11:12, 07/12/2022

Quyền hưởng dụng - quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015

Hỏi: Tôi đọc Báo Khánh Hòa số Chủ nhật, ra ngày 27-11 có bài "Quyền hưởng dụng tài sản" trong chuyên mục giải đáp pháp luật. Tôi thấy hơi lạ vì trước đây chưa từng nghe thấy điều này. Đề nghị quý báo nêu rõ hơn.


Trần Văn Bình (TP. Nha Trang)



 

 

Hỏi: Tôi đọc Báo Khánh Hòa số Chủ nhật, ra ngày 27-11 có bài “Quyền hưởng dụng tài sản” trong chuyên mục giải đáp pháp luật. Tôi thấy hơi lạ vì trước đây chưa từng nghe thấy điều này. Đề nghị quý báo nêu rõ hơn.


Trần Văn Bình (TP. Nha Trang)


Trả lời: Quyền hưởng dụng là nội dung hoàn toàn mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) với 10 điều luật (từ Điều 257 đến Điều 266) trong Chương XIV “Quyền khác đối với tài sản”.


Trước đây, khi đề cập đến vấn đề tài sản và chủ sở hữu, pháp luật dân sự nước ta chỉ nêu nội dung 3 quyền của chủ sở hữu tài sản là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và quyền khác đối với bất động sản liền kề. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm 2 quyền khác nữa là “quyền hưởng dụng” và “quyền bề mặt”.


Quyền hưởng dụng là quyền của một cá nhân, một tổ chức được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản của một chủ thể khác trong một thời hạn nhất định thông qua việc thỏa thuận, việc lập di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Cha mẹ lập di chúc để nhà cửa, vườn cây cho con nhưng lại cho cô (dì, chú, bác...) được quyền hưởng dụng cho đến lúc chết. Người được hưởng dụng tài sản có thể tự mình hoặc cho phép người khác khai thác lợi ích của tài sản mang lại đúng mục đích và trong thời hạn hưởng dụng (kể cả cho thuê tài sản) mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu (khác với việc cho thuê tài sản, người thuê muốn cho thuê lại tài sản đã thuê phải được sự đồng ý của chủ sở hữu).


Việc thỏa thuận thời hạn để giao chủ thể khác được quyền hưởng dụng tài sản là rất quan trọng nên phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Bởi vì, nếu người hưởng dụng không vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ và nếu hai bên không thỏa thuận thống nhất kết thúc quyền hưởng dụng trước thời hạn đã thỏa thuận trước đây thì chủ sở hữu tài sản phải chờ cho hết thời hạn hưởng dụng thì mới lấy lại được tài sản. Đây là điểm khác biệt của quyền hưởng dụng so với việc lấy lại tài sản trước thời hạn trong hợp đồng thuê, mượn tài sản theo pháp luật dân sự hiện hành của nước ta.


Tiến sĩ - Luật gia Lê Xuân Thân