09:12, 21/12/2022

Hỏi - đáp chính sách, pháp luật

Phân biệt nguyên đơn dân sự và người bị hại trong vụ án hình sự
 

Phân biệt nguyên đơn dân sự và người bị hại trong vụ án hình sự
 
. Hỏi: Khi tham dự phiên tòa hình sự, tôi thấy có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tham gia phiên tòa là người bị hại, có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là nguyên đơn dân sự. Xin hỏi luật quy định như thế nào về vấn đề này để có thể phân biệt người bị hại là cơ quan, tổ chức với nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức.
Nguyễn Tấn Thành (TP. Nha Trang)
 
. Trả lời: Quy định về người bị hại được quy định tại Điều 62, nguyên đơn dân sự quy định tại điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị hại là cơ quan, tổ chức trực tiếp bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra và các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định để đưa họ vào tham gia tố tụng; còn theo khoản 1 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do có tội phạm xảy ra (vì có tội phạm xảy ra mà đã bị thiệt hại) và cơ quan, tổ chức đó phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 
Ví dụ: Công ty A thuê máy photocopy của Công ty B để sử dụng. Trong quá trình Công ty A sử dụng máy này thì bị T. trộm cắp. Trong trường hợp này, Công ty A là  bị hại (trực tiếp bị thiệt hại do tội phạm gây ra), còn Công ty B là nguyên đơn dân sự và Công ty B phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 
Người bị hại có quyền đề  nghị về  hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường, được kháng cáo quyết định bản án sơ thẩm về  hình phạt và mức bồi thường…; còn nguyên đơn dân sự chỉ được đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường, kháng cáo về mức bồi thường thiệt hại mà không được kháng cáo về hình phạt.
 
Luật sư Nguyễn Hồng Hà