01:06, 27/06/2011

Đôi điều suy ngẫm!

Tuy năm nay có tới 96,61% học sinh của tỉnh Khánh Hòa đỗ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng nhiều cán bộ quản lý giáo dục vẫn thấp thỏm, lo lắng vì… sợ bị chê do tỷ lệ đỗ thấp hơn năm trước (97,99%) và thua rất nhiều tỉnh, thành khác của cả nước

Tuy năm nay có tới 96,61% học sinh (HS) của tỉnh Khánh Hòa đỗ kỳ thi tốt nghiệp (TN) trung học phổ thông (THPT) nhưng nhiều cán bộ quản lý giáo dục vẫn thấp thỏm, lo lắng vì… sợ bị chê do tỷ lệ đỗ thấp hơn năm trước (97,99%) và thua rất nhiều tỉnh, thành khác của cả nước, trong đó có các tỉnh thuộc Vùng Thi đua số 4 (gồm 10 Sở Giáo dục và Đào tạo - GD-ĐT - thuộc khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên) vốn khó khăn hơn Khánh Hòa về nhiều mặt. Xem ra, cuộc đua tỷ lệ TN THPT của ngành GD-ĐT đang đến hồi cao trào; các con số HS đỗ đạt “phi” vùn vụt, năm sau cao hơn năm trước, sắp đụng “trần” nhưng xã hội và ngay chính các thầy cô giáo lại không yên tâm, phấn khởi chút nào vì có quá nhiều điều đáng băn khoăn, suy ngẫm.

Tất nhiên, các thầy cô hiệu trưởng đều muốn HS trường mình luôn đỗ cao, năm nào được đỗ hết lại càng tốt. Nhưng khi được hỏi nếu như giao cho nhà trường chịu toàn bộ trách nhiệm các khâu, từ ra đề, coi thi, chấm thi, công nhận TN một cách nghiêm túc, không chạy theo thành tích thì nhiều người cho rằng cao lắm cũng chỉ khoảng 85%. Con số này có cơ sở rất đáng tin cậy vì từ nhiều năm nay, tỷ lệ HS xếp loại học lực yếu của lớp 12 ở tỉnh ta luôn cao hơn mức 15% (năm nay 15,23%), trong đó nhiều em thực chất là loại kém nhưng đã được nhà trường châm chước, chiếu cố đưa lên loại yếu để đủ điều kiện dự thi TN. Theo đúng quy luật giáo dục, đã vào loại yếu kém thì không thể TN được nhưng hầu như trường nào cũng có những HS điển hình về… học kém, ngay chính các thầy cô trực tiếp giảng dạy, bạn bè cùng lớp và cả cha mẹ HS cũng tin chắc là rớt nhưng những em đó vẫn đỗ TN THPT một cách ngon lành và còn dư thêm vài điểm “lận lưng”. Năm nay, tỉnh có 9 trường THPT đạt tỷ lệ TN 100%; trong đó đáng chú ý có nhiều trường trước đây luôn nằm trong tốp “cầm đèn đỏ”, cao lắm mỗi năm tỷ lệ TN chỉ khoảng 50% thì 2 năm nay liên tiếp đỗ 100%, hơn hẳn những trường THPT thuộc diện trọng điểm của các huyện, thị và nghiễm nhiên sánh ngang hàng với các trường có tiếng chất lượng cao lâu nay như Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng… Nhiều người nói đùa họa chăng là có “phép biến hóa” mới như thế!

Những băn khoăn này rất đáng để cho ngành GD-ĐT suy ngẫm vì nếu so với chính kết quả kiểm tra 6 môn học lớp 12 theo đề chung của Sở vừa mới tổ chức chưa lâu thì có sự “lệch pha” rất lớn về tỷ lệ đạt điểm từ trung bình trở lên. Kết quả các môn thi TN THPT cao hơn rất nhiều, thậm chí có nhiều môn cao hơn một cách bất thường như môn Toán (kết quả kiểm tra của Sở đạt 54,16% so với thi là 98,87%); môn Sinh (64,55% - 94,98%); môn Anh (55,77% - 87,48%). Thậm chí có những trường khi kiểm tra theo đề chung của Sở, nhiều môn đạt trung bình trở lên chỉ vào khoảng 20% thì điểm thi TN THPT của chính các môn ấy lại vọt lên tới 80 - 90%. Chắc chắn các em HS không thể bỗng chốc thông minh, sáng dạ đột xuất trong thời gian ngắn như vậy. Cho nên, chắc hẳn phải có một nguyên nhân nào khác từ các khâu ra đề, coi thi, chấm thi… điều mà dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng có một chủ trương ngấm ngầm “tháo khoán” như hiện nay? Điều trớ trêu là trong khi kết quả thi cử ngày càng “bay bổng” như vậy thì hình thức tổ chức thi cử lại ngày càng nhiêu khê, phức tạp, như thanh tra ủy quyền của Bộ, đưa bài thi tự luận sang tỉnh khác chấm, thanh tra chéo chấm thi giữa các địa phương… Có điều, không hiểu vì sao rất nhiều địa phương không hề có biên bản vi phạm nào trong lúc quy chế thi rất chi ly, nghiêm ngặt đối với cả thí sinh, giám thị, giám khảo?

Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh cả nước đang triển khai phổ cập giáo dục trung học như hiện nay nên kỳ thi TN THPT thực chất chỉ còn ý nghĩa là một kỳ khảo sát chất lượng văn hóa lớp 12 nhằm cấp cho HS một tấm giấy chứng nhận hoàn thành giáo dục phổ thông. Còn muốn học lên các cấp cao hơn như đại học, cao đẳng thì còn có các kỳ thi tuyển sinh nghiêm ngặt và đáng tin cậy hơn nhiều; bằng chứng là theo thống kê, mỗi năm có hàng ngàn thí sinh dự thi đại học tổng cộng 3 môn chưa tới 1 điểm; không hiếm trường hợp thủ khoa TN THPT nhưng lại rớt đại học. Nếu đúng như vậy thì ngành GD-ĐT nên phân cấp tổ chức thi cho các địa phương và các trường tương tự như kỳ thi TN trung học cơ sở có khi kết quả lại khách quan, trung thực hơn nhiều mà lại đỡ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước vì tổng chi phí cho 1 kỳ thi ở từng địa phương ít nhất cũng vài tỷ đồng. Và điều cần thiết hơn cả là tránh được sự căng thẳng không cần thiết đối với HS, để các em yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học.

LÊ VĂN