10:07, 16/07/2021

Những công việc thầm lặng

Tại những khu cách ly tập trung, dù có khoảng cách nhưng tình người thì luôn đong đầy. Những điều ấy giúp mọi người gần hơn với nhau, có thêm động lực để vượt qua dịch bệnh…

Tại những khu cách ly tập trung, dù có khoảng cách nhưng tình người thì luôn đong đầy. Những điều ấy giúp mọi người gần hơn với nhau, có thêm động lực để vượt qua dịch bệnh…
 
Những chiến sĩ… “n trong 1” 
 
Đầu giờ chiều một ngày tháng 7, chúng tôi có mặt ở khu cách ly tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, thuộc Trung đoàn Bộ binh 974, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh. Choàng bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi rịn ra chân tóc, dưới ánh nắng gay gắt, cảm giác càng bức bối. Mặc vào chúng tôi mới hiểu những người làm nhiệm vụ ở đây đã chịu đựng thế nào khi còn phải mang vác đồ đạc, vật dụng, lên xuống cầu thang liên tục. 
 

 

1
Các cô giáo hỗ trợ lực lượng phục vụ, giúp các em nhỏ thoải mái hơn trong khu cách ly.
 
Một ngày bình thường của anh Phương Vận Kỳ (Trạm Y tế xã Vĩnh Thái tăng cường) và lực lượng vòng trong bắt đầu từ 5 giờ sáng, kết thúc khoảng 23-24 giờ. Sáng sớm, các anh đi quanh khu lầu gọi người dân dậy; chuyển, phát đồ ăn sáng; thu dọn rác; quay lại đo thân nhiệt; cập nhật báo cáo xong lại phát cơm trưa… Giấc đêm cũng tranh thủ vì các anh còn tuần tra luân phiên 2-3 tiếng/lần. Trung tá Lâm Xuân Hòa - phụ trách Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho biết, từ đầu năm đến ngày 12-7, đơn vị tiếp nhận 832 người cách ly; hiện còn 141 người. Trung tâm có 2 đội phục vụ, bố trí vòng trong và vòng ngoài, thực hiện phun thuốc khử khuẩn. Công việc hàng ngày của họ là kiểm tra y tế; theo dõi danh sách; phát suất ăn; dọn vệ sinh; tuần tra canh gác doanh trại; phục vụ hậu cần, bảo đảm “cơm chín, nước sôi, phục vụ tận nơi”, chưa kể các nhiệm vụ khác. Nhiều người đã lâu chưa về nhà nhưng tất cả đều tận tâm, trách nhiệm và tuân thủ nghiêm quy trình phòng, chống dịch. 
 
Đó là ngày bình thường, còn khi có tình huống phát sinh, công việc càng vất vả hơn. Thượng úy Nguyễn Văn Xuân (Trung đoàn Bộ binh 974) vẫn nhớ lần vừa ngả lưng thì 1 giờ sáng điện thoại báo chuẩn bị đón đoàn đến khu cách ly. Tất cả bật dậy kiểm tra, sắp xếp đồ đạc, khử khuẩn lại phòng…; vừa xong thì được báo dời tới 3 giờ. Tất cả vừa chợp mắt lại có thông báo dời tới 4 giờ! Cả đêm như vậy, anh em gần như không ngủ. Rồi đoàn cũng tới, công việc cuốn đi… Trưa đó, anh ngủ liền 30 phút, quên cả bữa trưa. Có lần, vừa đặt lưng xuống ngủ, anh Kỳ nghe tiếng than nóng của 2 bé 4 và 5 tuổi. Anh lại trở dậy, mang thêm quạt điện cho phòng. Có thai phụ nửa đêm đau bụng, phải báo trung tâm gấp… Còn ở khu cách ly tại ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, trong 350 người đang cách ly, có 50-60% người trên 50 tuổi, có nhiều bệnh nền. Thiếu úy, quân nhân chuyên nghiệp, điều dưỡng viên Đặng Thanh Tịnh (Trung đoàn Bộ binh 974) cùng đồng đội vừa theo dõi sát, chủ động xử lý tình huống tái phát bệnh lý nền, vừa động viên, giúp họ ổn định tâm lý; có khi xong việc đã sang ngày mới.
 
Bao giờ cũng vậy, trước khi về phòng vào cuối giờ, các anh luôn dặn: “Cần gì các cô, bác cứ gọi, lúc nào cũng được”.
 

 

1
Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ở khu cách ly tập trung làm hết mọi việc, từ đo thân nhiệt…
 
 
Chia sẻ để thấu hiểu
 
Biết cấp trên có chỉ thị điều động dân quân tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Hồng Huệ, chiến sĩ dân quân xã, Bí thư Đoàn thôn Phú Thạnh 1, xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang) lập tức đăng ký tình nguyện tham gia. “Công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng tôi vẫn muốn được cống hiến, bởi mình là thanh niên, có sức khỏe, lại chưa vướng bận chuyện gia đình” chị Huệ chia sẻ. Biết cha mẹ sẽ lo lắng, chị Huệ chỉ nói đi diễn tập dài ngày, ít ngày sau mới gọi điện thoại thú thật. Cha mẹ chị lo thì lo nhưng vẫn ủng hộ, dặn dò con gái giữ sức khỏe để hoàn thành tốt công việc. Chị Huệ tham gia hỗ trợ tại khu cách ly ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. Hàng ngày, chị dậy từ 4 giờ 30, làm mọi việc được phân công. “Những ngày đầu, chưa quen mặc bộ đồ bảo hộ y tế, trời nóng, mang vác đồ nhiều, mồ hôi vã ra mà không kịp bù nước, tôi mệt lả. Nhưng có tham gia, tôi mới hiểu rõ dịch bệnh nguy hiểm chừng nào; cảm nhận được sự vất vả của lực lượng phục vụ và nhận ra nhiều điều quý giá về tình người”, chị Huệ trải lòng. 
 
Anh Kỳ kể: “Hôm đó, tôi tới sớm, vừa chúc mừng một bác lớn tuổi sắp được về nhà thì lại nhận được thông báo có kết quả tái dương tính. Nhìn bác khóc, tôi cố dằn lòng, động viên bác kiên nhẫn tiếp tục điều trị cho đến khi khỏi hẳn. Còn binh nhì Trần Hoàng Ý (19 tuổi, Trung đoàn Bộ binh 974) chia sẻ: “Lần đầu phục vụ ở khu cách ly tôi có chút lo lắng. Nhưng được nhiều người dân động viên, lại chứng kiến đồng đội làm việc ngày đêm, tôi đã quyết tâm nỗ lực hơn nữa”.
 

 

<div> … đến kiểm tra huyết áp…</div>
 … đến kiểm tra huyết áp…
 
Bao lời cảm ơn cũng không đủ
 
Cách ly tại khu cách ly ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang cùng 2 đồng nghiệp và một số học trò, chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ vất vả làm việc, T.L.A - giáo viên một trường mầm non ở TP. Nha Trang đã đề nghị phụ huynh rồi xin phép quản lý cho các cháu và phụ huynh ở chung phòng với các cô để tiện giúp đỡ. Khi các cháu căng thẳng, lo lắng, không ăn, các cô khéo léo dỗ dành. Dần dà, các cháu quen môi trường mới, cô lại đề nghị phụ huynh liên lạc chuyển sách vở, đồ dùng học tập vào để kèm học. Với trẻ, khu cách ly bỗng thành trường mầm non. Các em cùng học, cùng chơi với cô rất vui. Còn bà L.T.N. (72 tuổi, ở phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa) nói: “Chúng tôi được động viên, chăm sóc tận tình. Các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều đầy đủ, đồ ăn ngon. Cảm ơn các cô, chú rất nhiều”.
 
Làm việc trong khu cách ly đã lâu không được về nhà, anh Kỳ nhớ quay quắt đứa con 3 tuổi đã mấy tháng không gặp. Nhưng chỉ cần đêm về, gọi điện thoại, thấy vợ con vẫy tay, bé nhắc lại lời mẹ: “Ba ơi cố lên, hết dịch về với con!” anh thấy ấm áp và có thêm động lực quyết tâm hoàn thành công việc. Còn thượng úy Xuân phục vụ tại khu cách ly từ đầu năm 2020, vừa cưới vợ được 1 tuần, anh lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Tháng 5 vừa qua, con chào đời, chị gái anh quay video gửi, nhìn đứa bé mà anh cay xè sống mũi, mắt nhòe đi. Được hỏi sao không xin nghỉ phép, anh chỉ nói đơn giản: “Dịch vẫn chưa yên, nhiệm vụ còn căng thẳng, lẽ nào mình chỉ biết chuyện riêng?”.
 
Trong cuộc chiến với Covid-19, bên cạnh những vất vả thấy được bằng mắt, còn có những hy sinh thầm lặng chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Anh T.V.P (24 tuổi, ở phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) tâm sự: “Nhìn các anh liên tục lên xuống đo thân nhiệt, giao nước, vận chuyển đồ, phát cơm, tôi muốn ra phụ giúp mà các anh không cho, dặn phải tuân thủ quy định. Chứng kiến các anh hoàn thành mọi việc cho mình, chúng tôi rất khâm phục và chỉ biết nói cảm ơn, dẫu biết cảm ơn bao nhiêu vẫn không đủ!”.
 
 
1
… và dọn vệ sinh. 

 

Đại tá Trịnh Việt Thành - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Những ngày qua, Bộ CHQS tỉnh đã điều động 128 cán bộ, chiến sĩ, 537 dân quân tự vệ; thành lập 13 điểm cách ly và khung chỉ huy tại các điểm cách ly tập trung; phối hợp với ngành Y tế tổ chức đưa 2.909 công dân đi cách ly tập trung. Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tham mưu UBND tỉnh thành lập bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh để điều trị bệnh nhân Covid-19; duy trì 100% cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ với quyết tâm cao nhất; xác định “Chống dịch như chống giặc”, bất luận tình huống nào, lực lượng vũ trang tỉnh cũng sẵn sàng đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19. 

 

Thiều Hoa - Thế Anh