15:50, 12/02/2024

Này mùa xuân ơi...

BÍCH THÊM

“Này mùa xuân ơi đến mau đây

Để cho thêm xanh lá cây rừng…”

Đã lâu lắm mới lại nghe giai điệu của ca khúc “Khát vọng mùa xuân” - nhạc Moda, lời Việt của Tô Hải. Câu hát kéo lùi lại thời điểm năm 1979. Trong căn phòng của bệnh viện E, có một người lính đã kể cho cô sinh viên sư phạm nghe câu chuyện về những tháng ngày gian khổ của anh và đồng đội - những người lính bộ đội địa chất ở biên giới. Anh kể những ngày Tết đón xuân xa quê, khi muôn loài hoa rừng nở tưng bừng thì các anh quây quần bên bếp lửa trong một hang đá. Những câu chuyện về quê hương, về người thân được kể lại cho khỏa lấp nỗi nhớ nhà. Bài “Khát vọng mùa xuân” được các anh hát cho nhau nghe. Tháng Ba năm ấy, khi khu rừng còn đầy không khí mùa xuân, trong một lần đi thực địa, các anh gặp một nhóm địch. Khi thấy lửa nhoáng lên trước mắt, anh chỉ gọi được “Mẹ ơi!” rồi ngất đi. Và sau gần một tháng nằm điều trị ở trạm quân y dã chiến, anh được ra Bắc điều trị vết thương… Anh khẽ cất tiếng hát và lần đầu tiên cô sinh viên nghe với bao sự cảm mến trong lòng. Câu chuyện của anh và giai điệu thiết tha đằm thắm của bài hát khiến họ như thấy mùa xuân cũng đang đầy ắp trong lòng… Để đến hôm nay, khi xuân mới đang cận kề, vô tình nghe thấy, kỷ niệm cũ, mùa xuân ấy lại trở về thiết tha đằm thắm làm sao.

Không đằm thắm sao được khi mùa xuân về là muôn lá hoa tưng bừng khoe sắc. Là búp non khẽ nảy trên cành. Là giọt sương long lanh đọng trên nách lá của cành liễu rủ thướt tha trước cửa phòng khu tập thể giáo viên một huyện biên giới xa xôi. Cô sinh viên năm nào giờ đã là cô giáo trẻ, ngẩn ngơ trước "nhành sương" ấy, lòng bâng khuâng nhớ về miền quê xa có người mẹ già... Cô cùng các đồng nghiệp đón xuân về nơi trường học chỉ là hai dãy nhà cấp 4, bên hông dãy núi Khau Ngàm và phía sau lưng là con suối Pắc Nàng rì rầm chảy ngày đêm... Xuân đến là một sáng vào rừng kiếm củi, sau gần một giờ leo lên vách núi, bạn bất ngờ thấy khoảng đất trống hiếm hoi trải rộng, trên nền cỏ xanh mịn màng lác đác những tảng đá nâu sẫm thời gian, có một cây đào nở hoa đỏ thắm. Lại một lần bạn rưng rưng cảm xúc. Góc sân nhà với cây đào nở hoa mỗi khi đón Tết cùng hình bóng những người thân lại ùa về trong nỗi nhớ...

Mùa xuân về cả trong những phút giây chia tay một ai đó trở về xuôi dạy học. Chuyến xe đò chở người đã khuất cuối con đường mà bàn tay vẫy của những người ở lại vẫn còn chưa muốn buông xuống. Sẽ có vài ngày chênh chao, vài ngày chống chếnh như mặt hồ sau những lần nổi sóng rồi mọi sự mới quay lại bình thường.

Xuân về là khi phố xá tưng bừng nhộn nhịp nhà nhà đi sắm Tết. Là góc quảng trường thành phố thành khu chợ hoa cây cảnh, là muôn ngàn kỳ hoa dị thảo được sum họp quây quần. Xuân là cúc, mai nở vàng rực rỡ, cùng muôn ngàn đỏ thắm trạng nguyên hay trắng tinh khôi nhành mận Tây Bắc mang vào.

Xuân về khi những mẹ những bà lúi húi bên hũ dưa món, là bầy con nít túm tụm chơi thả diều chỗ bãi đất trống ven thành. Sách vở tạm gác lại, tâm hồn trẻ thơ bay theo tiếng cánh diều đang chơi vơi trên lưng trời mà lòng phơi phới niềm vui.

Xuân về là lúc những ngõ xóm thôn quê cũng rộn ràng người đi mua bán. Những chiếc xe bán tải chở vô số mặt hàng từ thực phẩm, quà Tết đến quần áo, bột giặt… về đổ xuống phiên chợ quê. Xuân còn là khi ông bố dẫn cậu con trai xuống sửa sang thăm nom khu yên nghỉ của các tiền nhân trong họ. Làn khói nhang mỏng manh bảng lảng bay lên trong không khí như lời mời chân thành của con cháu gửi đến cha ông về đón Tết cùng gia đình.

Xuân về là khi nhà nhà cùng sum họp vui vẻ, phấn khởi và kỳ vọng vào mọi sự tốt đẹp đang đến. Và, người ta đón xuân theo một cách riêng của mình. Nhà có điều kiện sẽ cùng đi du lịch đón Tết trải nghiệm ở những homestay, những farm hay khu du lịch nổi tiếng, cũng có khi mấy gia đình chung nhau chuyến xe đi chơi Tết chung. Núi xuống biển, biển lên núi… Những con đường như những mạch máu sôi sục chảy, chở mọi người đi khắp nơi đón xuân, những chuyến xe chở xuân về khắp mọi vùng.

Xuân về, mình cũng đón xuân và Tết về như bao người. Trong những náo nức rộn ràng vẫn có lúc bâng khuâng khi thấy không khí xuân tưng bừng tràn đầy khắp nơi. Bất chợt lòng cất lên câu hát, rồi lại nghĩ: Biết đâu đấy, ở nơi nào đó, người lính năm xưa đang nghe rồi khẽ cất lên câu hát “Này mùa xuân ơi đến mau đây” như ai đó, như mình?

BÍCH THÊM