10:04, 01/04/2018

Ý tưởng xây dựng rạn nhân tạo: Khó thực hiện

UBND TP. Nha Trang vừa tổ chức cuộc họp bàn về đề nghị thực hiện Đề án rạn nhân tạo của Công ty TNHH Cầu Vồng Việt Nam (viết tắt là Công ty Cầu Vồng). 

UBND TP. Nha Trang vừa tổ chức cuộc họp bàn về đề nghị thực hiện Đề án rạn nhân tạo của Công ty TNHH Cầu Vồng Việt Nam (viết tắt là Công ty Cầu Vồng). Tại cuộc họp, các nhà khoa học cho rằng, ý tưởng này cần phải cân nhắc kỹ và thận trọng khi triển khai vì lo ngại tác động môi trường cũng như vướng vấn đề pháp lý về bảo tồn biển.
 
Tạo rạn có hình chiếc tàu
 
Tháng 9-2017, Công ty Cầu Vồng đã gửi văn bản cho UBND tỉnh kiến nghị về vấn đề không an toàn trong hoạt động lặn biển trên vịnh Nha Trang và đề nghị được thực hiện Đề án rạn nhân tạo trên một số vùng biển xung quanh Hòn Mun. Vì vậy, UBND tỉnh đã giao cho UBND TP. Nha Trang chủ trì phối hợp với Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Viện Hải dương học, các đơn vị nghiên cứu về biển để họp bàn, giải quyết kiến nghị của Công ty Cầu Vồng, cũng như làm rõ ý tưởng xây dựng rạn nhân tạo của công ty để báo cáo tỉnh.
Tại cuộc họp, Công ty Cầu Vồng đã đưa ra ý tưởng xây dựng rạn nhân tạo bằng cách nhấn chìm những chiếc tàu cũ bỏ đi của Việt Nam (sau khi đã làm sạch) xuống lòng biển để tạo giá thể cho các loài san hô bám vào sinh sống, phát triển và thu hút sinh vật biển đến trú ngụ. Vùng biển nhấn chìm những chiếc tàu cũ sẽ được khoanh vùng bằng những phao nổi và thiết bị cảnh báo để tránh tàu thuyền du lịch qua lại gây tác động xấu đến việc hình thành rạn. Công ty sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc san hô, ghi hình và báo cáo kết quả cho chính quyền sau khoảng 1 năm thực hiện. Nếu mô hình thực hiện thành công, san hô phát triển tốt, công ty sẽ bàn giao lại cho chính quyền có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: phục vụ cho cộng đồng, khai thác du lịch, bảo tồn…
 
Công ty Cầu Vồng cho rằng, ý tưởng công ty đưa ra là có khả thi nếu được áp dụng thực hiện ở các vùng biển lân cận Hòn Mun. Bởi lẽ, hiện nay, các điểm du lịch lặn biển ngắm san hô của Hòn Mun đã bắt đầu quá tải, gây áp lực không tốt cho việc bảo tồn. Vì vậy, ý tưởng tạo nên các vùng rạn vệ tinh khu vực Hòn Mun mà công ty đề nghị là cần thiết để mở rộng thêm các điểm lặn ngắm san hô, kéo giãn du khách tham quan tại Hòn Mun và chính quyền địa phương sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ du lịch nhờ níu chân du khách lưu trú dài ngày hơn. Mặt khác, hiện nay, Việt Nam có hệ thống tàu cá cũ nằm bờ, bỏ hoen gỉ rất nhiều, vì vậy ý tưởng này sẽ tận dụng được nguồn tài sản lãng phí cho mục đích phục hồi đa dạng sinh học biển lâu dài trong tương lai. Công ty cũng đưa ra các nghiên cứu thực hành ý tưởng này rất thành công tại các vùng biển trên thế giới. Về vấn đề kinh phí cho việc thực hiện ý tưởng này, ông Jeremy Paul Stein - Giám đốc Công ty Cầu Vồng cho rằng có thể kêu gọi sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn trong quá trình thực hiện. Doanh nghiệp nào tài trợ cho việc tạo rạn nhân tạo ở điểm nào thì có thể đề nghị chính quyền được quản lý và khai thác dịch vụ du lịch lặn biển ở điểm đó trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên. Từ đó, tạo ra được nhiều điểm tham quan du lịch lặn biển ngắm san hô, Nha Trang sẽ giữ chân du khách lưu trú dài ngày hơn, tăng doanh thu du lịch… 
 
Nên thận trọng, cân nhắc kỹ
 
Ý tưởng xây rạn nhân tạo để bảo tồn, phát triển san hô, đa dạng sinh học của Công ty Cầu Vồng được các chuyên gia, nhà khoa học ủng hộ. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng ý tưởng này khó thực hiện tại Việt Nam do các ràng buộc về pháp lý, điều kiện kinh tế cũng như quy định bảo tồn nghiêm ngặt tại Hòn Mun. Phế liệu bằng tàu thuyền cũ có thể ít có giá trị ở các nước tiên tiến, nhưng ở Việt Nam thì vẫn có giá trị tái sử dụng phục vụ cho các mục đích khác nhau. Mặt khác, các vật liệu có trong tàu thuyền không thân thiện môi trường, thả xuống biển sẽ không an toàn nên cần thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi triển khai, đặc biệt lưu ý về địa điểm thả, quản lý, cũng như đánh giá tác động môi trường. Đại diện Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết: “Ban ủng hộ công ty có ý tưởng đầu tư phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang, góp phần đa dạng hóa các hình thức du lịch lặn biển; đồng thời mở rộng thêm các điểm lặn, làm giảm áp lực lên Khu bảo tồn Hòn Mun. Tuy nhiên, việc nhấn chìm các tàu thuyền cũ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun chưa phù hợp với các quy định hiện hành”. 
 
Đại diện Viện Khoa học công nghệ và Khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) cho rằng, Viện Hải dương học và Đại học Nha Trang đã từng bảo vệ thành công các đề tài khoa học xây dựng rạn nhân tạo bằng bê tông vốn rất thân thiện với môi trường, đã được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và tỉnh cho phép triển khai nhân rộng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu và so sánh kỹ trước khi quyết định lựa chọn triển khai việc xây rạn nhân tạo bằng phương pháp nào để đảm bảo an toàn cho môi trường biển.
 
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang hoan nghênh thiện chí của Công ty Cầu Vồng mang ý tưởng xây dựng rạn nhân tạo đến Nha Trang nhằm bảo tồn và phát triển san hô, bảo vệ đa dạng sinh học biển, phát triển thêm các điểm tham quan du lịch phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, đề nghị của công ty mới chỉ dừng lại ở việc xin chủ trương đầu tư và nêu ý tưởng, chưa có đề án mô tả rõ ràng, phương án thi công, đánh giá tác động môi trường và các nội dung khác có liên quan. Trên cơ sở góp ý của các nhà khoa học, thành phố sẽ tổng hợp báo cáo lên tỉnh; đồng thời đề nghị công ty muốn thực hiện thí điểm mô hình thì phải lập ra một đề án cụ thể gửi thành phố để trình tỉnh xem xét, quyết định.
 
M.Thiết