11:01, 31/01/2020

Kỷ vật thiêng liêng

Gia đình tôi theo đạo Phật nên tôi rất ngạc nhiên khi biết được bố cất giữ một cây thánh giá. Tôi đem chuyện hỏi mẹ tôi. Mẹ nói: "Cây thánh giá ấy rất quý đối với bố con, vì đó là vật duy nhất còn lại của người nữ đồng đội đã cứu sống bố ở chiến trường". "Vậy người đó bây giờ ở đâu? Mẹ không khó chịu khi bố còn cất giữ vật riêng của người ta?".

Gia đình tôi theo đạo Phật nên tôi rất ngạc nhiên khi biết được bố cất giữ một cây thánh giá. Tôi đem chuyện hỏi mẹ tôi. Mẹ nói: “Cây thánh giá ấy rất quý đối với bố con, vì đó là vật duy nhất còn lại của người nữ đồng đội đã cứu sống bố ở chiến trường”. “Vậy người đó bây giờ ở đâu? Mẹ không khó chịu khi bố còn cất giữ vật riêng của người ta?”. Mẹ khẽ lắc đầu. Giọng mẹ nghèn nghẹn, ngắt quãng: “Sau trận B52 rải thảm, cái còn lại của người ấy chỉ là cây thánh giá…”. Mẹ quay sang nhìn tôi, giọng mẹ lại ấm áp, rõ ràng: “Mẹ không những khó chịu mà còn rất vui, rất quý bố con vì bố là người biết quý trọng nghĩa tình”.


Thật bất ngờ, bố tôi đã đứng ở cửa phòng nghe hai mẹ con nói chuyện từ bao giờ. Bố nói: “Bố cũng rất quý mẹ vì mẹ là người rộng tình, biết hiểu và trân trọng góc riêng của bố”.

 
Chuyện cây thánh giá và cách sống của bố mẹ luôn gợi nhớ cho tôi về bề sâu những sự việc trong đời. Tôi nghĩ trong cuộc sống tưởng chừng chai lì cảm xúc vì chuyện ganh đua hơn thiệt, vẫn có những chuyện giản đơn xảy ra trong một hoàn cảnh nào đó trở thành kỷ niệm sâu sắc để người trân trọng cất giữ trong một góc trái tim, có những vật bình thường trở thành kỷ vật thiêng liêng khi bao hàm trong đó một ân tình.


Trần Xuân Thụy