06:11, 09/11/2019

Làng đá Xuân Sơn…

Làng đá Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) đã hình thành từ hơn 20 năm trước. Nhưng những năm gần đây, nghề đá mới phát triển, làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Làng đá Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) đã hình thành từ hơn 20 năm trước. Nhưng những năm gần đây, nghề đá mới phát triển, làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.
 

Niềm vui thợ đá
 

Con đường độc đạo lên xã kinh tế mới Xuân Sơn tấp nập xe tải chở đá vào ra. Thời gian gần đây, ven đường mọc lên nhiều điểm chế tác đá đặc trưng bởi những căn lều che tạm bằng ni-lông, suốt ngày vang tiếng đục đẽo.

 

Dựng lều làm đá.

Dựng lều làm đá.


Mải lo chế tác những viên đá hình khối vuông vắn, ông Lương Công Tiến (thôn Xuân Trang) giật mình khi có khách bước vào. Sau phút xã giao, ông Tiến cho biết, 14 năm làm thợ đá nhưng chưa bao giờ ông có thu nhập như hiện nay: 10 triệu đồng/tháng, đủ sức nuôi 2 con nhỏ và vợ ở nhà nội trợ. Theo ông, làng đá đã có cách đây hơn 20 năm, sản phẩm đá cũng phong phú như bây giờ, thậm chí có lúc đơn hàng còn nhiều hơn nhưng một thời gian rơi vào mai một. Để giúp tôi dễ dàng hình dung công việc của thợ đá, ông lấy một viên đá lớn, chưa gọt giũa, dùng bộ dụng cụ khoét sâu một lỗ giữa viên đá, sau đó lấy mảnh vải dày lót cái chạm. Rầm một tiếng, cục đá nứt ra làm đôi, thẳng băng. Lúc này, người thợ chỉ việc chẻ viên đá theo khối vuông mình mong muốn. Theo ông Tiến, công việc của người thợ đá phải làm bằng tay nên không khác trước bao nhiêu. Tuy nhiên, hiện nay, người thợ đỡ vất vả hơn nhờ sự trợ giúp của dụng cụ được cải tiến. Các mũi đục đều làm bằng hợp kim thay cho vật liệu sắt trước kia nên việc gia công nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, người thợ còn được hỗ trợ bởi nhiều máy móc như: máy khoan, máy đánh bóng... giúp tăng năng suất.   

Ông Văn Công Đại (thôn Xuân Trang), người có 4 năm theo nghề đá chia sẻ, so với làm nông, nghề này thu nhập tốt hơn. Mỗi ngày ông làm ra 150 viên đá Comic, thu nhập 7 triệu đồng/tháng, đủ nuôi vợ con.


Quá trưa, chúng tôi ghé thăm nhà ông Võ Đình Anh, một người thợ chuyên sản xuất đá mỹ nghệ tại thôn Xuân Trang. Ông Anh đang miệt mài “tút” lại bộ bàn đá chuẩn bị giao cho khách. Sản phẩm ông làm ra là các bộ bàn ghế đá mỹ nghệ có giá từ 2,5 - 5 triệu đồng tùy lớn nhỏ, có sáng tạo thêm một số chi tiết cho phong phú. Theo ông, số thợ làm đá mỹ nghệ như ông trong làng không nhiều và gần như ổn định sau thời gian thị trường sàng lọc. “Nghề này tuy vất vả nhưng có thu nhập, bình quân 300 ngàn đồng/ngày. Có việc làm tui cảm thấy vui, không cần trông cậy vào con cháu”, ông Anh chia sẻ.


Ông Nguyễn Trọng Tươi (thôn Xuân Trang) - một người chuyên cung cấp đá khối (đá tảng lăn) cho biết, đá Xuân Sơn có nhiều sản phẩm, chủ yếu là đá Comic, đá chẻ ít hơn. Quy trình sản xuất đá khối khá đơn giản. Đầu tiên là khoan một số mũi trên đá tự nhiên, rồi dùng bột nở tra vào (trước phải dùng thuốc nổ rất nguy hiểm). Sau khi đá tự tách ra (chậm thì mất 2 ngày), dùng máy múc lăn đá xuống núi. Cứ 1m3 đá nguyên khối, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 100 ngàn đồng. Được biết, mỗi tháng, ông Tươi sản xuất khoảng 100 - 200m3 đá khối, thu nhập khoảng 10 - 20 triệu đồng.


Liên kết để phát triển


Về Xuân Sơn bây giờ khó nhận ra đây là vùng kinh tế mới. Nhà cửa mọc lên san sát, cảnh thanh bình như một làng quê lâu đời. Nhiều người cho rằng, Xuân Sơn thịnh vượng là nhờ nghề đá những năm gần đây. Bây giờ, những cặp vợ chồng trẻ không còn muốn làm ruộng mà đi làm công ty, xí nghiệp hay cùng làm đá, mỗi ngày thu nhập 400 - 500 ngàn đồng. Theo lãnh đạo xã, Xuân Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018; thu nhập bình quân đầu người là 35,6 triệu đồng, năm nay dự kiến 40 triệu đồng.

 

Chế tác đá mỹ nghệ.

Chế tác đá mỹ nghệ.


Chia sẻ về tiềm năng phát triển làng đá, nhiều người có kinh nghiệm cho rằng, đá Xuân Sơn chỉ lo đầu ra, thị trường biến động, chứ nguồn đá rất dồi dào. Dọc con đường đi vào thôn Xuân Trang, ở mé núi Hòn Đạn (núi Đá Đen) có vô số đá lộ thiên. Ông Lê Sỹ Tám (thôn Xuân Trang) cho hay, đã hơn 20 năm nay, làng đá không ngày nào không sản xuất, đá chở đi khắp nơi...

 
Để phát triển làng nghề, thời gian qua, một số người đã đứng ra làm môi giới, liên kết với các doanh nghiệp làm hàng nội địa hay xuất khẩu, tạo cơ hội cho làng đá có đầu ra. Chính những người này đã thu nhận thợ đá để làm hàng theo yêu cầu. Ông Lê Sỹ Tám là một người như vậy. Dưới trướng của ông có hàng chục thợ đá. Nhà ông không khác một biệt thự đá. Từ nền, tường đến sân đều bằng đá: đá vàng Tân Dân (Vạn Ninh), đá đen Ninh Tân (Ninh Hòa), đá ngoài bắc và đương nhiên không thiếu đá Xuân Sơn. Tuy không có tay nghề làm đá nhưng mặt hàng, sản phẩm, quy cách bao nhiêu ông đều nắm rõ. “Hiện nay, chúng tôi liên kết với nhiều doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất hàng nội địa thì đưa ra Bắc, Hạ Long, miền Trung có Đà Nẵng, miền Nam có TP. Hồ Chí Minh... Riêng hàng xuất khẩu đi Nhật, Đức chủ yếu xuất cho các doanh nghiệp tại Quy Nhơn”, ông Tám cho hay.


Ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, hiện nay, toàn xã có đến 90% hộ có người làm đá, thu hút hàng trăm người, nhất là lao động trẻ; 3/4 thôn đều có người làm đá nhưng chủ yếu là thôn Xuân Trang. Xã luôn tạo điều kiện để làng đá phát triển, tăng thu nhập cho người dân. 2 năm trở lại đây, xã phối hợp với các ngành tổ chức 2 lớp đào tạo nghề, 60 học viên là lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, nghề đá đang làm thay đổi cuộc sống của người dân Xuân Sơn, góp phần xây dựng nông thôn mới.


VĨNH LẠC