07:02, 06/02/2021

Tết này con không về…

Mới tháng Chạp, không khí Tết đã náo nức lắm rồi. Những người ở xa lo đặt vé về quê, tính toán mua quà, mơ về một cái Tết sum vầy với gia đình thì đùng một cái, dịch bệnh bùng lên ở Hải Dương, Quảng Ninh… số ca dương tính tăng theo từng ngày. Số tỉnh, thành có người bệnh trong cộng đồng mới đó đã lên tới số 10. Cả nước kích hoạt chế độ phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân lại thực hiện các biện pháp 5K. Chắc là đành xa kế hoạch về Tết thôi.

Mới tháng Chạp, không khí Tết đã náo nức lắm rồi. Những người ở xa lo đặt vé về quê, tính toán mua quà, mơ về một cái Tết sum vầy với gia đình thì đùng một cái, dịch bệnh bùng lên ở Hải Dương, Quảng Ninh… số ca dương tính tăng theo từng ngày. Số tỉnh, thành có người bệnh trong cộng đồng mới đó đã lên tới số 10. Cả nước kích hoạt chế độ phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân lại thực hiện các biện pháp 5K. Chắc là đành xa kế hoạch về Tết thôi.

 

Ảnh internet.

Ảnh internet.


Nhớ lại Tết Canh Tý năm 2020 bắt đầu bằng những thông tin về một căn bệnh kỳ lạ xuất phát từ Vũ Hán, sau này Tổ chức Y tế thế giới định danh là dịch Covid-19. Nha Trang “dính chưởng” đầu tiên vì hai cha con du khách Trung Quốc làm lây bệnh ra cộng đồng, là địa phương đầu tiên trong cả nước bị Bộ Y tế công bố dịch! Người Nha Trang lần đầu tiên được biết cách ly xã hội là gì. Hàng quán đóng cửa. Khách sạn đóng cửa. Khu phố Tây vắng hoe. Những bãi xe đậu im lìm tháng này qua tháng khác lớp lớp ven thành phố… Chính phủ phải trợ cấp cho những người yếu thế. Các nhà hảo tâm đóng góp cho ATM gạo cứu trợ người lao động mất việc làm.


Hy vọng nhen nhóm về thị trường khách du lịch nội địa sẽ phục hồi vào dịp lễ Quốc khánh 2-9. Các tour tấp nập bán, các khách sạn tung ra các chương trình giảm giá. Du khách đi nghỉ hè đông vui. Những gương mặt đăm chiêu có chút giãn ra, khấp khởi mong chờ… Đùng một cái, đầu tháng 8 dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng. Đợt hai này bắt đầu có các ca tử vong do Covid-19. Cả nước lại gồng mình chống đỡ. Vừa gồng mình chống đỡ, vừa theo dõi tình hình thế giới. Thế giới thực sự bất ổn khi con số thống kê số người bị nhiễm cứ vùn vụt tăng, đầu tiên người ta còn đặt ra mốc chục triệu, rồi trăm triệu… nay thì đã quá 200 triệu ca với con số tử vong nghe phát sợ. Đáng ngại nhất là chủng vi rút mới, bắt đầu từ Anh đang lan truyền khắp thế giới. Nước mình phòng, chống tốt đến đâu cũng chả thể là một ốc đảo an toàn trong thế giới đầy phức tạp vậy.


Một năm qua chung sống với nỗi lo dịch bệnh đã làm người dân cảnh giác hơn. Đã bao nhiêu tiệc tất niên chủ động hoãn, bao nhiêu cuộc gặp mặt cuối năm tạm dừng. Tự nhiên người được mời cứ cảm thấy chờn chợn sao sao khi thấy đám đông ăn uống… Phòng xa là hơn.


Đợt dịch Covid-19 lần thứ ba này diễn biến rất nhanh. Chính phủ quyết tâm thần tốc dập dịch. Theo dõi qua báo chí, thấy thương những ngôi trường bị phong tỏa, cô trò trụ lại với nhau trong những ngày cách ly. Thương những nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Thương những công nhân trẻ ở các khu công nghiệp ngong ngóng được về với gia đình trong những ngày Tết, nay đành phải ở lại. Dẫu cho chính quyền địa phương, công đoàn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ quà Tết, biến xuân xa nhà thành Tết yêu thương thì nỗi nhớ nhà phút giao thừa cũng chẳng thể nào bù đắp. Biết làm sao, nước láng giềng của ta còn trả tiền cho những người ăn Tết tại chỗ kìa.


Biết là nơi quê xa, có mẹ già mong ngóng, có đứa em thơ ngây chờ quà Tết của anh chị, nhưng dịch bệnh kia đâu có cho ta trở lại nhịp sống đời thường. Dịch bệnh vô hình nhưng hiện diện quanh ta. Giữ gìn cho ta và cũng là giữ cho người thân. Đi trả vé mà ngỡ như trả lại tất cả niềm vui đón năm mới…


Mẹ ơi, hết dịch con sẽ về thăm mẹ. Vui Tết năm nay là nghe thông tin an toàn từ người thân, cho dù xa cách.


Thủy Ngân