11:06, 23/06/2011

Do có sự thay đổi về chính sách

Gần đây, Tòa soạn Báo Khánh Hòa liên tục nhận được thắc mắc của bạn đọc, liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với người bị nhiễm chất độc hóa học.

Gần đây, Tòa soạn Báo Khánh Hòa liên tục nhận được thắc mắc của bạn đọc, liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với người bị nhiễm chất độc hóa học. Khi thấy chậm giải quyết, nhiều người cho rằng có tiêu cực trong việc này nên chưa hài lòng. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên…

Sau một quá trình chờ đợi mà không thấy phúc đáp, một số cán bộ hưu trí 2 phường Phước Hòa và Phước Hải (Nha Trang) đã phản ánh việc họ bị chậm giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Theo đơn phản ánh đồng ký tên 5 người là cựu chiến binh, nay sống ở 2 phường Phước Hòa và Phước Hải, trước đây, họ tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước và đã bị ảnh hưởng chất độc da cam. Đến năm 2009, khi chế độ chính sách dành cho những trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin có thay đổi, bổ sung, những cựu chiến binh này đã hoàn tất các thủ tục cần thiết vào tháng 12-2010 nhưng chưa được giải quyết mà không biết lý do. Theo họ, các ban ngành liên quan muốn kéo dài, trì hoãn, không quan tâm giải quyết cho các cựu chiến binh.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, chính sách về vấn đề trên đã thay đổi kể từ tháng 5-2011, trong đó tạm ngừng việc giải quyết đối với một số trường hợp là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này. Chính sách hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, hay nói đúng hơn là chính sách, chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam luôn được thay đổi, hoàn thiện với mục tiêu ngày càng chặt chẽ và giải quyết nhanh chóng hơn. Chẳng hạn như tại Quyết định 09/2008 của Bộ Y tế ngày 20-2-2008 ban hành danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin gồm 17 chứng bệnh. Những nạn nhân chất độc da cam/dioxin dựa vào 1 trong số 17 chứng bệnh này để làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi. Tuy nhiên, đến ngày 23-5-2011, do số lượng hồ sơ tiếp nhận để giải quyết chế độ ưu đãi này quá lớn, trong khi Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin nên Bộ Y tế đã yêu cầu trước mắt chỉ giải quyết đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư và trường hợp có bệnh án trước ngày 7-4-2009.

Trên thực tế, trong số các hồ sơ bệnh án của người bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin thì phần lớn đều dựa vào 1 trong 2 chứng bệnh (trong danh mục 17 chứng bệnh), đó là: bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính. Đây là những chứng bệnh tương đối “dễ gặp” nên Bộ Y tế đã hướng dẫn những trường hợp có chứng bệnh này chỉ được giải quyết khi có bệnh án trước ngày 7-4-2009. Còn những người mắc phải bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính sau thời điểm ngày 7-4-2009 thì sẽ tạm dừng giải quyết.

Trở lại với những thắc mắc của một số cán bộ hưu trí 2 phường Phước Hòa và Phước Hải, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo của cả 2 UBND phường đều khẳng định không có trường hợp nào tồn đọng. Đối với những trường hợp chưa đủ các giấy tờ cần thiết thì đã được cán bộ chuyên trách hướng dẫn, giải thích cụ thể. Bà Phạm Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Hải cho biết: “Hiện phường không có hồ sơ nào tồn đọng. Trong số 5 người đứng tên trong đơn phản ánh, chưa có trường hợp nào nộp hồ sơ tại phường”. Cũng với khẳng định đó, bà Đặng Thị Nhã, cán bộ làm công tác Lao động, Thương binh và Xã hội phường Phước Hòa cho biết: “Hiện phường có 50 người đang hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số trường hợp khác đã chuyển hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Những trường hợp chưa đủ điều kiện đã được trả lời cụ thể bằng công văn”.

Như vậy, trong quá trình thay đổi chính sách, một số trường hợp trước đây đã được giải quyết nhưng cũng với bệnh án tương tự thì nay đang ở vào giai đoạn tạm ngừng. Qua sự việc này, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách cho các đối tượng có liên quan. Mặt khác, khi có ý kiến phản ánh của các đối tượng trên mà có cơ sở, thì cũng cần tổng hợp để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng.

H.Đ