10:05, 04/05/2021

Âm nhạc của mỗi người

1. Ba má tôi biết chơi đàn, tuy nhiên, cả một thời thơ ấu tôi chỉ thấy ba bấm mỗi cung rê thứ. Còn giữ lại trong tôi hình ảnh ba cầm cây đàn từng tưng hết 6 dây, chỉ 2 bài hát và chưa bao giờ tôi nghe ông hát trọn bài: "Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng yêu thương một cô gái làng bên…". Có khi ông cao hứng: "Cô láng giềng ơi, không biết cô còn nhớ đến tôi…". Việc đàn hát với ông chỉ là dăm phút thư giãn với chỉ một cung rê thứ và luôn bỏ dở nửa chừng bài hát.

1. Ba má tôi biết chơi đàn, tuy nhiên, cả một thời thơ ấu tôi chỉ thấy ba bấm mỗi cung rê thứ. Còn giữ lại trong tôi hình ảnh ba cầm cây đàn từng tưng hết 6 dây, chỉ 2 bài hát và chưa bao giờ tôi nghe ông hát trọn bài: “Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng yêu thương một cô gái làng bên…”. Có khi ông cao hứng: “Cô láng giềng ơi, không biết cô còn nhớ đến tôi…”. Việc đàn hát với ông chỉ là dăm phút thư giãn với chỉ một cung rê thứ và luôn bỏ dở nửa chừng bài hát.

 


Nếu không có cây đàn, bàn tay ba nhịp trên bàn gỗ bài hát ả đào: “Mười lăm năm thấm thoát có ra gì, ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu…”. Ông cũng chỉ hát đúng một câu, ngồi nhìn xa xăm rồi đứng lên.


Như ba tôi, thảnh thơi lắm, má lấy cây mandolin, cầm miếng gảy và rung tremolo rất điệu nghệ bài “Nhạc tuổi xanh” của Phạm Duy. Má vừa đàn vừa hát: “Đời còn tươi như hoa mới nở sớm mai sáng ngời. Đời còn thắm như mây non bay ven trời… Bài hát đầu tiên trong đời khi tôi làm quen với âm nhạc từ cây đàn mandolin của má.


10 tuổi, tôi tập guitar. Đặt cây đàn trên đùi, tôi lọ mọ bấm từng nốt nhạc rồi hợp âm. Tôi tự đệm đàn hát hay đệm cho bạn bè hát. Một thời sôi nổi, rất vui và khó quên.


2. Anh tôi mang theo cây đàn khi đi học ở TP. Hồ Chí Minh. Ở nhà, tôi mua lại một cây đàn cũ từ một bạn học cùng lớp tên Hậu. Cây đàn tuy cũ nhưng tiếng nó vang và ấm. Mùa hè năm lớp 10, cây đàn theo tôi những đêm xóa mù chữ ở một xã miền quê. Năm lớp 11, cây đàn cùng tôi đi lao động ở Sông Cầu, bạn bè giành nhau cây guitar đến nỗi hết mùa lao động nó bị bung “con ngựa” bằng gỗ.


Tôi ra tiệm mua một cầu dây bằng nhôm về tự mày mò bắt vít níu 6 sợi dây đàn. Thùng đàn bị bung một chút nhưng tiếng vẫn còn vang và ấm lắm. Mùa hè năm lớp 11, cây đàn theo tôi đến lớp dạy bổ túc văn hóa. Mùa hè năm lớp 12, cây đàn chia sẻ cùng tôi những bài toán khó mùa thi.


Tôi vào đại học, cây đàn theo tôi vào tận ký túc xá ở Thủ Đức, chung với tôi những niềm vui nho nhỏ, chia bớt giùm tôi nỗi buồn xa nhà, nói giúp tôi lời yêu ban đầu với một người bạn học cùng lớp… Tôi ra trường, cây đàn lang thang cùng tôi 3 năm ở TP. Hồ Chí Minh, gánh bớt giùm tôi nỗi nhọc nhằn những đêm đi dạy học về khuya, tâm sự cùng tôi những buổi chiều Chủ nhật trói chân trên căn gác nóng như một lò bánh mì…


Tôi về Nha Trang làm việc, cây đàn cùng tôi quy cố hương. Tôi lập gia đình ra riêng, cây đàn vẫn theo tôi những năm tháng tuổi 30, rồi 40…


Tôi cất nhà mới. Ngày dọn nhà, nhìn thấy cây đàn cũ kỹ quá, không hợp với bức tường, tôi mang ra tiệm nhờ “tân trang” và nôn nao nghĩ đến những đêm trăng trên sân thượng bập bùng tiếng guitar…


Cây đàn được làm mới trông đẹp lạ lùng. Ông chủ tiệm nói với tôi: “Cây đàn này còn tốt lắm, nhưng nếu không chơi thường xuyên, tiếng nó sẽ bị câm”. Tôi đem cây đàn về nhà treo trên vách và… bỏ quên từ đó, bởi có quá nhiều thứ giải trí trên máy tính khi bắt đầu thời kỳ của công nghệ số.

3. Con trai tôi ít thích chơi đàn mà cháu hay hát và hát hay, lại thêm “món” beatbox. Thời tuổi teen của con trai gắn liền với beatbox đến khi cháu vào đại học và đã có một đêm diễn trên sân khấu của trường. Đam mê chỉ một thời. Vào tuổi trưởng thành, con tôi không còn say mê beatbox nữa. Bỏ lâu, thỉnh thoảng, cháu lại nói giọng có chút nuối tiếc, vương vấn: “Bây giờ hết cảm xúc để làm beatbox nữa rồi!”.


Con trai bị bệnh, cháu cần tôi vào TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ về tinh thần. Thời gian đầu, cháu hơi hoang mang, tôi thấy cháu không hát. Bởi thường cháu rất hay hát ở nhà. Đi đâu về, vừa mở cửa vào nhà là hát, hát trong nhà tắm, đi quanh nhà cũng hát, pha ly cà phê cũng hát rộn ràng. Mỗi khi nghe các con hát, tôi hiểu, tâm trạng chúng đang vui và tất nhiên thể trạng khỏe. 

 
Rồi bệnh của cháu thuyên giảm. Một ngày, tôi giật mình khi nghe tiếng cháu hát trong nhà, cháu còn làm beatbox với những cử động tay sống động. Niềm vui vỡ òa. Tôi hiểu, mọi thứ qua đi, ngày mới sang trang mang đến cho con người nhiều hy vọng đôi khi bắt đầu từ tiếng hát.


Âm nhạc là ký ức, là cảm xúc ùa về mỗi khi nghe một giai điệu mình ưa thích hay có liên quan đến kỷ niệm. Tôi nhớ lại mỗi khi ba tôi ôm cây đàn và hát vài câu, hay khi ông ngồi gõ nhịp bài hát ả đào, tôi biết tâm trạng ông đang vui. Má cũng vậy, phải thật thảnh thơi chuyện nhà, bà mới cầm cây mandolin và hát bài Nhạc tuổi xanh.


Tôi luôn nhắc mình, hãy đàn hát lên, dù buồn hay vui. Hát cho phong phú cuộc sống và hát cho người yêu thương an tâm rằng, cất lên được tiếng hát có nghĩa mọi sự đều ổn.


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN