10:08, 26/08/2021

Kỳ 2: Kết nối và sẻ chia

Khi khó khăn tràn vào từng con hẻm, từng căn nhà, người dân được đón nhận những nghĩa cử ấm áp, sẻ chia từ những tình nguyện viên nhiệt tình, năng nổ. Họ sẵn sàng gác lại việc gia đình, làm nhịp cầu kết nối, góp phần cùng chính quyền hỗ trợ người dân gặp khó khăn để vững tin vượt qua đại dịch.

Kỳ 2: Kết nối và sẻ chia

 

Khi khó khăn tràn vào từng con hẻm, từng căn nhà, người dân được đón nhận những nghĩa cử ấm áp, sẻ chia từ những tình nguyện viên nhiệt tình, năng nổ. Họ sẵn sàng gác lại việc gia đình, làm nhịp cầu kết nối, góp phần cùng chính quyền hỗ trợ người dân gặp khó khăn để vững tin vượt qua đại dịch.


Kết nối cung - cầu nông sản


Sau ca trực tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở thôn Đại Điền Đông 2, xã Diên Điền (huyện Diên Khánh), ông Ngô Hơn - Chi hội trưởng Chi hội 5 Hội Cựu chiến binh xã vội vã qua nhà mấy nông dân, xem tiến độ nhổ rau cho chuyến hàng 5 tạ cải xanh sẽ chuyển xuống TP. Nha Trang. Cuộc trò chuyện với ông bên vườn đu đủ trĩu quả liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc gọi điện thoại. Ông giải thích: “Xã thông báo số điện thoại của tôi với người dân nên nhà nào có rau, trái thu hoạch đều gọi; mấy người mua cũng gọi đặt hàng”.

 

Ông Hơn nhổ rau để đưa đến những nơi đang cần.
Ông Hơn nhổ rau để đưa đến những nơi đang cần.

 

Mấy ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát ở Khánh Hòa, rau quanh vùng không bán được, một số diện tích phải nhổ bỏ, trong khi nhiều nơi thiếu rau ăn. Thấy vậy, ông Hơn đề xuất xã tìm kênh tiêu thụ cho nông dân. Ông cũng liên hệ bạn hàng, các tổ kinh doanh rau củ, kêu gọi Tổ hợp tác sản xuất rau màu của xã do ông làm tổ trưởng cùng hỗ trợ. Hơn 6ha khổ qua, mướp, bầu, dưa, đu đủ, cà… của 12 thành viên trong tổ hợp tác, cùng với các hộ trồng rau lẻ ở xã đã thành nguồn cung cho những vùng thiếu rau. Ông Huỳnh Văn Nhân (thôn Đại Điền Đông 2) kể: “Khi chưa có dịch, tư thương tới thu mua tận nhà, gần 1.000m2 diện tích rau của nhà tôi bán đều. Khi tư thương không đi thu mua được, rau già, héo mà không biết làm sao. Có nhà phải bỏ đi 3-4 tạ cải xanh, mùng tơi. Từ khi ông Hơn giúp liên hệ, chúng tôi không còn phải bán lai rai vài chục kg/ngày như trước, mà nhổ liền 3-5 tạ/lần, giá chỉ giảm 5-7%, nhưng ổn định”.


Cầu có sẵn, cung cũng xong, ông Hơn lại đề xuất tính toán các khâu liên quan để khép kín chu trình sản xuất - tiêu thụ. Nhà vườn tự nhổ rau bán; còn khâu vận chuyển, ông liên hệ qua các tài xế có đủ giấy tờ đi lại và vận động chủ xe giảm giá cước. Chốt đơn xong, ông liên hệ bên mua xác nhận đoạn đường, thời gian vận chuyển, lại vận động hỗ trợ tiền xe nếu chuyển đi xa… Từ đó, rau củ lưu thông đều đều, nông dân phấn khởi; có người còn xin ủng hộ rau cho chốt kiểm soát, vùng cách ly. Đối với rau ủng hộ hoặc bán bình ổn giá qua kênh của hội nông dân các cấp, ông Hơn vận động hội viên nông dân, phụ nữ hỗ trợ nhổ giùm; vận động nhà vườn ủng hộ một phần cước xe. Đến nay, nông dân xã đã bán được 3 tấn rau, 5 tấn dưa, bầu, bí, khổ qua, đu đủ và ủng hộ khoảng 1/4 số lượng này. Riêng nhà ông Hơn bán được 1,5 tấn đu đủ, bầu, bí và ủng hộ 5 tạ. Nhưng ông bảo, ông chỉ là người bắc cầu.


Tấm lòng vì cộng đồng


Trưa nắng, chị Nguyễn Ngọc Hà - Bí thư Đoàn xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) và em Lê Trần Hồng Hạnh (thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng) vẫn miệt mài trên chiếc xe máy chở nặng hàng hóa để đến từng nhà dân giao thực phẩm mua giùm. Để đi chợ giúp dân, ngoài hỗ trợ soạn đơn hàng, chị cũng lựa chọn được đơn vị cung ứng nhu yếu phẩm đầy đủ, nhanh, chất lượng, giá cả phải chăng. Có hôm, đi chợ từ 5 giờ đến 12 giờ, chị mới đi giao hàng được. Nhận túi thực phẩm chị Hà trao bên hàng rào phong tỏa, bà Nguyễn Thị Châu Phượng (66 tuổi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng) bày tỏ: “Không có mấy cô, vợ chồng tôi chẳng biết mua đồ ăn ra sao”.

 

Chị Hà (bên phải) và em Hạnh đi giao thực phẩm mua giùm cho người dân.
Chị Hà (bên phải) và em Hạnh đi giao thực phẩm mua giùm cho người dân.

 

Đến nay cũng đã gần 1 tháng kể từ ngày chị Hà xin phép ba mẹ chồng cho vào UBND xã ở để tham gia chống dịch. Chị bảo: “Khi dân cần, mình có mặt. Những chuyện này có khó gì đâu, chỉ cần nhiệt tình và siêng năng là làm được hết”. Dù vậy, khi nghe mẹ chồng bảo: “Ở nhà mẹ chăm còn không mập nổi, vô đó ở chú ý ăn uống; đừng lo cho con, cháu đã có bà lo…”, chị vẫn thấy cay cay mắt. Gặp các bé nhỏ lúc đi lấy mẫu xét nghiệm, hay khi rảnh, chị đều nhớ con cồn cào. Có hôm, chị về trước cổng, lén nhìn con một lát rồi đi. Có lần, mở camera lên, nghe bé trả lời ba: “Mẹ đi làm rồi. Mẹ không nhớ em”, chị chỉ muốn về ngay, ôm con thật lâu. Nhưng rồi chị vẫn lao vào công việc, đi lấy mẫu tầm soát trong bộ đồ bảo hộ y tế kín bưng; khử khuẩn đến mức hai tay nhăn nheo, dị ứng… Chị bảo, chỉ mong người dân đừng ỷ lại, thờ ơ với sự hy sinh của các lực lượng chống dịch, mà hãy có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

 


Qua Zalo, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Vạn Thắng (Nha Trang) khoe mới vận động hỗ trợ bà con được 500 ổ bánh mì. Đến trụ sở phường, chúng tôi thấy chị ngồi chia đồ giữa la liệt rau, củ, sữa, trứng…, giọng đã khản đặc vì nói quá nhiều. Chị bảo, bữa giờ lo đi vận động ủng hộ người dân, phân chia nhu yếu phẩm, rà soát từng nhóm đối tượng, làm phiếu đi chợ, chăm lo lực lượng trực chốt. Không tính lượng lớn hàng cứu trợ được phân bổ, đến ngày 14-8, riêng MTTQ Việt Nam phường đã ủng hộ, vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm trị giá khoảng 150 triệu đồng cho người dân. Chị bảo, cán bộ phường mệt nhưng vẫn cố, chỉ mong người dân thực hiện 5K, ở yên trong nhà để phường bớt “vùng đỏ”.

 

Chị Nhung hỗ trợ chuyển hàng hóa cứu trợ về phân bổ cho người dân.
Chị Nhung hỗ trợ chuyển hàng hóa cứu trợ về phân bổ cho người dân.


Cùng đi trong những ngày gian khó


Chập tối, gom xong rau, củ, gạo, hàng khô, chị Lê Thị Bích Huyền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Nha Trang đến nơi trọ của các sinh viên Trường Đại học Nha Trang - các em quê Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận… không về được do dịch. Một em ngại ngùng thổ lộ: “Con không nghĩ các cô đến từng nhà. Hơn 10 ngày nay, chúng con ăn cơm chan nước mì”. Ra về, một em nói với theo: “Tụi con vừa test nhanh, cô yên tâm nhé!”. Chị Huyền xúc động: “Gắng học thật giỏi các con nhé!”. Tiếng “dạ” đồng thanh làm ấm lòng người tặng quà.


Cũng bị kẹt vì dịch, trước khi được giúp đỡ, em Chế Ngọc Thiện, sinh viên năm nhất Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã ăn mì tôm hơn 10 ngày, trong nhà chỉ còn 3-4 gói. Nhận tin nhắn qua Facebook của Thiện, chị Huyền lập tức gói ghém túi quà cứu trợ, vội vã đến. “Đây sẽ là bữa ăn đủ dinh dưỡng và ngon nhất sau nhiều ngày ăn mì tôm của con”, Thiện nói. Nhìn Thiện vui, chị Huyền càng thấm thía giá trị của món quà nhỏ đến đúng lúc; chị trăn trở, có thể còn rất nhiều hoàn cảnh như vậy mà các anh, chị chưa tới được. Do vậy, các chị tiếp tục nỗ lực kết nối, sẻ chia...


Nhận được phần ăn tối trao tại chốt kiểm soát dịch đường 23-10 kèm dòng chữ “Cám ơn các anh, chị đã chiến đấu vì sức khỏe và bình an của chúng tôi”, Thượng úy Nguyễn Huy Hoàng (Công an phường Phương Sơn) xúc động bảo, tình cảm của người dân khiến các anh thêm yêu màu áo xanh công an nhân dân đã lựa chọn...


Những cho và nhận đó, đều hướng tới ước mong một ngày hết dịch, để rất nhiều người đang làm nhiệm vụ chống dịch được trở về bên gia đình, để cuộc sống trở lại những ngày bình yên.


THIỀU HOA - GIANG ĐÌNH

 

Kỳ 1: Tình nguyện dấn thân