12:02, 06/02/2021

Đến bảo tàng xem tranh dân gian

Trong những ngày du xuân Tân Sửu, người dân và du khách có thể đến Bảo tàng tỉnh (số 16 Trần Phú, thành phố Nha Trang) để xem triển lãm tranh dân gian truyền thống Việt Nam. Đây là lần đầu tiên bộ sưu tập tranh dân gian độc bản của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu tại Khánh Hòa.

Trong những ngày du xuân Tân Sửu, người dân và du khách có thể đến Bảo tàng tỉnh (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang) để xem triển lãm tranh dân gian truyền thống Việt Nam. Đây là lần đầu tiên bộ sưu tập tranh dân gian độc bản của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu tại Khánh Hòa.


Triển lãm tranh dân gian truyền thống Việt Nam được mở cửa tự do cho khách tham quan từ ngày 5-2 đến 31-3. Đến phòng triển lãm, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng 70 bức tranh gốc thuộc các dòng tranh dân gian nổi tiếng: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội); tranh thờ ở Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An) và một số dân tộc thiểu số miền núi phía bắc. Mỗi dòng tranh có lối thể hiện rất riêng biệt, màu sắc tự nhiên rực rỡ, nét khắc vẽ điêu luyện mang đậm bản sắc dân tộc. Nội dung các bức tranh khá phong phú, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người xưa.

 

Nhân viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu về tranh dân gian cho khách tham quan.

Nhân viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu về tranh dân gian cho khách tham quan.


Ở đó, những bức tranh dân gian Đông Hồ mang vẻ đẹp mộc mạc thể hiện các đề tài cầu phúc, chúc tụng, cảnh vật, sinh hoạt, lịch sử, châm biếm… như: Đại cát, Nghinh xuân, Gà thư hùng, Hứng dừa, Đánh ghen… Tranh dân gian Hàng Trống thể hiện các đề tài thờ cúng, tích truyện lịch sử, tranh Tết… Đây là những bức tranh vốn do các gia đình làm nghề tập trung ở phố Hàng Trống, Hàng Quạt, Hàng Hòm, Hàng Nón làm ra và bày bán chủ yếu vào dịp Tết ở đình Hàng Trống nên lấy tên đình cho dòng tranh. Các bức tranh Hàng Trống tiêu biểu trong triển lãm như: Cá chép trông trăng, Chim công, Ngũ hổ, Tố nữ, Tứ quý… Tranh Kim Hoàng có nét đặc trưng là in trên giấy màu đỏ nên còn gọi là tranh đỏ. Đây được xem là dòng tranh trung gian giữa tranh Đông Hồ với tranh Hàng Trống, nhưng có nét khắc in tỉ mỉ, thanh mảnh hơn tranh Đông Hồ và có màu sắc tươi hơn tranh Hàng Trống. Trong triển lãm giới thiệu 2 bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Kim Hoàng là tranh Lợn và tranh Gà thuộc thể loại tranh sinh hoạt.


Khu vực giới thiệu tranh thờ dân gian cũng rất ấn tượng khi chứa đựng nhiều giá trị tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo và mang tính giáo dục. Những bộ tranh: Quan âm nhị thánh, Ngựa hồng - Ngựa bạch… được thờ ở đền Độc Lôi, bộ tranh Thập điện Diêm Vương ở Vũ Di đã góp phần làm rõ hơn về không gian thờ tự của người Kinh. Ngoài ra, còn có các bức tranh thờ theo đạo giáo của dân tộc Cao Lan như: Nam Đường, Thần Nông… hay tranh Tứ trực công tào của dân tộc Nùng.


Theo bà Phạm Thị Thanh Bình - Phó phòng Trưng bày - Tuyên truyền (thuộc Bảo tàng tỉnh), tranh dân gian bao gồm tranh Tết và tranh thờ đã xuất hiện từ lâu đời. Vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình dùng tranh dân gian để trang hoàng nhà cửa nhằm trừ tà, cầu phúc. Đây là sản phẩm của trí tuệ tập thể qua nhiều thế hệ, đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, tâm linh của nhân dân lao động, cũng như chứa đựng những nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách trong cuộc sống. Hiện nay, các dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, Hàng Trống không còn mấy gia đình theo nghề; tranh Kim Hoàng đang được phục dựng; tranh thờ của các dân tộc miền núi phía bắc đứng trước nguy cơ thất truyền. Đây là lần đầu tiên những bức tranh dân gian gốc được giới thiệu tại Khánh Hòa nhằm đem đến cho người dân, du khách những hiểu biết về một loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.


Ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, theo kế hoạch ban đầu, bên cạnh triển lãm tranh dân gian, đơn vị còn thực hiện nhiều hoạt động khác như: Giới thiệu sách, trưng bày bộ sưu tập bonsai, tiểu cảnh mini đạt kỷ lục thế giới, trải nghiệm làm tranh dân gian, tổ chức các trò chơi cho trẻ em… Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, nhiều hoạt động đã phải hủy, chỉ còn hoạt động trưng bày bonsai, tiểu cảnh mini và triển lãm tranh dân gian nhưng phải thu hẹp quy mô. Khách tham quan khi đến Bảo tàng tỉnh sẽ được nhân viên hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19.


Giang Đình