07:06, 19/06/2013

Tôn vinh sự dấn thân của các tác giả

Giải báo chí Khánh Hòa 2013 vừa khép lại với kết quả khá mỹ mãn. 22 tác phẩm xuất sắc thuộc thể loại báo in và báo hình đã đoạt giải, và sẽ được tôn vinh vào 21-6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Giải báo chí Khánh Hòa 2013 vừa khép lại với kết quả khá mỹ mãn. 22 tác phẩm xuất sắc thuộc thể loại báo in và báo hình đã đoạt giải, và sẽ được tôn vinh vào 21-6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là phần thưởng xứng đáng tôn vinh sự dấn thân đối với các tác giả không quản hiểm nguy để có được những tác phẩm xuất sắc, đáp lại lòng mong đợi của công chúng.

 

Các nhà báo tác nghiệp tại Giải đua xe đạp Báo Khánh Hòa mở rộng cúp CMC (tháng 6-2013).


Tham dự Giải báo chí Khánh Hòa 2013 có 91 tác phẩm của 80 tác giả và nhóm tác giả trong tỉnh. Trong đó có 61 tác phẩm báo viết, 9 tác phẩm báo ảnh, 19 tác phẩm báo hình và 2 tác phẩm phát thanh.


Báo viết chiếm hơn 3 lần so với các tác phẩm báo hình và phát thanh. Vì vậy, các tác phẩm báo viết thể hiện nội dung rất đa dạng, phong phú; đề cập đến mọi lĩnh vực. Trong đó, nhiều bài viết đề cập đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và Trường Sa thân yêu, xây dựng nông thôn mới, đổi mới ở những vùng quê, tai nạn giao thông, số phận và nghị lực vươn lên của những con người kém may mắn v.v … Đặc biệt, mảng báo viết có nhiều bài dài kỳ, đề cập những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cuộc sống của người dân, được bạn đọc và các cơ quan chức năng quan tâm như loạt bài “Nhức nhối nạn khoáng tặc ở Khánh Vĩnh”, “Lao theo giấc mộng kỳ nam”, “Người nước ngoài kinh doanh trên vịnh Nha Trang”, “Cây thần dược sáo tam phân”. Một số tác phẩm mang đậm tính nhân văn, phản ánh chân thực tình người trong cuộc sống, góp phần biểu dương những nhân tố mới như: “Trường Sa nơi tôi đến”, “Thiêng liêng ngày đón các anh về”, “Việc làng, tấc vàng cũng hiến”. Riêng tác phẩm “Lặn lội mò nghêu ở tuổi 82” của một tác giả của Báo Sài Gòn Giải phóng đã làm nhiều người xúc động. Ngay sau khi báo ra mắt độc giả, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều bạn đọc trong tỉnh đã ủng hộ tiền để cụ Đước 82 tuổi không phải mò nghêu kiếm sống, nuôi đứa con tâm thần. Điều đó chứng tỏ nhiều tác phẩm báo chí có tính nhân văn lớn, lay động lòng người.


Đối với báo hình, so với những năm trước, năm nay báo hình có nhiều tác phẩm mang tính phê bình, chiến đấu cao, dưới nhiều hình thức thể hiện như bình luận, phóng sự, phim tài liệu, phóng sự ngắn. Đó là các tác phẩm: Phóng sự “Hẻm kim tiêm”, “An ninh du lịch”, “Tai biến y khoa, nguyên nhân và giải pháp”. Nhiều tác phẩm có nội dung mới, đề tài lạ, hấp dẫn người xem. Trong số đó, tác phẩm được Ban Giám khảo đánh giá cao – tác phẩm “Vô cảm” là một điển hình. Phóng sự này phê phán tình trạng có một bộ phận hiện nay sống rất vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác; thiếu ý thức, vô cảm đối với những người xung quanh qua các hành động như: lạng lách đánh võng, giành đường khi tham gia giao thông; phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn.


Điều không thể không nhắc tới tại giải báo chí Khánh Hòa 2013, đó là những sáng tác về Trường Sa, mảnh đất thân yêu của Tổ quốc. Nhiều tác giả báo in, báo ảnh và báo hình lấy đề tài Trường Sa để chuyển tải cảm xúc đối với những chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh hoặc đang ngày đêm canh giữ vùng biển của Tổ quốc. Các tác phẩm: “Trường Sa nơi tôi đến”, “Trên vùng đất thiêng liêng” và nhiều tác phẩm khác đã gây xúc động mạnh. Hình ảnh những chiến sĩ quên mình, hy sinh xương máu để bảo vệ đảo; những con người chịu đựng gian khó để chống chọi với thiên nhiên và luôn nêu cảnh giác với kẻ thù đã được khắc họa một cách sinh động trong các tác phẩm.


Những tác phẩm đạt giải cao lần này là những tác phẩm in đậm sự dấn thân của phóng viên. Phóng viên không quản ngại gian khổ, lao vào chốn nguy hiểm như đến tận hầm sâu, nơi những người khai thác khoáng sản trái phép ở các khu vực rừng đầu nguồn thuộc xã Khánh Thành, Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh hoặc vào tận rừng sâu Khánh Sơn, viết về những người phá rừng tìm trầm kỳ để cho ra mắt những tác phẩm độc đáo; kịp thời phản ánh cho lãnh đạo địa phương nắm được thực tế đang diễn ra để có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Thực hiện loạt bài phóng sự “Nhức nhối nạn khoáng tặc”, các phóng viên phải giả làm khoáng tặc, lội suối, đi bộ vượt rừng hơn 3 tiếng đồng hồ để đến bãi quặng; sau đó phóng viên phải ở lại rừng, xuống từng hầm sâu có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào để lấy tư liệu viết bài và chụp những bức ảnh đắt giá. Hoặc để thực hiện loạt bài: “Lao theo giấc mộng kỳ nam” các phóng viên phải băng rừng, lội suối trong tiết trời mưa dầm dề để vào gộp Ngà (xã Sơn Trung) lấy tư liệu viết bài. Chính vì sự dấn thân ấy mà các tác giả có được những bài báo đặc sắc, mang lại hiệu quả xã hội cao. Ngay sau khi các bài báo ra mắt, tỉnh đã chỉ đạo giải quyết kịp thời, không những đẩy đuổi những người khai thác quặng và trầm kỳ trái phép, còn phát hiện được đường dây công an ăn chặn trầm kỳ ở Khánh Sơn.


Nhìn lại 91 tác phẩm tham dự giải báo chí Khánh Hòa 2013, ngoài những mặt mạnh đạt được, còn có những điều cần đề cập tới. Đó là, số lượng bài của phóng viên các báo Trung ương thường trú tại Khánh Hòa tham gia chưa nhiều; bài viết về kinh tế còn ít; bài phát thanh chiếm số lượng quá ít (chỉ có 2 bài dự thi), chất lượng lại không cao.


Ông Trương Tấn Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải Báo chí Khánh hòa 2013 cho biết: “Năm nay, các tác phẩm tham dự giải tập trung nhiều ở báo viết, với các bài điều tra phê bình chất lượng cao. Đối với báo hình, nhiều tác phẩm có nội dung mới, mang tính thực tế cao. Hình ảnh và lời bình có sự đầu tư về chuyên môn. Những bài đoạt giải cao tại Giải Báo chí Khánh hòa 2013 vừa mang tính phát hiện, vừa có sự đầu tư công sức lớn của phóng viên”.


THU GIANG