà nước đã chấm dứt dự án, dân cư cũng đã đông đúc, hạ tầng ổn định, vì vậy người dân nơi đây chỉ mong UBND tỉnh sớm điều chỉnh xóa bỏ quy hoạch, cho người dân được làm sổ đỏ, xây lại nhà để ổn định cuộc sống”, ông Thẩn nói.


Một cán bộ đô thị phường Phước Long chia sẻ, xuống khu vực này nhiều mới thấy người dân khổ quá. Nhiều nhà cả chục nhân khẩu chui ra, chui vào trong căn nhà lụp xụp muốn sập đến nơi. Vì vậy, chỉ mong sao nếu dự án nào triển khai thì phải làm ngay, không thì Nhà nước hủy bỏ thông báo thu hồi đất, hủy bỏ quy hoạch để người dân không phải sống khổ vì quy hoạch treo.


Chỉnh trang là phù hợp


Theo tài liệu UBND phường Phước Long cung cấp, năm 2002, UBND tỉnh lập quy hoạch Dự án Khu dân cư số II Tây Lê Hồng Phong với diện tích rộng đến hơn 63ha. Sau đó, UBND tỉnh đã điều chỉnh cắt gần 20ha để thực hiện Dự án Khu đô thị Phước Long 2 và gần 25ha để thực hiện Dự án Khu đô thị Hoàng Long. Năm 2012, UBND tỉnh có chủ trương giao cho Ban Quản lý Các công trình trọng điểm tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu tái định cư Lê Hồng Phong III. Tuy nhiên, khu vực này dân cư đông đúc, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư rất phức tạp nên dự án ì ạch, không thể triển khai. Đến năm 2015, UBND tỉnh có quyết định chấm dứt đầu tư dự án này. Hiện nay, khu vực này có diện tích khoảng 38,97ha và thông báo thu hồi đất số 24 do UBND TP. Nha Trang ban hành năm 2009 vẫn còn hiệu lực.


Ông Ngô Khắc Thinh - Chủ tịch UBND phường Phước Long cho biết, khu vực này đã quy hoạch treo quá lâu, dân cư quá đông nên triển khai dự án là không khả thi. Trong 38,97ha quy hoạch, thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ tính riêng tổ dân phố 3 Phước Thành và tổ dân phố 3 Phước Tín đã có hơn 2.000 hộ với gần 8.000 nhân khẩu; ngoài ra, còn một phần tổ dân phố 3 Phước Trung chưa có thống kê cụ thể. Năm 2015, thấy người dân sống khổ sở vì ngập nặng, Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang đã đầu tư hệ thống thoát nước với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Đến năm 2020, UBND phường Phước Long tiếp tục đầu tư thêm hệ thống thoát nước dài hơn 500m tại hẻm 404/1 Lê Hồng Phong. Tuy nằm trong khu quy hoạch nhưng xét thấy đây là nhu cầu cấp thiết của người dân nên đầu năm nay, UBND phường Phước Long đã đề xuất UBND TP. Nha Trang phê duyệt dự án đầu tư hệ thống thoát nước tại các hẻm còn lại trong khu vực với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.


“Quan điểm của phường là đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép thành phố hủy bỏ thông báo thu hồi đất số 24 năm 2009, đồng thời điều chỉnh quy hoạch theo hướng khu dân cư chỉnh trang. Khi thực hiện chỉnh trang sẽ cơ bản bám theo đường hiện trạng vì cơ sở hạ tầng đã ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân, hệ thống thoát nước đã được đầu tư cơ bản; chỉ mở rộng những con đường nhỏ hẹp, mở thêm đường nếu cần thiết. Khi đó, người dân được làm sổ đỏ, được cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện cho phường làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng”, ông Thinh nói.

 

Năm 2021, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cho phép UBND thành phố điều chỉnh thông báo thu hồi đất số 24 theo hướng không thực hiện thu hồi đất đối với diện tích 38,97ha tại khu vực quy hoạch vì không có dự án triển khai tại đây. Ngày 28-4-2021, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xem xét nội dung kiến nghị của UBND TP. Nha Trang. Sau 1 năm, ngày 29-4, UBND TP. Nha Trang tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường về nội dung này. Trong văn bản nêu rõ: “Để hạn chế tình trạng đơn thư kéo dài, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực quy hoạch Khu tái định cư Lê Hồng Phong III được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, UBND TP. Nha Trang kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và có ý kiến đối với kiến nghị của thành phố”.


V.K