10:02, 18/02/2020

Làng chài không rác thải

Hơn 2 năm trở lại đây, thôn Ngân Hà (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) trở thành làng chài không rác thải nhờ sự vào cuộc của chính quyền, đặc biệt là đội tình nguyện đoàn viên, thanh niên phường. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình cần có sự chung tay của cả chính quyền và người dân.

Hơn 2 năm trở lại đây, thôn Ngân Hà (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) trở thành làng chài không rác thải nhờ sự vào cuộc của chính quyền, đặc biệt là đội tình nguyện đoàn viên, thanh niên phường. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình cần có sự chung tay của cả chính quyền và người dân.


Mô hình điểm


Đến Ngân Hà thời gian này, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sự sạch sẽ, ngăn nắp của một làng chài ven biển với những ngôi nhà mái ngói khang trang, bãi cát trắng phau, những con thuyền bồng bềnh trên biển xanh. Anh Trần Anh Tuấn - Bí thư Đoàn phường Ninh Thủy cho biết: Sau bão số 12 năm 2017, làng biển trở thành bãi rác khổng lồ, mọi thứ đều ngổn ngang. Trước tình hình đó, phường đã huy động sự vào cuộc của các lực lượng tiến hành dọn dẹp vệ sinh bãi biển, có sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Ninh Hải và học sinh các trường THPT Trần Quý Cáp, THCS Nguyễn Trung Trực. Sau khi mọi việc đã ổn, Đoàn phường đề xuất thành lập Câu lạc bộ “Thanh niên vì môi trường, chống rác thải nhựa”. Lúc đầu, câu lạc bộ chỉ có 5 - 7 người, hàng tuần tiến hành dọn vệ sinh bãi biển. Vì lực lượng mỏng nên câu lạc bộ chọn thôn Ngân Hà, 1 trong 4 thôn biển làm điểm. Nhóm đã vận động người dân xung quanh cùng tham gia. Thấy việc làm của nhóm mang lại nhiều lợi ích nên người dân nhiệt tình hưởng ứng. Vào mỗi sáng khi nhóm ra quân, người dân cùng nhau chung tay quét, nhặt rác. Các mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn cũng hỗ trợ đắc lực cho nhóm. Khách sạn Summerin (Dốc Lết) hỗ trợ mũ nón làm vệ sinh; doanh nghiệp Vũ Phong tài trợ nước uống; một nhóm thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh tài trợ kinh phí mua áo, găng tay, thùng, bao bì đựng rác…

 

Bãi biển thôn Ngân Hà sạch sẽ.

Bãi biển thôn Ngân Hà sạch sẽ.


Bà Hồ Thị Dưng (thôn Ngân Hà) cho biết, từ ngày Đoàn Thanh niên tổ chức dọn dẹp, vệ sinh bãi biển khiến nơi đây sạch sẽ. Mỗi khi thấy thanh niên ra làm, người dân cũng góp công sức. Bây giờ ý thức người dân cũng đã chuyển biến, tuy vẫn còn người vứt rác ra biển nhưng giảm hẳn so với trước.


Sẽ nhân rộng mô hình


Ông Trần Thái Bảo - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy cho biết, phường có chủ trương nhân rộng mô hình làng biển không rác thải tại Ngân Hà ra các thôn biển khác. Năm 2019, phường đã tự bỏ kinh phí hơn 24 triệu đồng mua 5 xe đẩy rác cho thôn Ngân Hà và 10 thùng đựng rác cho các thôn còn lại. Tuy nhiên, hiện nay, việc nhân rộng mô hình này vẫn còn một số khó khăn. Thứ nhất, mỗi lần thủy triều lên thường mang theo rác cuốn trôi vào bờ khiến cho bãi biển dễ bẩn trở lại; thứ hai, đường biển là đường đất nên xe rác của Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa khó vào lấy rác, phải canh chừng thủy triều mới vào được. Ngoài ra, các thôn còn thiếu thùng đựng rác và xe đẩy; việc xây dựng các nhóm nòng cốt chủ lực là đoàn viên, thanh niên các thôn biển đang gặp khó khăn do đa số các em còn đi làm, đi học nên khó huy động.

 

Bãi biển thôn Ngân Hà sạch sẽ.

Rác được thu gom hàng ngày.


Theo anh Tuấn, thời gian tới, Đoàn Thanh niên phường sẽ phối hợp với các ban, ngành, các thôn xây dựng các nhóm nòng cốt làm cơ sở nhân rộng mô hình; đồng thời thành lập nhóm Facebook kêu gọi sự chung tay của cộng đồng cùng phòng, chống rác thải nhựa. Đoàn phường sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, điều phối đoàn viên, thanh niên, bí thư chi đoàn để nhân rộng mô hình tại các thôn. Mỗi thôn gồm 1 đội, 15 người làm nòng cốt cho phong trào.


Theo ông Mông Trung Khoa - Trưởng thôn Ngân Hà, tuy thôn thành công với mô hình làng chài không rác thải nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: một số người dân lợi dụng vắng người vứt rác ra biển; xe rác không thực hiện đúng cam kết lấy rác thường xuyên; chưa huy động đông đảo người dân chung tay chống rác thải nhựa... Vì vậy, thôn đề nghị khi nhân rộng mô hình, phường cần làm việc với đơn vị hợp đồng để lấy rác thường xuyên, vì nếu người dân không thấy xe chở rác đi qua thì sẽ quay lại vứt rác như cũ; cần gắn hệ thống camera để giám sát và điều chỉnh hành vi của người dân trong việc thu gom rác; bố trí thêm thùng rác dọc bờ biển; làm nhiều biển cấm đổ rác và pa-nô tuyên truyền về pháp luật môi trường, nếu xả rác không đúng quy định sẽ bị phạt tiền để nâng cao ý thức người dân…


V.L