10:07, 18/07/2019

Học trước khi vào lớp 1: Không nên tạo áp lực cho trẻ

Dạy học cho trẻ trước khi vào lớp 1 vốn là chuyện không mới, nhưng vẫn luôn là mối quan tâm của nhiều cha mẹ học sinh trước thềm năm học mới.

Dạy học cho trẻ trước khi vào lớp 1 vốn là chuyện không mới, nhưng vẫn luôn là mối quan tâm của nhiều cha mẹ học sinh (HS) trước thềm năm học mới.


Nên hay không nên học sớm?


Việc cho trẻ học trước khi vào lớp 1, chủ yếu là dạy tập viết và tính toán đã trở nên phổ biến nhiều năm qua, đến mức số ít phụ huynh không chạy theo cuộc đua này bị coi là lạc hậu, cá biệt. Đây cũng là nhu cầu, tâm lý dễ hiểu của cha mẹ HS. Chị Trần Thị Kim Thu (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi không kỳ vọng con phải giỏi như “con nhà người ta”, nhưng khi cả xã hội đều cho con đi học sớm thì mình cũng phải cho con học để con không cảm thấy tự ti, lạc lõng khi vào môi trường mới”. Còn theo chị Lê Ngọc Hòa (phường Phước Long, TP. Nha Trang): “Ít có cha mẹ nào yên tâm khi thấy các bạn đồng trang lứa của con đã đọc thông, viết thạo mà con mình chưa biết gì. Các trường mẫu giáo công lập không nhận giữ trẻ đã học xong chương trình mẫu giáo nên tôi gửi con vào học bán trú tại một nhà trẻ tư, mỗi tuần có vài buổi tập viết chữ, học toán cũng là cách rèn cho con vào nếp học, cha mẹ yên tâm đi làm”.

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.


Để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ HS, một số giáo viên đã tổ chức dạy trước cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Giáo viên một trường tiểu học tại TP. Nha Trang thừa nhận: “Với một lớp học đông, sĩ số 40 đến gần 50 em thì giáo viên không thể cầm tay chỉ dạy, uốn nắn cho từng em vì không thể đảm bảo tiến độ tiết dạy. Chưa kể chương trình học khá nặng, với nhiều yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, những em còn yếu, còn chậm cần được rèn sớm để theo kịp các bạn”.


Chuẩn bị tâm thế cho học sinh


Theo ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo, học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học vì sẽ làm trẻ chủ quan, có tâm lý đã biết rồi nên giảm hứng thú khi vào học chính thức. Việc này cũng ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không đúng. Chương trình đã được thiết kế với những nội dung, bài học cụ thể. Chưa kể hiện nay đa số HS tiểu học đều được học 2 buổi/ngày nên giáo viên sẽ có thời gian tổ chức cho các em hoàn thành các yêu cầu học tập hoặc tham gia các hoạt động giáo dục khác.


Trong hướng dẫn chuẩn bị cho năm học 2019 - 2020 mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường tuyệt đối không được khảo sát trình độ của trẻ trước khi vào lớp 1. Các giáo viên lớp 1 khi nhận lớp cần nghiên cứu hồ sơ HS, qua đó có kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng HS, nghiêm cấm tình trạng dạy theo số đông đã biết chữ mà bỏ rơi những HS khác. Các trường cũng không được tổ chức lớp chọn theo yêu cầu của cha mẹ hoặc theo khả năng đọc, viết của HS. Nhà trường phải dành ít nhất 1 tuần lễ đầu tiên khi HS tựu trường để hướng dẫn HS làm quen với lớp 1 như: chuẩn bị cặp, sách vở, đồ dùng học tập, chỗ ngồi, giới thiệu về nhà trường, thầy cô, bè bạn...


H.NGÂN