11:06, 03/06/2018

Cẩn trọng khi qua đèo Khánh Lê

Đèo Khánh Lê hiện nay là tuyến đèo dài nhất Việt Nam có lượng phương tiện đi lại khá lớn. Bên cạnh đó, phong cảnh núi rừng hùng vĩ cũng thu hút nhiều phượt thủ khám phá tuyến đèo này. 

Đèo Khánh Lê hiện nay là tuyến đèo dài nhất Việt Nam có lượng phương tiện đi lại khá lớn. Bên cạnh đó, phong cảnh núi rừng hùng vĩ cũng thu hút nhiều phượt thủ khám phá tuyến đèo này. Thế nhưng, đèo Khánh Lê quanh co với những khúc cua tay áo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.


Tuyến đèo hiểm trở


Ông Tạ Thanh Tình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết, đèo Khánh Lê thực sự rất nguy hiểm, một bên là vực sâu đến 300m, một bên là vách núi đá dựng đứng. Tuyến đường đèo này chủ yếu nằm bên phía Khánh Hòa. Trong khoảng 30km đường đèo qua địa bàn tỉnh thì có khoảng hơn 100 khúc cong cua nguy hiểm. Năm 2015, Sở Giao thông vận tải bàn giao tuyến Quốc lộ 27C cho chi cục quản lý. Từ đó đến nay, năm nào trên tuyến đèo này cũng xảy ra sụt trượt, có thời điểm đường bị tắc nửa tháng. Không chỉ vậy, với những khúc cua tay áo cực kỳ nguy hiểm, tuyến đèo này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông tại km56 + 100 trên đèo Khánh Lê làm 3 người chết và 17 người bị thương.

 

Đèo Khánh Lê nguy hiểm, một bên là dốc cao, một bên là vực sâu.

Đèo Khánh Lê nguy hiểm, một bên là dốc cao, một bên là vực sâu.


Hiện nay, trên đoạn tuyến qua Khánh Hòa, các nhà thầu đang xử lý 12 điểm mất an toàn giao thông do bị sụt trượt và 1 điểm đen tại km44 + 720. Điểm đen này là khúc cua tay áo nguy hiểm, khuất tầm nhìn và từng xảy ra vụ tai nạn thảm khốc làm 7 người chết, 17 người bị thương. Ông Nguyễn Văn Hường - Chỉ huy trưởng công trình khắc phục điểm đen km44 + 720 cho biết, sau gần một năm khắc phục, đơn vị mới kết thúc phần nổ mìn mở rộng làn đường vì gặp nhiều khó khăn do thời tiết và lượng phương tiện qua lại quá dày. Mỗi lần nổ mìn phá đá đơn vị phải đóng đường 4km để đảm bảo an toàn giao thông.


Cẩn trọng khi qua đèo


Đèo Khánh Lê không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, mà nó còn được biết đến với sự nguy hiểm, tiềm ẩn những tai nạn bất ngờ. Vì vậy, những phương tiện đi trên đèo cần hết sức cẩn trọng.


Ông Tình cho biết, tuyến đường đèo Khánh Lê mặt đường khá hẹp, chỉ 6m lòng và 2m lề đường. Không chỉ vậy, tuyến đèo này thường xuyên có sương mù, bất kể sáng chiều. Nếu buổi sáng, đến 8 giờ sương mù vẫn còn bao phủ, thì buổi chiều, khoảng 3, 4 giờ trở đi sương mù sà xuống cả đường; thậm chí nhiều ngày ngay giữa trưa trên đỉnh đèo sương mù vẫn bao phủ.

 

Điểm đen tại km44 + 720 trên đèo Khánh Lê đang được khắc phục.

Điểm đen tại km44 + 720 trên đèo Khánh Lê đang được khắc phục.

 

Đèo Khánh Lê nằm trên tuyến Quốc lộ 27C. Đây là tuyến đường huyết mạch nối Nha Trang (Khánh Hòa) với Đà Lạt (Lâm Đồng). Chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 120km, trong đó qua địa phận Khánh Hòa 65km. Đoạn qua đèo Khánh Lê cao nhất khoảng 1.700m so với mực nước biển, dài 33km, là đèo dài nhất Việt Nam, đoạn qua Khánh Hòa khoảng 30km.

Đặc biệt, điều kiện thời tiết trên đèo không theo bất cứ một quy luật nào, nắng mưa bất chợt. Trong khi đó, các dòng chảy từ thượng nguồn không ổn định, thường xuyên bị thay đổi dẫn đến đất đá hay bị sạt lở, sụt trượt khi có mưa. “Người tham gia giao thông trên đèo phải hết sức cẩn thận, nâng cao cảnh giác, đề phòng sạt lở và cây rừng có thể lao xuống khi đi trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đối với ô tô khi qua sương, tài xế nên bật chế độ đèn sương mù, chạy chậm. Đặc biệt, người tham gia giao thông phải nghiêm túc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, các chỉ dẫn về biển báo, sơn kẻ vạch đường. Hiện nay, trên đèo Khánh Lê chúng tôi trang bị đầy đủ các biển cảnh báo qua khu vực hay có sương mù, các gương lồi ở khúc cua, cảnh báo khu vực thường xảy ra tai nạn… Đồng thời, tài xế phải chú ý tốc độ cho phép khi đi trên đèo, đi đúng làn đường, phần đường của mình. Đây là yếu tố hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông”, ông Tình khuyến cáo.

 

Trên đèo hiện đã được trang bị các chỉ dẫn và biển báo
Trên đèo Khánh Lê hiện đã được trang bị đầy đủ các chỉ dẫn và biển cảnh báo

 


Ngoài ra, trên tuyến đèo này thường xuyên có các dự án sửa chữa, kiên cố mái taluy đường. Ở mỗi dự án đều bố trí người trực tiếp phân luồng giao thông. Vì vậy, người tham gia giao thông phải tuân thủ những quy định an toàn giao thông do người phụ trách phân luồng cảnh báo. Vụ tai nạn giao thông vào cuối tháng 11-2017 khiến đôi nam nữ đi xe máy ngang qua đoạn khu vực xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh bị dòng nước cuốn trôi dẫn đến tử nạn, nguyên nhân chính là tuy đã được người đảm bảo giao thông cảnh báo nhưng vẫn cố tình đi qua.


THÀNH NAM