20:08, 16/02/2024

Cứu hộ rùa biển

HẢI LĂNG - THÀNH NGUYỄN

Những năm gần đây, công tác cứu hộ và bảo tồn rùa biển ở Khánh Hòa đã được quan tâm. Hàng chục con rùa biển quý hiếm được Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã Khánh Hòa đã tiếp nhận cứu hộ, chăm sóc và thả về biển.

Một cá thể rùa biển được các lực lượng chức năng cứu hộ thành công, 
thả về môi trường tự nhiên.

Niềm vui của những người cứu hộ rùa

- “Alo! Tàu kiểm ngư KN 645 KH xin nghe”.

- “Tàu cá chúng tôi phát hiện một con rùa bị mắc lưới...”.

Đó là cuộc gọi của một ngư dân ở phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) đến tàu kiểm ngư KN 645 KH thông báo rùa biển bị dính lưới đánh cá. Như thường lệ, thuyền trưởng tàu kiểm ngư Đinh Công Trình lập tức liên lạc với Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Bộ đội Biên phòng… để phối hợp thực hiện công tác cứu hộ. Từ khi làm thuyền trưởng tàu kiểm ngư này, anh Trình cùng đồng nghiệp đã cứu hộ hàng chục con rùa biển. Các cá thể rùa biển sau khi được giải cứu nếu đảm bảo sức khỏe sẽ được thả ngay về môi trường tự nhiên; còn nếu sức khỏe không ổn sẽ được gửi đến Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã hoặc Viện Hải dương học để chăm sóc, hồi phục. Mỗi lần cứu hộ được rùa biển, họ lại vui như “bắt được vàng”. “Theo kết quả nghiên cứu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cứ 1.000 con rùa sinh ra chỉ còn vài con sống sót đến lúc trưởng thành. Vì vừa ra đời rùa con bơi ra biển kiếm ăn, sinh sống, phải đối mặt biết bao nhiêu địch hại để tồn tại. Chính vì vậy, cứu được một con rùa trưởng thành có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn rùa biển”, anh Trình bày tỏ.

Cá thể đồi mồi dứa  được thả về tự nhiên  tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun.
Cá thể đồi mồi dứa được thả về tự nhiên tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun.

Theo ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang, vịnh Nha Trang với nhiều đảo và các hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, bãi cát ven bờ… tạo nên môi trường sinh trưởng ổn định cho một số loài rùa biển. Minh chứng rõ nét là cách đây hàng chục năm, rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng tại các đảo Hòn Tre, Hòn Mun, khu vực Đầm Tre và các bãi cát ven vịnh Nha Trang, nhưng số lượng trưởng thành và khả năng sinh sản của rùa biển trong vịnh bị suy giảm rõ rệt do tình trạng săn bắt, ảnh hưởng của suy giảm vịnh Nha Trang, ô nhiễm môi trường, thu hẹp bãi đẻ tự nhiên... Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn rùa biển. Trước đây, mỗi khi gặp rùa biển, một bộ phận ngư dân thường bắt rồi giữ lại hoặc mang đi bán. Còn bây giờ, nhiều ngư dân khi phát hiện có rùa dính lưới đều báo cho lực lượng kiểm ngư tiến hành tiếp nhận, cứu hộ. Đặc biệt, năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã Khánh Hòa (giao cho Công ty Cổ phần Vinpearl quản lý). Từ đó, việc cứu hộ rùa biển đã được nâng tầm. Trung tâm có bộ phận chăm sóc sức khỏe rùa biển chứ không chỉ đơn thuần là giải cứu rồi thả về biển như trước. Có những cá thể rùa phải chăm sóc đến 6 - 7 tháng mới khỏe lại, được đánh dấu để thả về môi trường tự nhiên. “Chỉ tính riêng năm 2023, hơn 11 cá thể rùa biển đã được cứu hộ, thả về với tự nhiên, trong đó có 9 con được Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã Khánh Hòa tiếp nhận cứu hộ và phối hợp với các đơn vị thả về tự nhiên”, ông Vân chia sẻ.

Chăm như bệnh nhân

 Hiện nay, Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã Khánh Hòa đang nuôi cứu hộ 18 con rùa biển, gồm: 10 con đồi mồi, 8 con vích do Phòng Cảnh sát môi trường (PC05), Công an tỉnh chuyển giao vào cuối tháng 11-2022. Theo anh Nguyễn Sỹ Tú - nhân viên trung tâm, lúc tiếp nhận, toàn thân các con rùa bị hàu bám kín, tình trạng sức khỏe yếu nhưng may mắn không có con nào bị tổn thương nặng. Sau khi kiểm tra xong, rùa biển được đưa vào khu vực cách ly để chăm sóc riêng biệt. Sau đó, rùa được đưa ra lồng nuôi ở vùng ven đảo Hòn Tre để làm quen dần với môi trường tự nhiên trước khi được thả hẳn về biển. Mỗi ngày, các nhân viên trung tâm đều làm vệ sinh lồng nuôi, cho rùa ăn, lặn kiểm tra sức khỏe đều đặn. Sau hơn 1 năm, đến nay, toàn bộ 18 con rùa đã khỏe mạnh, phát triển, con nặng nhất khoảng 30kg.  

Nhân viên trung tâm  đang chăm sóc  một con rùa biển.
Nhân viên trung tâm đang chăm sóc một con rùa biển.

Ở Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã Khánh Hòa, việc cứu hộ và chăm sóc rùa biển đã thành quy trình. Mỗi khi tiếp nhận rùa biển, các nhân viên trung tâm xem rùa có vết thương hay không, sau đó đo kích thước và cân nặng, vệ sinh và kiểm tra sức khỏe tổng thể. “Nếu rùa có sức khỏe yếu, nhân viên phải kiểm tra kỹ các vết thương, vệ sinh tổng thể, chụp X-quang... để lên phác đồ điều trị, cứu hộ. Những chú rùa sức khỏe quá yếu sẽ được chuyển qua khu vực chăm sóc đặc biệt, được bơm thức ăn xay nhuyễn thay vì cho ăn tự nhiên... Những khi rùa có biểu hiện sức khỏe yếu hay những ngày thời tiết bất ổn, dù nắng hay mưa, bất kể ngày hay đêm, anh em đều phải túc trực theo dõi. Khi sức khỏe của rùa đã ổn định, đưa ra tập thích nghi với môi trường tự nhiên thì nhân viên trung tâm cũng phải thường xuyên lặn kiểm tra sức khỏe, vệ sinh lồng và tắm rửa vệ sinh cho các con rùa”, ông Lê Quý Lượng - Trưởng bộ phận Thủy cung của Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã Khánh Hòa chia sẻ.

Chính vì vậy, mỗi lần thả rùa biển, các nhân viên Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã Khánh Hòa đều quyến luyến như xa người thân. Như đợt tháng 7-2023, trung tâm phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh cùng các cơ quan tổ chức thả 9 con rùa biển xuống vùng biển Khu Bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang, các nhân viên của trung tâm cứ thì thầm nói chuyện, gửi gắm lời chúc để lũ rùa về với biển luôn được mạnh khỏe, bình an. “Chúng tôi hy vọng những con rùa này sẽ sống khỏe mạnh, tìm được bãi đẻ trong vùng vịnh Nha Trang để có các thế hệ tiếp theo như tổ tiên của chúng từng sinh sống ở đây từ bao đời nay”, ông Lượng bày tỏ.

Trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, UBND tỉnh đã đề ra nhiệm vụ “Hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận”. Trong đó, quan trọng nhất là giảm tỷ lệ đánh bắt và tỷ lệ tử vong của rùa biển trong các hoạt động thủy sản; tiến hành khảo sát khu vực bãi biển - nơi rùa đã từng lên đẻ ở khu vực các đảo của vịnh Nha Trang; xây dựng các phương án giữ gìn, bảo vệ bãi đẻ hiện có... TP. Nha Trang đã đề xuất đưa khu vực Đầm Tre (đảo Hòn Tre) vào phương án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố để làm cơ sở thành lập bãi rùa đẻ thuộc Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Trong năm 2024, thành phố sẽ phối hợp xây dựng Đề án bảo tồn rùa biển trên vịnh Nha Trang; xây dựng và triển khai đề tài khoa học chuyển trứng rùa từ Vườn quốc gia Côn Đảo về ấp ở Bãi Bàng Lớn (vịnh Nha Trang) - nơi từng có rùa đẻ trứng.

HẢI LĂNG - THÀNH NGUYỄN