18:17, 12/02/2024

Về nơi Thành cổ

DUNG LY

Về Diên Khánh những ngày này, không khí Tết len lỏi từng ngõ ngách. Các cổng Thành, di tích, đền thờ được treo cờ hội đón xuân; những làng nghề đỏ lửa, tấp nập xe ra vào đưa những sản phẩm của làng đi tiêu thụ muôn nơi.

Lịch sử hào hùng

Những ai sinh ra và lớn lên ở Diên Khánh trong ký ức luôn in đậm về Thành cổ - nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu như: những trận giao chiến giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn cuối thế kỷ XVIII; phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa (1885 - 1886); cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945; lễ ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời phủ Diên Khánh…

Thành cổ Diên Khánh. Ảnh: Mã Phương
Thành cổ Diên Khánh. Ảnh: Mã Phương

Đến thị trấn Diên Khánh, rẽ vào đường Lý Tự Trọng, hình ảnh đầu tiên người đi đường nhìn thấy là cổng Đông của Thành Diên Khánh với tường thành được đắp bằng đất, cao khoảng 3,5m. Phía trên cổng thành có lầu tứ giác, trên cùng là tầng lầu nhỏ có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Cổng thành được sơn phết màu đỏ thẫm. Theo sử sách ghi chép lại, năm 1793, chúa Nguyễn Ánh đem quân đánh chiếm vùng đất Diên Khánh từ nhà Tây Sơn. Thấy nơi đây là địa bàn hiểm yếu, ông quyết định cho xây dựng thành Diên Khánh làm căn cứ vững chắc, vành đai phòng ngự kiên cố. Thành có tổng diện tích khoảng 36.000m2. Xung quanh thành là hào và 4 cửa theo thứ tự: Cổng Đông, cổng Tây, cổng Tiền và cổng Hậu. Theo hồi ức của người dân nơi đây, ngày xưa, cư dân tập trung nhiều nhất ở ngoài cổng Đông tạo nên một đô thị sầm uất với nhiều tiệm buôn, hàng bán tạp hóa mà dấu tích còn lại là chợ Thành ngày nay. Hồi ấy, khu vực chợ Thành được xem như là chốn đô hội, đầu mối giao thương của cả phủ. Cứ dịp Tết đến, khu vực này trở nên rộn ràng, ngập tràn không khí mùa xuân.

Trong mạch chuyện về Thành cổ Diên Khánh từng là tổng hành dinh của nghĩa quân phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, không thể không kể đến miếu Trịnh Phong gắn với cây dầu đôi tọa lạc tại xã Diên An. Trải qua năm tháng, ngôi miếu được tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc xưa. Tại đây, chúng tôi được các cụ già kể về Đề đốc Trịnh Phong tài trí và đức độ hơn người, thống lĩnh nghĩa quân, kêu gọi nhân dân chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Chúng tôi tìm về xã Diên Điền, vùng đất giàu truyền thống cách mạng của huyện Diên Khánh. Tại miếu Ấp Đông (thôn Đại Điền Trung 3) còn lưu giữ chiếc trống được dân làng dùng đi biểu tình vào Tết Mậu Thân 1968. Chiếc trống trông bình dị như những chiếc trống khác ở làng, điểm khác biệt là trên thân trống có lỗ thủng lớn do đạn của quân địch bắn, minh chứng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của những người dân nơi đây. Theo lời kể của ông Nguyễn Mai (63 tuổi) - hậu duệ đời thứ 3 quản lý miếu Ấp Đông, trong đêm giao thừa rạng sáng mùng Một Tết Mậu Thân, được sự lãnh đạo của cán bộ cách mạng, rất đông người dân trong thôn tập trung tại miếu, trên ngực mỗi người đeo tấm băng với dòng chữ đỏ  “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” kéo về Nha Trang. Họ lấy trống của miếu để đánh, hô hào quần chúng, tạo khí thế cho cuộc biểu tình. Đến khu vực Mả Vòng (Nha Trang), bọn địch xả súng bắn vào đoàn biểu tình, làm nhiều người chết và bị thương. “Sau cuộc biểu tình, cái trống được đưa về trả cho miếu và giữ đến ngày nay”, ông Mai kể.

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Diên Khánh đã đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương đạt được những kết quả to lớn trên nhiều mặt. Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII cho thấy, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 61,4%, ngành dịch vụ chiếm 35,1% và ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 3,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10,42%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng bình quân hàng năm 10%. Đến nay, huyện có 14/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Diện mạo nông thôn Diên Khánh ngày càng đổi mới và khởi sắc.

Diên Khánh có 5 di tích cấp quốc gia và 47 di tích cấp tỉnh. Những di tích hào hùng này lưu dấu về thời kỳ chiến đấu gian khổ mà oanh liệt của nhân dân ta; gieo vào tâm khảm mỗi người lòng tự hào về quê hương, là điểm tựa để giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ mới.

Đỏ lửa làng nghề

Phong vị Tết ở vùng đất Diên Khánh được cảm nhận rõ khi đến những làng nghề truyền thống. Có lịch sử hình thành hơn 200 năm và nhận được sắc phong của vua Tự Đức, những ngày cận Tết, làng nghề đúc đồng Phú Lộc (Tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh) đỏ lửa đêm ngày để làm sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Anh Biện Ngọc Khoa (Tổ dân phố Phú Lộc Tây 1) cho biết, vào những tháng cuối năm (khoảng từ đầu tháng 10 âm lịch), bạn hàng gọi đặt hàng nhiều nên các hộ phải làm đêm mới kịp. Sản phẩm chính của làng là đúc lư hương, chân đèn, bình hoa, đài đựng nước… Theo các chủ cơ sở đúc đồng, để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ đúc đồng phải trải qua nhiều công đoạn, gồm: Làm khuôn đúc, nấu đồng, gia công, đánh bóng. Vì không đủ điều kiện để làm tất cả các công đoạn nên hiện nay ở làng mỗi nhà đảm nhận một khâu. Do mẫu mã đẹp nên các sản phẩm của làng được bạn hàng ở nhiều nơi đặt mua.

Người dân  ở tổ dân phố  Phú Lộc Tây 1,  thị trấn Diên Khánh đỏ lửa đúc đồng. Ảnh: Nhân Tâm
Người dân ở tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh đỏ lửa đúc đồng. Ảnh: Nhân Tâm

Về Tổ dân phố Phú Lộc Tây 2 và 3, thị trấn Diên Khánh, trên một số nẻo đường, lấp lóa màu trắng của những liếp bánh tráng đang phơi nắng. Bên bếp lửa, chị Lê Thị Hồng (Tổ dân phố Phú Lộc Tây 3) thoăn thoắt tráng bánh. Đứng cạnh chị Hồng, cô em dâu Trần Ngọc Lan cũng không ngơi tay, hết đổ trấu vào lò lại đưa bánh ra liếp mang đi phơi. Chị Hồng cho biết: “Khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch, cả làng chính thức bước vào vụ Tết và làm đến tầm 20 tháng Chạp. Bình thường, gia đình tôi làm khoảng 40kg gạo cho 2 - 3 ngày, dịp này tăng thêm khoảng 20kg. Để kịp giao cho bạn hàng, cả nhà đều thức dậy từ 3 giờ sáng làm đến 20 giờ mới nghỉ”.

Làm bánh bèo  ở thị trấn Diên Khánh.
Làm bánh bèo ở thị trấn Diên Khánh.
Làm bún ở Tổ dân phố Phú Lộc Tây 4, thị trấn Diên Khánh.
Làm bún ở Tổ dân phố Phú Lộc Tây 4, thị trấn Diên Khánh.

Những ngày giáp Tết, làng bún ở Tổ dân phố Phú Lộc Tây 4 (thị trấn Diên Khánh) rộn tiếng xe ra vào để chở bún đi giao khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Xuân Phương có hơn 30 năm theo nghề cho biết, bà học nghề từ cha mẹ. Trước kia, cả làng chủ yếu làm thủ công, từ khâu xay bột đến ép tạo sợi hoàn toàn bằng sức người nên hàng ngày phải làm từ cuối buổi chiều đến sáng mới kịp giao hàng cho khách. Sau này, nhiều hộ đã đầu tư mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất bún liên hoàn, từ máy vo gạo, xay gạo đến máy ép bột, đánh bún… nên công việc đỡ vất vả hơn. Làng có 25 hộ còn giữ nghề, trong đó chiếm hơn nửa là làm bún, còn lại sản xuất bánh phở, bánh canh, bánh bèo, sợi mì quảng… Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều làng nghề thủ công đã bị mai một nhưng vẫn còn một số gia đình cố gắng giữ nghề. Bởi với họ, nghề của ông cha không chỉ nuôi sống gia đình mà còn là nét văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất Diên Khánh.

DUNG LY