12:07, 31/07/2021

Thưa vắng những chuyến tàu

Đại dịch Covid-19 như cơn bão dữ dội hoành hành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Và ngành vận tải đường sắt Nha Trang cũng không phải là ngoại lệ khi đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Tàu khách, tàu hàng giảm chuyến đến mức… chạm đáy. Giờ đây, trên đường sắt Bắc - Nam đã rất thưa vắng những chuyến tàu xuôi ngược…

Đại dịch Covid-19 như cơn bão dữ dội hoành hành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Và ngành vận tải đường sắt Nha Trang cũng không phải là ngoại lệ khi đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Tàu khách, tàu hàng giảm chuyến đến mức… chạm đáy. Giờ đây, trên đường sắt Bắc - Nam đã rất thưa vắng những chuyến tàu xuôi ngược…

 

Vận tải đường sắt Nha Trang gặp nhiều khó khăn,  trên đường sắt Bắc - Nam chỉ còn chạy duy nhất  một đôi tàu khách.

Vận tải đường sắt Nha Trang gặp nhiều khó khăn, trên đường sắt Bắc - Nam chỉ còn chạy duy nhất một đôi tàu khách.


Vé bán cả tháng không bằng 1 ngày trước dịch


Những ngày cuối tháng 7, sân ga Nha Trang không một bóng người. Đâu đó, chỉ còn những nhân viên lên ban trực tàu, 4 cửa vé chỉ có 1 người bán.

 

  Ga Nha Trang những ngày giãn cách.

Ga Nha Trang những ngày giãn cách.


Đứng giữa không gian vắng lặng của nhà ga có lịch sử lâu đời bậc nhất Việt Nam, ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang không giấu được nét âu lo. Cơn bão Covid-19 bùng phát tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Trong đó, đợt 3 bùng phát cuối tháng 1 là thời gian cao điểm phục vụ vận tải Tết Nguyên đán; đợt 4 bùng phát từ ngày 27-4 đến nay là thời gian cao điểm vận tải hè. Nhiều địa phương chi nhánh quản lý đang thực hiện giãn cách xã hội; nhiều nơi quy định hạn chế đón, trả khách đến từ các vùng có dịch. Tất cả đã khiến ngành vận tải đường sắt “chạm đáy”, doanh thu sụt giảm thê thảm. “Trước dịch, mỗi ngày chỉ riêng ga Nha Trang đã bán hơn 1 tỷ đồng tiền vé, cao điểm lên đến 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng từ nhiều tháng nay, tất cả chi nhánh với 7 ga lớn bán vé từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận gom lại cũng chưa đầy 1 tỷ đồng/tháng. Trước đây, mỗi ngày có từ 35 đến 40 chuyến tàu qua ga với 5 đôi tàu Thống Nhất, 3 đôi khu đoạn, nhưng bây giờ trên đường sắt Bắc - Nam chỉ còn chạy 1 đôi tàu khách SE7/8 và phải giãn cách, mỗi toa chỉ 12 người, thay vì 24 người như trước. Thực chất hiện nay, ngành Đường sắt chạy tàu chỉ phục vụ người dân chứ không phải kinh doanh. Các tàu khu đoạn lập tại Nha Trang cũng đã bãi bỏ”, ông Sơn thở dài. Chưa dừng lại ở đó, do ảnh hưởng của dịch nên nhiều khách đi tàu trả vé. Theo thống kê, chi nhánh đã nhận lại hàng nghìn vé tàu của khách với tổng kinh phí hồi lại hơn 1 tỷ đồng.


Không chỉ tàu khách mà tàu hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng hóa qua chi nhánh chủ yếu là hàng đóng nguyên toa với những sản vật của địa phương, như: Mắm, muối, gạo…, do giãn cách xã hội, nhiều khi cả tuần mới xếp được tàu đi.


Nhân viên nghỉ luân phiên


Việc cắt giảm tàu cũng khiến hàng trăm cán bộ, nhân viên, người lao động của ngành phải nghỉ luân phiên. Ông Lê Quang Chính - Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, Chủ tịch Công đoàn chi nhánh chia sẻ, tháng này người này làm thì tháng sau nghỉ, trong thời gian nghỉ sẽ không được hưởng lương. Tuy nhiên, công tác lên ban trực tàu vẫn phải đảm bảo, trước đây giả sử 1 ga cần 10 người phục vụ thì bây giờ chỉ 5 người, nhưng cũng phải kiêm nhiệm hết công việc. Bản thân ông cũng phải nghỉ luân phiên không hưởng lương. Được biết, phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang cũng phải luân phiên nghỉ việc. Đơn vị này đang thực hiện “3 tại chỗ”, gần 200 lái tàu được chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm làm việc 15 ngày, trước khi lên ban lái đều được xét nghiệm theo đúng quy định.


Trước những khó khăn của ngành, đã có một số cán bộ, nhân viên tự chấm dứt hợp đồng lao động. Số người ở lại, mỗi tháng hiện chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng. Trước đây, khi không bị dịch, nhân viên đường sắt có thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Trong thời gian nghỉ việc, nhiều nhân viên đã tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng đủ nghề khác nhau. “Với thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng không đủ bảo đảm đời sống cho gia đình. Vì vậy, tôi tranh thủ thời gian nghỉ chạy Grabbike kiếm thêm được hơn 3 triệu đồng. Ngành Đường sắt đang gặp khó khăn, nhưng đó là cái khó chung, chúng tôi rất chia sẻ và đồng lòng mong đại dịch sớm qua”, anh N.M.T - nhân viên Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang chia sẻ.


Nhiều giải pháp linh hoạt

 

Khách được đo thân nhiệt trước khi vào sân ga lên tàu.

Khách được đo thân nhiệt trước khi vào sân ga lên tàu.


Đối mặt với những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo chi nhánh xác định: Chỉ khi nào hành khách thấy sức khỏe của họ được bảo đảm thì lượng người đi tàu mới tăng lên. Tất cả phụ thuộc vào những giải pháp mà ngành chủ động thực hiện. Chính vì vậy, ngành đã tăng cường các biện pháp phòng, chống nhằm chủ động kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, tại tất cả các ga, ngành tăng cường vệ sinh môi trường, khử khuẩn, bố trí dung dịch rửa tay, sát khuẩn tại tất cả khu vực của nhà ga. Toàn bộ đoàn tàu khách sau khi về ga đều được phun thuốc khử trùng, lau rửa trước khi chở khách chuyến tiếp theo. Đồng thời, hành khách, nhân viên đều được đo thân nhiệt, test nhanh trước khi lên tàu. Trường hợp nghi ngờ có khả năng nhiễm Covid-19, nhân viên y tế sẽ tiến hành cách ly, đưa hành khách tới bệnh viện...

 

Trước khi chuyển bánh, các toa tàu đều được phun khử khuẩn.

Trước khi chuyển bánh, các toa tàu đều được phun khử khuẩn.


Cùng với đó, ngành Đường sắt bắt đầu ứng dụng khoa học công nghệ để tạo động lực phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngành đã xây dựng, thực hiện hệ thống bán vé điện tử, phần mềm kiểm soát hành khách đi tàu, triển khai ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán điện tử và hóa đơn điện tử; hệ thống quản trị vận tải hàng hóa và điều hành chạy tàu... “Hiện nay, ngành Đường sắt đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành xem xét có chính sách hỗ trợ đường sắt do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Giảm phí hạ tầng, phí điều hành…; các ngân hàng cho khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất. Ngoài ra, ngành cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ xem xét hỗ trợ người lao động của ngành Đường sắt”, ông Sơn thông tin.


Với những nỗ lực ngăn đà sụt giảm và các giải pháp đưa ra cho thời gian ngắn hạn cũng như lâu dài, hy vọng ngành Đường sắt sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ.

 

Ông Lê Quang Chính - Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, Chủ tịch Công đoàn chi nhánh: Chi nhánh đã vận dụng tối đa các chế độ để hỗ trợ người lao động. Tuy nghỉ không lương nhưng các chế độ bảo hiểm vẫn thực hiện đầy đủ. Hiện nay, nếu nhân viên vô tình nằm trong diện F1 và F2 thì được hỗ trợ lần lượt là 1 triệu đồng và 500 nghìn đồng.

______________________________________________


Ngành Đường sắt đã lên kế hoạch có các chương trình kích cầu khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể như: Giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, sinh viên, học sinh…, đồng thời phát hành thẻ khách hàng, giảm giá vé; đưa ra các chương trình kích cầu giảm giá sâu từ 30 đến 50%. Cùng với đó, chi nhánh cũng kết hợp với các công ty du lịch, hiệp hội du lịch mở các tour đường sắt để thu hút khách…

 


 









 

 

 

 

THÀNH NAM