11:06, 18/06/2013

Những khoảnh khắc đáng nhớ

Lăn lộn trong rừng sâu để thực hiện những bài phóng sự điều tra hay trực chiến thâu đêm suốt sáng khi có sự kiện xảy ra muộn…, đó có thể là thử thách của những người đang dấn thân trong nghiệp làm báo.

Lăn lộn trong rừng sâu để thực hiện những bài phóng sự điều tra hay trực chiến thâu đêm suốt sáng khi có sự kiện xảy ra muộn…, đó có thể là thử thách của những người đang dấn thân trong nghiệp làm báo. Nhưng đằng sau những nỗi vất vả ấy luôn là những nụ cười hạnh phúc khi những bài báo mình viết ra mang lai hiệu ứng xã hội cao, được đông đảo bạn đọc gần xa đón nhận.


Đã say nghề có ngại chi gian khó


Những năm qua, phóng viên Nguyễn Đình Lâm (bút danh: Lam Điền) của Báo Khánh Hòa được dư luận chú ý bởi những bài báo điều tra công phu, mang lại hiệu ứng xã hội cao như: Nhức nhối nạn khoáng tặc ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, Lao theo giấc mộng kỳ nam ở Khánh Sơn hay loạt bài Xáo tung rừng vì xáo tam phân ở thị xã Ninh Hòa… Đình Lâm chia sẻ rằng, mỗi người cầm bút đều mang trong mình một mong muốn được viết gì đó có ích cho xã hội, được bạn đọc đón nhận. Đối với một phóng viên viết điều tra, để có được một bài báo phản ánh được bản chất của sự việc, ngoài cái tâm trong sáng, lòng yêu nghề thì còn phải có sự dấn thân. Chẳng hạn như, để thực hiện phóng sự Nhức nhối nạn khoáng tặc, anh cùng đồng nghiệp trong vai những phu quặng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các đối tượng khai thác quặng trái phép gần một tuần lễ trong rừng; hay để kiểm chứng thông tin đầu nậu ở xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) lợi dụng đêm khuya dùng xe con vận chuyển quặng đi tiêu thụ, anh phải “mật phục” tại rẫy mỳ cạnh nhà đối tượng mấy đêm liền. “Để thực hiện bài viết này, chúng tôi phải 2 lần vượt hàng chục cây số đường rừng để đến bãi khai thác quặng của đối tượng ở xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh), phải thót tim mỗi khi đối mặt với những tay “anh, chị” bảo kê tại bãi quặng… Sau khi bài báo được xuất bản, các đối tượng bị phản ánh trong bài viết đã không ít lần “truy lùng” chúng tôi… Tuy vất vả, nguy hiểm là thế nhưng điều chúng tôi cảm thấy vui nhất là mình đã mang lại những thông tin nóng hổi nhất đến bạn đọc; đặc biệt, những thông tin phản ánh trên báo đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vụ việc”, anh chia sẻ.  

 

Phóng viên Nguyễn Đình Lâm (áo ngắn tay) tiếp xúc với người đào “thần dược” trên núi Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa).
Phóng viên Nguyễn Đình Lâm (áo đỏ) tiếp xúc với người đào “thần dược” trên núi Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa).


Có một điều mà Đình Lâm đã nhiều lần chia sẻ cùng chúng tôi rằng, trong quá trình thực hiện các bài điều tra, nếu không có sự giúp đỡ của người dân địa phương thì rất khó để hoàn thành tốt bài viết. Sự giúp đỡ ấy đến từ những người dẫn đường nhiệt tình, những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số mến khách ở các huyện miền núi của tỉnh… Chẳng hạn, sau khi nhận được thông tin hàng trăm người đang đổ xô đến rừng Gộp Ngà của xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn) đào tìm kỳ nam, anh cùng đồng nghiệp đến địa phương này khi trời đã nhá nhem tối. Rất may, một người đàn ông (xin giấu tên) ở xã Sơn Trung không quản ngại đêm tối, sẵn lòng đưa các anh vượt rừng đến bãi khai thác. Khi xuống núi, đang loay hoay chưa biết phải nghỉ lại đêm ở đâu, các anh còn được người người dẫn đường tốt bụng này mời về nhà... Bài viết Lao theo giấc mộng kỳ nam đã được thực hiện suôn sẻ một phần nhờ vào sự giúp đỡ ấy của người dân địa phương. Anh tâm sự: “Chỗ dựa cho mỗi bài viết điều tra của chúng tôi chính là những gia đình tốt bụng ở các địa phương. Họ là nguồn tin quan trọng, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi hết mực để tiếp cận các ngóc ngách của đề tài. Nghĩa tình của người dân các địa phương còn là động lực giúp chúng tôi hoàn thành tốt bài viết”.

 

Nghề báo đòi hỏi phải xông pha vào nơi khó khăn, gian khổ. Không có bài báo nào phản ánh mà không được chào đời từ sự lao tâm khổ tứ của người viết. Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có được thông tin như vậy, các phóng viên, nhà báo phải “nếm mật nằm gai”, lăn xả vào hiện trường, hàng ngày đeo bám thông tin như chia sẻ của phóng viên Đình Lâm: “Nếu ngại khó khăn vất vả thì chẳng bao giờ chúng tôi lại chọn nghề báo. Bù lại, khi đã say nghề, tâm huyết với từng bài báo, lòng ai cũng thấy tràn đầy hạnh phúc...”. Cũng chính vì lẽ đó, không chỉ phóng viên Đình Lâm mà còn rất nhiều phóng viên khác của Báo Khánh Hòa đang ngày ngày rong ruổi trên khắp các nẻo đường của tỉnh, mang đến cho bạn đọc những thông tin nóng hổi.


Chạy đua cùng Festival Biển

Không “nếm mật nằm gai” với các bài phóng sự điều tra như phóng viên Đình Lâm, phóng viên Hồ Nhân Tâm lại có những giây phút… hụt hơi khó quên những khi tác nghiệp tại Festival Biển 2013. Diễn ra chỉ trong vài ngày nhưng từ trước đó cả tháng, anh nói riêng, cũng như cánh báo chí trong tỉnh nói chung đã bắt đầu lên dây cót tinh thần, chuẩn bị sẵn sàng để… chạy đua cùng vòng quay của Festival. Dù “thủ sẵn” một ít kinh nghiệm tác nghiệp từ những kỳ Festival Biển trước, vậy nhưng, khi nghe chỉ đạo của Ban Biên tập: “Không được để sót một sự kiện nào, dù nhỏ nhất của Festival Biển”, anh vẫn cảm thấy áp lực trách nhiệm nặng nề.

 

1
 Phóng viên tác nghiệp tại Festival Biển 2013.


Festival Biển 2013 chính thức diễn ra trong 4 ngày (từ 8 đến 11-6) nhưng trước đó là một loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, hội thảo được diễn ra. Nhìn vào bản chương trình Festival với hơn 60 hoạt động đã thấy “choáng”. Trong đó, có nhiều hoạt động, sự kiện diễn ra cùng giờ, nhưng lại ở những địa điểm xa nhau. Chính vì vậy, để có thể theo dõi, đưa tin một cách hiệu quả, kịp thời gian Tòa soạn quy định, bắt buộc phóng viên phải tự lên kế hoạch tác nghiệp cho bản thân một cách khoa học nhất. Thế mới có chuyện, trong một buổi sáng, 9 giờ đang ở Khu vui chơi giải trí Diamond Bay (xã Phước Đồng) để dự khai mạc Hội chợ du lịch biển, đảo quốc tế Nha Trang - Việt Nam 2013, nhưng 9 giờ 30, phóng viên đã phải chạy về Khách sạn Sunrise Nha Trang để đưa tin về phiên họp chuyên đề “Marketing và phát triển sản phẩm du lịch ASEAN”.

 

Với các sự kiện chính như: đêm khai mạc, lễ hội đường phố, chương trình giao lưu âm nhạc Việt - Mỹ, lễ bế mạc đều diễn ra vào buổi tối, phóng viên lại phải trực chiến tác nghiệp. Để có được những khuôn hình đẹp nhất về Festival Biển, nhằm quảng bá hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa văn minh, thân thiện đến với đông đảo độc giả trong và ngoài nước, cánh phóng viên đã không quản ngại ngồi bệt xuống mặt đường còn bốc hơi nóng để tác nghiệp. Sự kiện chính vừa diễn ra xong lại phải vội vàng gửi hình ảnh, tin tức về cho Tòa soạn. Với yêu cầu của Ban Biên tập là phải viết trước những thông tin chính của các sự kiện lớn, nên sau khi sự kiện này kết thúc, phóng viên phải tiếp tục ở lại để xem phần tổng duyệt cho chương trình tối hôm sau nhằm có sự nhìn nhận cơ bản về những hoạt động đó. Sau tổng duyệt, về đến nhà cũng là lúc đồng hồ điểm con số 1 giờ. Không kịp chợp mắt, lại ngồi vào bàn để kỳ cạch viết bài cho số báo hôm sau. Đến khi trời hừng sáng cũng là lúc guồng quay của một ngày tác nghiệp mới bắt đầu.


Khi báo điện tử cùng vào guồng

Song hành cùng sự phát triển của báo giấy, cuối năm 2012, Báo Khánh Hòa điện tử giao diện mới với nhiều thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung đã chính thức ra mắt bạn đọc trong, ngoài tỉnh.

 

1
Ê-kíp Báo Khánh Hòa điện tử đang thực hiện video clip trong dịp Festival Biển 2013.

 

Ngoài những chuyên mục được bạn đọc quan tâm như: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, du lịch, thể thao, đời sống, pháp luật… được cập nhật liên tục, thì video clip và phóng sự ảnh được coi là một trong số những chuyên mục nổi bật giúp bạn đọc tiếp cận thông tin một cách đa dạng. Và chính sự khai thác tốt tính năng đa phương tiện của loại hình báo mạng, báo Khánh Hòa online phiên bản mới không ngừng tăng nhanh về số lượng người truy cập với trung bình mỗi tháng có hơn 1 triệu lượt bạn đọc truy cập. Không nói đâu xa, trong dịp Festival Biển 2013 mới đây, nhiều người dân trong tỉnh đã tỏ ra khá bất ngờ, thú vị với sự xuất hiện của một dàn ê-kíp trong dáng vẻ hối hả, khẩn trương vừa quay phim, phỏng vấn, chụp ảnh, viết bài post lên trang mạng của báo Khánh Hòa online không khác gì những nhà báo mạng chuyên nghiệp. Nói như thế là vì, hầu hết những người đang phụ trách tờ Khánh Hòa online không xuất thân từ phóng viên, mà công việc trước đây của họ là các kỹ thuật viên hay biên dịch viên… Tuy nhiên, bằng niềm đam mê với nghề báo, họ bắt đầu tự học, tự vận dụng những kỹ năng trong công việc trước đó để dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ, đó là báo mạng. Dần dần, họ làm quen với cách viết lách thông qua những bản tin nhỏ, tự quay video clip, đọc lời bình và tập làm chủ các loại phương tiện, công nghệ để rồi mỗi ngày trở nên thuần thục và cho ra đời những sản phẩm chất lượng mang đặc tính rất riêng của tờ báo điện tử. Chia sẻ với chúng tôi về lần đầu tiên hoàn thành một đoạn clip trên báo, anh Nguyễn Mã Phương, phụ trách chuyên mục quay video clip Báo Khánh Hòa điện tử cho biết: “Lần đầu tiên cầm chiếc máy quay mini đi làm đoạn video clip về hoạt động môi trường của lực lượng đoàn viên thanh niên, tôi rất e ngại vì không biết cần phải lấy góc quay, bối cảnh như thế nào cho đẹp và đầy đủ. Tuy nhiên, được sự động viên của Ban biên tập, lãnh đạo phòng, tôi đã hoàn thành video clip đầu tay dù cách thức dàn dựng chưa được tốt lắm. Và khi sản phẩm của mình được đưa lên, được bạn đọc đón nhận, chia sẻ, tôi thật sự rất sung sướng với một cảm giác khó tả”.


Ông Cung Phú Quốc - Trưởng phòng Báo điện tử, Báo Khánh Hòa cho biết: “Về xu hướng sắp tới, do có sự phát triển mạnh của các thiết bị di động như: điện thoại thông minh, máy tính bảng… nên nhu cầu đọc báo của đông đảo người dân từ các thiết bị này là rất lớn. Vì vậy, Báo Khánh Hòa sẽ sớm đầu tư và cho ra đời phiên bản Mobile để phục vụ nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc”.


Có thể nói, với những thay đổi mang tính toàn diện, sự quan tâm đầu tư của Ban Biên tập, sự tâm huyết yêu nghề, hết lòng vì cái chung của tập thể, cùng với báo giấy, Báo Khánh Hòa điện tử đang trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, chính xác, đầy đủ thông tin cho hàng triệu bạn đọc gần xa.


BÍCH LA - NHÂN TÂM - PHÚC HIẾU