09:10, 23/10/2020

Giãn tiến độ dự án cấp nước sạch ở Khánh Vĩnh

Dự án cấp nước sạch cho các xã cánh bắc huyện Khánh Vĩnh (gồm: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Bình) được đánh giá thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên mới đây, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh giãn tiến độ thực hiện dự án sau năm 2025.

Dự án cấp nước sạch cho các xã cánh bắc huyện Khánh Vĩnh (gồm: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Bình) được đánh giá thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh giãn tiến độ thực hiện dự án sau năm 2025.


Đề xuất dự án nước sạch


Thiếu nước sạch luôn là vấn đề nan giải ở các xã vùng cao của huyện Khánh Vĩnh. Hầu hết người dân đều phải dùng nước sông, suối để sinh hoạt hàng ngày; mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa nước không đảm bảo vệ sinh. Những năm gần đây, ngân sách nhà nước đã phải chi khá nhiều tiền để làm giếng khoan, xây bể chứa, song đó chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính lâu dài. Để đảm bảo nước sinh hoạt cho các xã vùng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đề xuất dự án nước sạch cho các xã: Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Đông. Theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của sở, dự án có công suất 1.500m3/ngày đêm, cấp nước cho 2.972 hộ với 11.843 nhân khẩu; tổng mức đầu tư 49,6 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh và cấp nước đến từng hộ gia đình.

 

Người dân xã Khánh Bình có thói quen dùng nước sông Chò để sinh hoạt.

Người dân xã Khánh Bình có thói quen dùng nước sông Chò để sinh hoạt.


Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNN cho biết, trên cơ sở cân đối vốn ngân sách của tỉnh cho các dự án cấp nước sạch giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư giải quyết nhu cầu nước sạch cho khoảng 1.400 hộ thuộc các khu vực tập trung đông dân cư nằm dọc các tuyến cấp nước chính trên địa bàn 3 xã: Khánh Hiệp, Khánh Bình và Khánh Đông. Trong đó, giai đoạn này sẽ cấp nước cho một phần thôn Hòn Lay (xã Khánh Hiệp), thôn Cà Hon, Bến Khế (xã Khánh Bình), thôn Suối Cau và Suối Sâu (xã Khánh Đông). Dự kiến mức đầu tư của giai đoạn 1 hơn 32 tỷ đồng và được đầu tư 100% bằng nguồn ngân sách tỉnh. Sản lượng nước sẽ tương ứng với từng thời kỳ khai thác sau đầu tư. 3 năm đầu, sản lượng khai thác đạt khoảng 30% công suất thiết kế. 2 năm tiếp theo, sản lượng khai thác đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Sau 5 năm đầu khai thác, sản lượng khai thác đạt khoảng 80% công suất thiết kế trở lên.


Chưa phù hợp với tình hình hiện nay


Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án này. Hội đồng thẩm định đánh giá đây là hệ thống cấp nước sạch đầu tiên ở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh được đầu tư theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống và nước sinh hoạt. Tuy nhiên, dự án có giá thành nước khá cao, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập thấp, còn thói quen dùng nước sông, suối hoặc từ các hệ thống cấp nước tự chảy. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định cũng cho rằng tổng mức đầu tư dự án khá cao.


Để khắc phục những bất cập, Hội đồng thẩm định đề nghị nên phân kỳ đầu tư, trước mắt chỉ đầu tư cấp nước cho các khu vực đông dân cư của 2 hoặc 3 xã, có tính đến việc nâng công suất mở rộng cấp nước cho các khu dân cư còn lại. Qua quá trình khai thác, sử dụng sẽ có đánh giá về số lượng hộ đăng ký dùng nước sạch, mức tiêu thụ nước bình quân trên mỗi hộ và khả năng trả tiền sử dụng nước sạch của các hộ dân để tham mưu UBND tỉnh đầu tư nâng cấp mở rộng cấp nước một cách hợp lý, tránh lãng phí.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: UBND tỉnh quyết định giãn tiến độ thực hiện dự án đến giai đoạn sau năm 2025. Đồng thời, yêu cầu Sở NN-PTNT tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập báo cáo đề xuất thực hiện dự án vào thời điểm thích hợp, bảo đảm hiệu quả đầu tư và phân kỳ đầu tư hợp lý.

Tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, Sở NN-PTNT đã điều chỉnh phương án đầu tư. Trước mắt, chỉ cấp nước cho các khu vực đông dân cư với công suất 800m3/ngày đêm (giảm 700m3/ngày đêm) cho khoảng 1.500 hộ (bằng 50% số hộ hiện có của 3 xã). Dự kiến tổng mức đầu tư giảm xuống còn 32,3 tỷ đồng; khi cần thiết sẽ đầu tư nâng cấp mở rộng. Trong 3 năm đầu hoạt động, sản lượng khai thác đạt khoảng 30% công suất thiết kế với giá thành 8.442 đồng/m3 (không tính khấu hao tài sản cố định). Nếu sử dụng chính sách ưu đãi, trong 3 năm đầu hoạt động, ngân sách nhà nước phải cấp bù khoảng 564 triệu đồng/năm cho dự án. Ngoài cấp bù giá nước, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đề nghị khi sản lượng nước khai thác chưa đạt 30% công suất thiết kế thì ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm theo sản lượng nước từng năm để bằng chi phí vận hành thực tế phát sinh.


Sau khi xem xét một cách tổng quan, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, vốn đầu tư cho dự án tương đối lớn, trong khi nguồn thu ngân sách tỉnh để bố trí vốn đầu tư cho dự án đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của dự án không khả thi, hàng năm ngân sách phải cấp bù giá nước để bảo đảm hoạt động cho đơn vị quản lý, vận hành do giá nước sinh hoạt thấp và người dân có thói quen sử dụng nước sông, suối phục vụ sinh hoạt. Từ thực tế trên, UBND tỉnh quyết định giãn tiến độ thực hiện dự án đến giai đoạn sau năm 2025.


Đình Lâm