11:01, 10/01/2019

Cơ cấu lại

Và hình ảnh đất nước, con người Nha Trang - Khánh Hòa chưa thật sự tạo được ấn tượng, chưa có sức cuốn hút khiến du khách mong muốn được thêm một lần trở lại.

Đến nay, du lịch Khánh Hòa đang từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực khác.


Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, du lịch Khánh Hòa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Du lịch tỉnh nhà còn nhiều điểm yếu, trên nhiều lĩnh vực như: sản phẩm du lịch; cơ sở hạ tầng; các điều kiện về môi trường đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý nhà nước; cơ chế, chính sách; nguồn nhân lực chuyên nghiệp; xúc tiến, quảng bá; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch... Những điểm yếu nói trên đã làm hạn chế rất nhiều năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Khánh Hòa. Và hình ảnh đất nước, con người Nha Trang - Khánh Hòa chưa thật sự tạo được ấn tượng, chưa có sức cuốn hút khiến du khách mong muốn được thêm một lần trở lại.


Theo các chuyên gia du lịch, muốn phát triển lên một tầm cao mới, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, tạo được nguồn lợi tốt, ngành Du lịch Khánh Hòa phải được cơ cấu lại, trên nhiều lĩnh vực như: đa dạng hóa sản phẩm; giải các quyết bài toán về hạ tầng giao thông; sự hài hòa giữa lượng khách với yêu cầu bảo tồn nguồn tài nguyên du lịch; chiến lược quảng bá hiệu quả... Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần được định vị lại, với một quy hoạch tổng thể có tính định hướng lâu dài để có sức thu hút mạnh mẽ, tăng trưởng tốc độ cao. Hết thảy những nội dung nói trên đều phải hướng tới sự phát triển bền vững.


Năm 2017, Tỉnh ủy Khánh Hòa xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Khánh Hòa và xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 thu hút 8,5 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 70.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 50.000 lao động trực tiếp. Đến năm 2030, tăng trưởng gấp đôi các chỉ tiêu đạt được năm 2020. Đây là quyết tâm chính trị rất cao.


Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Du lich, sắp tới Khánh Hòa tập trung rà soát, xây dựng lại sản phẩm du lịch; cơ cấu lại thị trường khách; mở rộng không gian phát triển du lịch, nâng cao chất lượng marketing và nhân lực du lịch. Bên cạnh tập trung tái cơ cấu các lĩnh vực như: nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch; định hướng thị trường du lịch; cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch, sẽ phải đặc biệt quan tâm cơ cấu lại tổ chức, quản lý ngành Du lịch trong đó có quản lý môi trường du lịch.


Cơ cấu lại được hiểu là sự tổng hợp một chuỗi quá trình tư duy lại; thiết kế lại và xây dựng lại. Cơ cấu lại kinh tế vĩ mô luôn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cơ cấu lại các nhóm ngành nhắm tới điều chỉnh chiến lược sản xuất, thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Cơ cấu lại ngành Du lịch Khánh Hòa, do đó, cần có tư duy mới, tầm nhìn mới, phương pháp mới. Những nội dung đổi mới mang tính chất sống còn ấy được thể hiện không chỉ trong việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khánh Hòa cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà còn ngay cả trong cách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, để công tác quy hoạch; quản lý quy hoạch; quản lý nhà nước đáp ứng được yêu cầu, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển doanh nghiệp nói riêng, ngành Du lịch nói chung.


PHONG NGUYÊN