12:02, 15/02/2019

Nỗi ám ảnh từ tai nạn giao thông

Sáng 14-2, chiếc xe khách chở nhiều người từ Thái Bình vào nam mất lái tông vào nhà dân ở xã Vĩnh Lương (Nha Trang) đã làm hàng chục người bị thương. May mắn là không có ai bị thiệt mạng, nhưng với những hành khách trên chuyến xe này, nỗi ám ảnh có lẽ sẽ còn theo họ mãi…

Sáng 14-2, chiếc xe khách chở nhiều người từ Thái Bình vào nam mất lái tông vào nhà dân ở xã Vĩnh Lương (Nha Trang) đã làm hàng chục người bị thương. May mắn là không có ai bị thiệt mạng, nhưng với những hành khách trên chuyến xe này, nỗi ám ảnh có lẽ sẽ còn theo họ mãi…


Trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, cả nước xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 183 người chết và 241 người bị thương. Báo chí và mạng xã hội hầu như ngày nào cũng có tin tức về TNGT, người đọc cảm thấy đau lòng, có cảm giác bất an, bất lực. Bất an vì đi ra đường không an toàn, ngay cả chấp hành đúng luật giao thông vẫn có thể trở thành nạn nhân của chiếc xe điên nào đó. Bất lực vì năm nào cũng thấy người ta thống kê hàng loạt các vụ tai nạn, có những so sánh tăng - giảm số vụ, số người chết, người bị thương nhưng làm gì để không còn những con số thương vong vì TNGT thì vẫn là vấn đề đang được mổ xẻ, bàn bạc mà chưa có giải pháp triệt để.


Nếu nêu về nguyên nhân, có lẽ sẽ rất nhiều, rất dài. Điều người dân mong chờ và quan tâm là cần có các giải pháp để hạn chế TNGT. Nhìn sang Thái Lan - đất nước xếp thứ hai trên thế giới về tử vong do tai nạn đường bộ, chúng ta cũng có thể thấy họ đang triển khai nhiều biện pháp, nhiều chiến dịch truyền thông để hạn chế TNGT, nhưng mấu chốt cũng là vấn đề thực thi pháp luật. Mức phạt do vi phạm luật giao thông cần phải đủ nặng để mọi người sợ và chấp hành. Các chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông phải được tiến hành liên tục, không chỉ vào mùa cao điểm. Sau đó, họ chuyển sang giải quyết các vấn đề khác như cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ. Những điểm này khá tương đồng với Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng và triển khai được.


Tuy nhiên, lại vẫn là vấn đề thực thi pháp luật. Chúng ta đề ra nhiều quy định nhưng thực hiện lại nửa vời hoặc không xử lý nghiêm minh nên vẫn còn tình trạng nhiều người tham gia giao thông nhưng không biết luật giao thông, vẫn phóng nhanh vượt ẩu, coi thường tính mạng của chính mình và của người khác. Luật quy định trẻ trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông với người lớn; tuy nhiên ra đường vẫn thấy nhan nhản các bậc phụ huynh vô tư chở con trên đường không cần mũ bảo hiểm. Luật quy định cấm học sinh sử dụng xe phân khối lớn, sử dụng xe đạp điện, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm… nhưng vào đợt cao điểm kiểm tra, cảnh sát giao thông vẫn xử phạt nhiều trường hợp vi phạm rồi sau đó lại… tái phạm.


Bởi vậy, đã đến lúc cần có những biện pháp chế tài mạnh hơn, những giải pháp quyết liệt hơn để không còn cảnh có những người sáng đi làm và không bao giờ trở về nhà, những người trong tích tắc trở thành tàn phế, những gia đình bỗng chốc ly tán vì TNGT…


HẢI NGUYỆT