09:05, 08/05/2019

Đãi ngộ cao, vẫn không tuyển được lao động

Khoảng 2 năm nay, không ít doanh nghiệp gặp khó trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lĩnh vực chế biến, dệt may. Dù nhiều công ty đưa ra mức đãi ngộ cao nhưng vẫn không tuyển được lao động.

Khoảng 2 năm nay, không ít doanh nghiệp (DN) gặp khó trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lĩnh vực chế biến, dệt may. Dù nhiều công ty đưa ra mức đãi ngộ cao nhưng vẫn không tuyển được lao động.


Thiếu lao động trầm trọng


Ông Mai Hữu Đệ - Tổng vụ Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam (Khu công nghiệp Suối Dầu) cho biết, hiện nay, đơn vị thiếu hơn 200 lao động. Mặc dù đã về tận các xã để tuyển, hay tuyển cả lao động chưa có tay nghề… nhưng công ty vẫn không tuyển được. Đã thế, tình trạng nhảy việc liên tục diễn ra càng làm cho công ty thiếu hụt lao động. Với thực trạng đó, đơn vị buộc phải đầu tư máy móc để hỗ trợ sản xuất; 5 lần điều chỉnh nâng giá sản phẩm, nâng mức thưởng chuyên cần lên hơn 300.000 đồng/người/tháng… để giữ chân và thu hút lao động. “Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng để tuyển dụng lao động, đảm bảo hoạt động sản xuất”, ông Lai Chun Li - Phó Tổng Giám đốc Công ty Gallant Ocean Việt Nam nói.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam.


Mấy năm qua, Công ty TNHH Hải Vương (Khu công nghiệp Suối Dầu) liên tục tìm kiếm nguồn lao động chế biến thủy sản nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết, đơn vị đang cần tuyển hơn 600 lao động. Mặc dù đưa ra mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, đảm bảo đầy đủ các chính sách và nâng cao mức phúc lợi, nhưng người lao động vẫn không mặn mà.


Đây là tình trạng chung của các công ty hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực may mặc, chế biến thủy sản. Qua khảo sát của phóng viên, nhiều công ty phải tăng ca để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết hoặc không thể mở rộng quy mô sản xuất vì thiếu nhân lực. Ông Võ Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển trang phục phụ nữ kiểu Pháp Việt Nam cho biết, hiện nay, đơn vị thiếu hơn 500 lao động. Công ty đã đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng để mở rộng quy mô sản xuất nhưng vì thiếu lao động nên chưa thể đi vào hoạt động. Còn ông Nguyễn Vương Anh - Trưởng bộ phận Tổng vụ Công ty TNHH May mặc đồ bơi Thống Nhất cho biết, đơn vị thiếu hơn 200 lao động. Công ty đưa ra chính sách thưởng 5 triệu đồng cho lao động đăng ký làm việc, người giới thiệu được thưởng 5 triệu đồng; nâng mức thu nhập từ 5 triệu lên 6 triệu đồng/tháng; hỗ trợ 100% chi phí thuê phòng trọ cho công nhân; mua sắm trang thiết bị cho công nhân ở trọ… mà vẫn thiếu lao động.

 

Cần cải thiện chế độ tiền lương


Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thời gian qua, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, nhất là những DN thuộc lĩnh vực dệt may, chế biến thủy sản và dịch vụ - du lịch. Hiện nay, khoảng 500 DN cần tuyển dụng khoảng 8.000 lao động. Trung tâm đã mở hơn 10 phiên giao dịch việc làm về tận các huyện, thị xã, thành phố và duy trì sàn giao dịch hàng ngày tại đơn vị. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với các DN tổ chức tư vấn tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp tại trung tâm, tư vấn qua các phiên giao dịch việc làm, qua website, các trang mạng xã hội... Tuy nhiên, lượng lao động được tuyển rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN.


Về nguyên nhân của thực trạng này, ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh tăng mạnh, nhất là lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Điều này khiến một lượng lớn lao động chuyển dịch sang lĩnh vực này, tạo ra sự cạnh tranh lớn về lao động giữa các ngành kinh tế. Lao động có xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực dịch vụ - du lịch vì mức lương cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn. Từ đó, dẫn đến lao động ở những DN sản xuất, vốn có mức lương thấp và môi trường làm việc nặng nhọc hơn bị thiếu hụt nhiều. Bên cạnh đó, phần lớn lao động trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh đã ổn định việc làm, không còn nguồn cho các DN tuyển dụng.


Ông Văn Đình Tri cho rằng, để thu hút lao động, các DN, nhất là lĩnh vực thủy sản và dệt may cần nâng mức tiền lương, cải thiện môi trường làm việc, tăng các chế độ phúc lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, DN cần đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại để giảm dần nhu cầu sử dụng lao động chân tay.  


VĂN GIANG