19:43, 06/11/2023

Ngành Tài nguyên và Môi trường: Ưu tiên thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm

THÁI THỊNH (Thực hiện)

Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết: 

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

- Thực hiện Nghị quyết số 16 ngày 19-10-2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; định hướng của Bộ TN-MT về chuyển đổi số và các kế hoạch về chuyển đổi số của UBND tỉnh, ngày 8-12-2022, Sở TN-MT đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Quá trình triển khai kế hoạch, sở ưu tiên thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu (CSDL) TN-MT tỉnh. Thứ hai, tạo cơ chế minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tạo lập, quản lý, chia sẻ dữ liệu ngành TN-MT, trong đó đặc biệt ưu tiên các vấn đề tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, như: Quy hoạch TN-MT; quan trắc, giám sát, quản lý sự cố môi trường; cảnh báo sớm thiên tai... Thứ ba, xây dựng Cổng dữ liệu ngành TN-MT nhằm cung cấp dịch vụ chia sẻ, sử dụng dữ liệu TN-MT, công khai dữ liệu TN-MT thuộc danh mục dữ liệu mở phục vụ khai thác, tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp tạo lập hệ sinh thái dữ liệu cho các ứng dụng đa nền tảng... Nâng cấp, xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin với các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu TN-MT theo nguyên tắc hiệu quả, kế thừa, đồng bộ, thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. 

- Ngành TN-MT tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên như thế nào, thưa bà?

- Thời gian qua, Sở TN-MT đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về công tác chuyển đổi số của tỉnh đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị bằng nhiều hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, sở cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính để hạn chế sử dụng tài liệu, hồ sơ giấy; xây dựng và cập nhật Kho tài liệu lưu trữ về hồ sơ đất đai nhằm phục vụ kịp thời việc tra cứu thông tin của các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở TN-MT và cung cấp thông tin theo yêu cầu cho người dân và doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT được tiếp nhận và xử lý hoàn toàn thông qua Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm theo tiêu chuẩn, chất lượng quy định. Sở TN-MT cũng đã hoàn thành hồ sơ và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 2 theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng và các nghị định của Chính phủ. 

Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Tài Nguyên và Môi trường được tiếp nhận và xử lý thông qua Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thiều Hoa
Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Tài Nguyên và Môi trường được tiếp nhận và xử lý thông qua Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thiều Hoa

Trong lĩnh vực đất đai, Sở TN-MT đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số (Bộ TN-MT), Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện kết nối hệ thống CSDL quốc gia về đất đai với hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, chính thức vận hành từ tháng 11-2022. Tuy nhiên, CSDL đất đai tỉnh Khánh Hòa vẫn còn đang triển khai hoàn thiện theo Dự án VILG (Dự án Xây dựng hoàn thiện CSDL đất đai dùng chung từ Trung ương đến địa phương trên ứng dụng quản lý CSDL đất đai VBDLIS). Các dữ liệu này bao gồm: CSDL địa chính; CSDL thống kê, kiểm kê; CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và CSDL giá đất. Theo đó, hồ sơ về đăng ký đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá đất phải được phân loại, làm sạch trước khi xây dựng, cập nhật vào CSDL đất đai theo quy định.

- Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của ngành TN-MT tỉnh còn những hạn chế gì và định hướng khắc phục trong thời gian tới ra sao, thưa bà?

- Quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành TN-MT tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Chưa mạnh dạn đề xuất đầu tư hạ tầng kỹ thuật; chỉ đề xuất xây dựng, cập nhật, hoàn thiện các CSDL mới hoặc có sẵn; các dự án hoặc nhiệm vụ đầu tư mang tính riêng lẻ, không đồng bộ. Bên cạnh đó, còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số của UBND tỉnh; việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, CSDL sẵn có của tỉnh với hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, giữa các ngành trong tỉnh nói chung và các lĩnh vực chuyên ngành TN-MT nói riêng còn chậm triển khai, dẫn đến việc khai thác, sử dụng dữ liệu số chưa hiệu quả. 

Bên cạnh tập trung khắc phục những hạn chế nêu trên theo thẩm quyền, để đạt được các nội dung về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy, ngành TN-MT đã có kiến nghị: UBND tỉnh và các bộ, ngành đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhanh chóng xác định giải pháp đầu tư hoặc thuê hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan đầu mối ở cấp tỉnh và các sở, ngành kèm giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống; có kế hoạch đầu tư nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin và chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số của tỉnh. Cùng với việc hoàn thiện CSDL các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, CSDL quốc gia, cần đẩy mạnh xây dựng, cập nhật các nền tảng số của tỉnh để kết nối thống nhất, đồng bộ các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành giữa tỉnh và Trung ương, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

 - Xin cảm ơn bà!

THÁI THỊNH (Thực hiện)