10:11, 17/11/2021

Số hóa việc quản lý hệ thống thủy lợi

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất chủ trương xây dựng bản đồ hệ thống thủy lợi toàn tỉnh, nhất là số hóa hệ thống này để thuận lợi hơn trong việc quản lý, khai thác, vận hành.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất chủ trương xây dựng bản đồ hệ thống thủy lợi toàn tỉnh, nhất là số hóa hệ thống này để thuận lợi hơn trong việc quản lý, khai thác, vận hành.


Khó khăn trong quản lý, vận hành


Theo UBND thị xã Ninh Hòa, hiện nay, trên địa bàn thị xã có 8 hồ chứa, 14 đập dâng, gần 700km kênh mương và nhiều công trình thủy lợi khác như: trạm bơm, đê kè, cống... Với địa bàn rộng, hệ thống thủy lợi tương đối lớn, có nhiều cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác nên việc quản lý nhà nước các công trình này gặp khó khăn, cần thiết phải lập bản đồ tổng thể hiện trạng hệ thống thủy lợi.

 

Thi công đập tràn hồ chứa nước Suối Trầu (Ninh Hòa).

Thi công đập tràn hồ chứa nước Suối Trầu (Ninh Hòa).


Ông Lê Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh từ công trình đầu mối là hồ chứa đập dâng, trạm bơm, kênh chính cho đến hệ thống kênh mương nội đồng hầu hết đều không có bản đồ cụ thể, chi tiết. Một vài hồ vẫn còn bản vẽ về hệ thống kênh chính, nhưng lại được vẽ cách đây 20-30 năm nên không thể hiện đúng so với thực tế hiện nay. Năm 2017, tỉnh đã xây dựng quy hoạch thủy lợi, trong đó có một số bản đồ, nhưng cũng chỉ dừng lại ở công trình đầu mối, không thể hiện hệ thống kênh chính, kênh nhánh hay các công trình trên kênh.


Việc không có hệ thống bản đồ hiện đại, chính xác, cập nhật đã gây ra nhiều bất cập cho công tác quản lý nhà nước về hệ thống thủy lợi, cũng như khó khăn trong việc điều tiết nước phục vụ các mục tiêu của công trình. Chưa kể việc không có bản đồ khiến cho các địa phương rất khó xác định được đâu là cống đầu kênh - điểm tiếp giáp giữa phần do cấp tỉnh quản lý và cấp huyện quản lý - để xác định vùng tưới, nhiệm vụ tưới, công tác quản lý vận hành các công trình này. “Tất cả các dữ liệu còn lại của hệ thống thủy lợi hiện nay không chỉ thiếu, mà cũng chỉ là bản đồ giấy, không có tính hệ thống, không có được cái nhìn tổng thể. Vì vậy, việc triển khai xây dựng bản đồ hệ thống thủy lợi và số hóa bản đồ này là rất cần thiết” - ông Thái nhấn mạnh.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 31 hồ chứa nước (28 hồ thủy lợi, 3 hồ thủy điện); hơn 110 đập dâng, 63 trạm bơm và hơn 2.200km kênh mương thủy lợi phục vụ nước tưới cho hơn 21.000ha cây trồng; cung cấp hơn 61.000m3 nước/ngày đêm cho nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Quang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn tùy theo quy mô, loại, cấp công trình được giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (cấp tỉnh) hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) để quản lý. Nhưng công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chủ yếu bằng phương pháp thủ công, tách biệt theo từng đơn vị quản lý. Công tác quản lý dữ liệu công trình thủy lợi không đồng nhất xuyên suốt từ cấp đơn vị quản lý nhà nước đến các đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, bảo trì công trình thủy lợi. Dữ liệu lưu trữ của các công trình thủy lợi chủ yếu dạng giấy, chưa có bản đồ tổng thể toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là bản đồ số; thông tin dữ liệu đa phần không đầy đủ, cũ, không được cập nhật và không phản ánh đúng hiện trạng thực tế, gây khó khăn trong việc quản lý, theo dõi, giám sát, trích xuất, chỉ đạo điều hành công tác quản lý công trình thủy lợi.  


Không chỉ khó về mặt quản lý, vận hành, mà ngay cả việc thống kê đánh giá năng lực sử dụng công trình, cũng như tổng hợp lên phương án nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi hàng năm cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có được hệ thống mạng lưới tổng thể.


Thống nhất xây dựng dữ liệu hệ thống thủy lợi


Giữa tháng 8-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng dữ liệu hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì phù hợp theo không gian và trực quan dựa trên hệ thống thông tin địa lý (GIS). Dữ liệu này góp phần giải quyết các bất cập, nâng cao năng lực trong công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình thủy lợi cho các đơn vị quản lý nhà nước, hỗ trợ các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.


Trên cơ sở đề xuất này, ngày 8-11, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thủy lợi trên phạm vi toàn tỉnh; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai khảo sát, lập đề cương, dự toán kinh phí cụ thể, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.


Hồng Đăng