11:11, 13/11/2013

Biến chứng của bệnh đái tháo đường và cách phòng tránh

Đặc điểm các biến chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2 là gắn liền với quá trình phát sinh và phát triển của bệnh. Về phân loại biến chứng, có thể phân ra các biến chứng cấp tính, mạn tính. Tiến triển của bệnh đái tháo đường tuýp 2 là tịnh tiến và luôn phát triển theo thời gian mắc bệnh.

Đặc điểm các biến chứng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2 là gắn liền với quá trình phát sinh và phát triển của bệnh. Về phân loại biến chứng, có thể phân ra các biến chứng cấp tính, mạn tính. Tiến triển của bệnh ĐTĐ tuýp 2 là tịnh tiến và luôn phát triển theo thời gian mắc bệnh.


Nguyên nhân của biến chứng cấp tính (hạ glucose máu): do tăng bài tiết insulin (chất có tác dụng ức chế sản xuất glucose tại gan, kích thích tiêu thụ glucose ở cơ vân và mô mỡ); giảm tiếp nhận thức ăn (do chế độ ăn uống khắt khe hoặc có vấn đề về rối loạn hấp thu); tăng mức độ luyện tập (làm tăng sử dụng glucose ở cơ vân). Hạ glucose máu lâm sàng thường xảy ra khi nồng độ glucose huyết tương lúc đói <2,8mmol/l (50mg/dl), là hạ glucose máu nặng, còn khi lượng glucose máu <3,9mmol/l (<70mg/dl) đã bắt đầu được xem là có hạ glucose máu. Riêng ở người bệnh trẻ tuổi, biểu hiện lâm sàng là mức glucose huyết tương cao hơn (3,8mmol/l = 68mg/dl) so với người trưởng thành (3,1mmol/l = 56mg/dl). Hạ glucose máu có 3 cấp độ. Mức độ nhẹ: Vã mồ hôi, run chân tay và đói. Các triệu chứng này sẽ mất đi sau khi uống 10 - 15gram carbonhydrate, từ 10 - 15 phút. Mức độ trung bình: Đau đầu, thay đổi hành vi, dễ bị kích thích, giảm khả năng chú ý, ngủ gà. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh sẽ chuyển sang mức độ nặng. Mức độ nặng: Hôn mê, mất cảm giác hoặc những cơn co giật. Cấp cứu lúc này cần truyền glucose tĩnh mạch hoặc glucagon.


Xử lý cơn hạ glucose máu: Với thể nhẹ: Chỉ cần 10 - 15g carbonhydrate uống là glucose máu nhanh chóng trở lại bình thường (không dùng sôcôla và kem để điều trị hạ glucose máu cấp, vì lượng mỡ có trong thức ăn này sẽ hạn chế hấp thu đường, đồng thời sẽ là yếu tố làm tăng cân). Trường hợp người bệnh đang đi trên đường, hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông, có dấu hiệu hạ glucose máu, phải dừng lại 10 - 15 phút đợi khi glucose máu trở lại bình thường mới được đi tiếp. Thể trung bình: Dùng glucagon tiêm bắp hoặc dưới da kết hợp với đường uống. Hạ glucose máu nặng: Do người bệnh mất ý thức nên buộc phải dùng glucagon tĩnh mạch và truyền glucose ưu trương.


Hôn mê nhiễm toan-ceton (thường gặp ở ĐTĐ tuýp 1): Là một biến chứng nguy hiểm tức thời đến tính mạng người bệnh, xảy ra khi người bệnh ĐTĐ bị thiếu quá nhiều insulin, gây ra rối loạn chuyển hóa làm máu nhiễm toan-ceton. Trường hợp này thường xảy ra ở người ĐTD tuýp 1 bị nhiễm trùng, chấn thương (làm cho việc sử dụng insulin không đủ) hoặc bị sai sót trong khi tiêm insulin (tiêm không đủ liều). Triệu chứng: Buồn nôn và nôn; khát nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều; mệt mỏi hoặc chán ăn; đau bụng; nhìn mờ; ngủ gà, mơ màng. Các dấu hiệu nhận biết: Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, mất nước, da khô nóng, thở kiểu Kusmaul, suy giảm ý thức hoặc hôn mê, hơi thở có mùi ceton, sụt cân. Điều trị bằng cách bù nhanh và đủ dịch, kiểm soát đường máu cao và ceton máu cao, tránh hạ kali máu, và điều chỉnh các yếu tố khởi phát như nhiễm trùng.


Hôn mê tăng thẩm thấu (hay gặp ở ĐTD tuýp 2): Khi đường huyết tăng quá cao, trong khi bệnh nhân uống nước không đủ để bù lại, dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước nghiêm trọng, áp lực thẩm thấu của máu tăng theo, gây ra hôn mê. Tình trạng này thường xảy ra khi có thêm một tình trạng bất thường khác như nhiễm khuẩn, uống không đủ nước hoặc dùng thuốc lợi tiểu gây mất nước, dùng thêm thuốc làm tăng thêm đường huyết như steroid. Triệu chứng: Tình trạng ý thức chậm chạp rồi dẫn đến hôn mê, kèm theo dấu hiệu mất nước nặng. Xét nghiệm đường huyết rất cao, tới 1.000mg/dL (55.5mmol/L). Điều trị chủ yếu bằng bù nước (trung bình khoảng 10 lít) nhanh, bù điện giải và kiểm soát đường huyết bằng insulin. Các yếu tố gây khởi phát tình trạng hôn mê cũng cần được điều chỉnh.


Biến chứng mãn tính: Thường gặp sau nhiều năm của bệnh. Biến chứng mạch máu lớn: Tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim cục bộ, xơ vữa động mạch, đau cách hồi do tắc động mạch… Biến chứng mạch máu nhỏ: Bệnh võng mạc do ĐTD dẫn đến bong võng mạc hoặc chảy máu hoàng điểm dẫn đến mù. Biến chứng thận do ĐTĐ: suy thận. Biến chứng thần kinh: Viêm đa dây thần kinh, đơn dây thần kinh, hệ thần kinh tự động… dẫn đến tê yếu chân tay, rối loạn cảm giác, loét chi và cắt cụt chi. Biến chứng nhiễm trùng: Tăng đường huyết làm suy giảm hệ thống miễn dịch tế bào, do đó bệnh nhân dễ bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Bệnh nhân dễ bị mắc các loại nhiễm trùng như lao, viêm lợi, nhiễm trùng ngoài da (mụn nhọt, nhất là ở vùng chân), phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu, viêm hay nhiễm nấm âm đạo.


Phòng ngừa các biến chứng: Kiểm soát tốt đường huyết bằng thuốc và khám toàn diện định kỳ để phát hiện các dấu hiệu nhằm sớm có hướng điều trị thích hợp. Thay đổi lối sống theo hướng tích cực, hoạt động thể lực, tránh béo phì, bỏ thuốc lá, giảm uống rượu. Có chế độ ăn phù hợp, giảm cân nếu béo phì, giảm mỡ. Tránh nguy cơ nhiễm trùng.


Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Châu
(Trung tâm Nội tiết tỉnh)