12:05, 15/05/2020

Nạn lấn chiếm đất rừng làm rẫy: Ngày càng phức tạp

Từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Thực trạng này đòi hỏi đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt để xử lý.

Từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Thực trạng này đòi hỏi đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt để xử lý.


Nhiều vụ lấn chiếm đất rừng


Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất rừng tại khu vực rừng căm xe Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) diễn ra phức tạp khiến công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng rất khó khăn. Theo ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, tại khu vực rừng căm xe Ninh Tây, ngoài khai thác lâm sản trái phép, các đối tượng chủ yếu phá chiếm rừng, đất rừng để làm nương rẫy. Nguyên nhân khiến tình trạng lấn chiếm rừng, đất rừng tại đây khó giải quyết dứt điểm là do rừng nằm ngay cạnh nhà người dân; điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khu vực này rất thích hợp để phát triển các loại cây nông nghiệp nên các hộ lấn chiếm để lấy đất sản xuất, thậm chí sang nhượng cho người khác. Tình trạng lấn chiếm đất rừng tại khu vực này đã diễn ra nhiều năm, số liệu kiểm kê năm 2016 (đến nay chưa kiểm kê lại) cho thấy, khu vực rừng phòng hộ căm xe có diện tích 702,59ha, trong đó diện tích có rừng 424,25ha, diện tích đất trống, nương rẫy của người dân 278,34ha; từ đó đến nay, diện tích có rừng đã suy giảm đáng kể. Từ tháng 5-2019 đến tháng 3-2020, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện 9 vụ phá, lấn chiếm rừng, đất rừng làm nương rẫy với tổng diện tích 25.950m2, trong đó có 1 vụ lấn chiếm tới 3.540m2 đang được cơ quan chức năng xử lý. “Điều chúng tôi lo là toàn lâm phận của ban quản lý có hơn 3.100ha đất trống, chủ yếu là diện tích sau thanh lý rừng bị thiệt hại do cơn bão số 12 năm 2017 chưa được trồng lại đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm rất cao”, ông Thành nói.

 

Một góc rừng căm xe Ninh Tây bị phá, lấn chiếm lấy đất sản xuất.

Một góc rừng căm xe Ninh Tây bị phá, lấn chiếm lấy đất sản xuất.


Trong khi đó, tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy cũng kéo dài nhiều năm qua, nhất là trong lâm phận của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa. Lãnh đạo đơn vị này cho hay, thực tế việc lấn chiếm đất rừng trong lâm phận của công ty ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc khó giải quyết. Các vụ lấn chiếm cũ chưa giải quyết xong thì lại phát sinh vụ việc mới. Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị đã lập biên bản 18 vụ lấn chiếm đất rừng thuộc lâm phận của công ty, với diện tích lên đến 9,5ha.


Không chỉ ở Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, ở các khu vực miền núi thuộc các huyện Khánh Sơn, Cam Lâm, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng cũng diễn ra… Lãnh đạo hạt kiểm lâm các địa phương cho hay, hiện đang là cao điểm của việc người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát dọn nương rẫy để trồng trọt. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, phối hợp với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng chức năng các địa phương liên tục phát hiện các vụ xâm lấn đất rừng để làm nương rẫy. Thậm chí có những diện tích rừng vừa được chủ rừng khai thác xong chưa kịp trồng lại rừng đã bị các hộ lấn chiếm, chủ yếu là để lấy đất sản xuất. Đơn cử như huyện miền núi Khánh Sơn, khi các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao phát triển mạnh thì các diện tích đất rừng, ven các con suối từ 2.000 - 3.000m2 đều bị lấn chiếm để trồng cây ăn quả, thậm chí sang nhượng lại cho người khác.


Cần xử lý nghiêm


Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết, đơn vị đang quản lý hơn 41.400ha rừng và đất rừng; các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại, lấn chiếm cao như: tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng; khu vực sông Máu, thác Hòm (xã Khánh Thượng), khu vực các xã: Khánh Phú, Khánh Thành… Với trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, UBND cấp xã… tổ chức các đợt tuần tra, phát hiện kịp thời các vụ lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất; lập các chốt bảo vệ rừng ở các khu vực dễ bị xâm lấn. Đối với các vụ việc lấn chiếm đất rừng tại Khánh Phú, Giang Ly, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng Khánh Vĩnh giải quyết để thu hồi đất, nhưng nhiều vụ việc kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, đơn vị kiến nghị chính quyền các cấp cần xử lý dứt điểm các vụ việc, xử lý nghiêm thì mới răn đe được các đối tượng khác.


Lãnh đạo các đơn vị chủ rừng khác kiến nghị, hiện nay, diện tích đất trống sau khai thác rừng bị gãy đổ do cơn bão số 12 năm 2017 rất lớn. Đây là diện tích dễ bị lấn chiếm nhất. Do đó, cần đẩy nhanh việc triển khai trồng mới rừng trên diện tích này, vừa giải quyết được tình trạng lấn chiếm, vừa góp phần gia tăng tỷ lệ độ che phủ rừng trong thời gian tới.


Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, mới đây, tại cuộc họp giao ban toàn lực lượng kiểm lâm tỉnh, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc tiếp tục kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, trong đó có phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy; các vụ việc lớn diễn ra tại Ninh Hòa, Cam Lâm đang được điều tra, xác minh để xử lý nghiêm. Chi cục cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý, kiên quyết thu hồi các diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; tham mưu chính quyền xử lý nghiêm trường hợp người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Trong thời gian này, hạt kiểm lâm các địa phương cần phải nắm bắt, kiểm soát tốt hoạt động phát dọn nương rẫy của các hộ dân, có như vậy mới hạn chế được nạn lấn chiếm đất rừng, hạn chế nguy cơ cháy rừng.


HẢI LĂNG