10:01, 26/01/2020

Nhớ miền đất dưới chân dãy Bi Doup

Cách nhau có một con đèo mà 9 năm rồi chưa "xuống núi". 9 năm làm nỗi nhớ hoang vu. Hoang vu làm nỗi nhớ bỗng mềm như nhung lụa, bảng lảng, tha thiết, mênh mông ra. Tôi không mơ sống đẹp đạt đến độ "Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát" như ông Phạm Duy viết trong danh phẩm "Nha Trang ngày về". Thời còn hay "xuống núi" đó, tôi hay thích ở đó, chỗ nối giữa biển với rừng, nơi đầy di chỉ ký ức thiên nhiên và người đời - Khánh Vĩnh, Diên Khánh ấy mà.

Cách nhau có một con đèo mà 9 năm rồi chưa “xuống núi”. 9 năm làm nỗi nhớ hoang vu. Hoang vu làm nỗi nhớ bỗng mềm như nhung lụa, bảng lảng, tha thiết, mênh mông ra. Tôi không mơ sống đẹp đạt đến độ “Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát” như ông Phạm Duy viết trong danh phẩm “Nha Trang ngày về”. Thời còn hay “xuống núi” đó, tôi hay thích ở đó, chỗ nối giữa biển với rừng, nơi đầy di chỉ ký ức thiên nhiên và người đời - Khánh Vĩnh, Diên Khánh ấy mà.
 

 

 
* * *
 
Không biết cây Dầu Đôi ở ngã ba Thành như thế nào rồi, bởi dạo đó chỉ còn lơ thơ vài chỏm lá trên cành, khi nó đã quá già, và lại “chung sống” với đô thị, xe cộ. Không biết những mảng sinh thái sình lầy ở cuối nguồn sông Cái với xóm thôn hai bên có còn hay đã “lên phố” rồi. Nhớ gì mà nhớ những cây mắm, cây bần, tàng lá như đang che dù để chống chọi với trời xanh, gió cát và bão giông từ biển cả. Không biết những ngôi nhà cổ ba gian hai chái thuần Việt hiếm quý cuối cùng ở xứ Diên Khánh có còn, hay đã cũng bị cơn sóng thần “bê tông” cuốn đi theo xu thế. Không biết những chiếc xe ngựa cuối cùng của thời đại cơ khí xe hơi có còn đi qua Thành. Không biết ánh trăng ngang qua bàu nước ở cổng nam của Thành có còn in bóng xuống. Không biết mộ “ông Năm Yersin” trên đồi Suối Dầu cuối cùng thuộc về Bộ Y tế thời nay đảm quản hay ngành du lịch địa phương, dù phố biển Nha Trang lẫn thành phố bên kia đỉnh Bidoup, Đà Lạt, đã có con đường mang tên nhà từ y, thám hiểm có trái tim nghệ sĩ ấy. Chao ôi, những giàn hoa tigôn có còn rạng hồng che lấp những hàng kẽm gai và lưới B40. Loài hoa được thi nhân nào đó mô tả mà không ai có thể chỉnh sửa hay tìm được hình ảnh hay khái niệm thay thế, rằng “dáng như tim vỡ”, chẳng hiểu sao trở thành giống hoa yêu thích của người Diên Khánh. Đà Lạt “thiên đường của hoa” nhưng không thể có loài hoa này. Nó làm nỗi nhớ đang xanh xao của ta bỗng tươi hồng lên những ký ức. Chắc phải đủ ấm, đủ oai nồng thì tình yêu mới đủ đau để vỡ ra hoa, mang lấy một hình hài. Thế giới tự nhiên tinh tế thế đó. 
 

 

 
Lại những cánh đồng ở nơi đó nữa. Không đủ mênh mông phù sa để hình thành nên một châu thổ, như Mê Kông, sông Hồng. Nhưng nó có đặc tính của miền gió cát, tính duyên hải. Hương biển đã nhuộm lên đó. Đi giữa ruộng đồng mà vẫn nghe dư vang “mùi biển”. Những ruộng, làng người len lỏi trong nhau, đến mức khái niệm thẳng cánh cò bay không thể có ở nơi này. Núi thấp tè, quá trời là núi, và rừng khô hạn ở trên đó, còn bò ra đến sát biển nữa kìa. Một dòng dõi ruộng đồng miền chuyển tiếp, duyên hải.
 
* * *
 
Càng lùi lên chân dãy Biduop, tính “rừng núi”, “cao nguyên” lại tăng dần. Nên Diên Khánh và Khánh Vĩnh là vùng đệm và vùng chuyển tiếp giữa đại ngàn với biển cả. Hương biển nhạt dần. Hương núi nhuộm lên miền Khánh Sơn. Hương núi thì đi vào chiều sâu, rực rỡ trong hắt hiu chứ không rạng rỡ trong tưng bừng tráng khí của biển. Những ngọn đồi nhấp nhô, địa khí có gì đó không khốc, khô khô, oai nực. Thế mà màu xanh vẫn không thiếu. Thảm thực bì không ken dày xanh ngắt như trên sơn nguyên mà vung ra, xanh xanh, trắng trắng, lõi chõi đất và cây. Nó không điệp trùng cà phê, điệp trùng cao su, tiêu... như Tây Nguyên. 
 
Người dân nơi chân Trường Sơn này chỉ canh tác toàn cây mì, mía, điều. Họ sống đơn sơ, thuần nhiên, tối giản, không tất tả, cuồng say trước bể cơ cầu. Cái mộc mạc của người “đi núi” khác cái mộc mạc của người “đi biển”. Ví như ăn nhẹ nói khẽ và ăn to nói lớn; mạnh mẽ mà thâm trầm với mạnh mẽ mà hào sảng. Thương nhớ những plei (làng) bé bỏng của người Raglai, cốt cách sơn dã và sống y chang người bản địa miền sơn nguyên trên kia, dù cách nhau một khoảng trời độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển và dãy núi chót vót quá hiểm trở ấy (Bidoup) mà nhà bác học Yersin từng bất lực khi từ Nha Trang chinh phục lên miền thượng (cao nguyên Langbian) để rồi ông phải mở hướng bộ hành xa hơn bằng vào tận ngã Panduranga (Phan Rang - Phan Thiết), để đến thời nay “đường lên” mới được hình thành, đèo Khánh Lê đã ra đời.
 
Chợt trỗi dậy nỗi nhớ dòng sông Trang quá. Mọi con thác trên đỉnh cao Bidoup đổ ngay xuống đây. Nước chảy ra từ rễ cây, băng qua những thảm thảo mộc, lọc qua bao vách đá ngàn triệu năm nên nó cứ trong vắt. Hỡi sỏi đá dưới lòng sông Trang kia ơi, mi có ân nghĩa với đại ngàn đấy. Mi gom những tinh lực của miền thượng để bàn giao tất cả cho miền đệm Khánh Vĩnh - Diên Khánh và từ đó nơi này trút hết lòng dạ cao xa cho biển. 
 
Khói sương thường dày đặc trên đỉnh Bidoup, không biết hàng ngày nó có nhớ gì với mặt biển dưới kia không. Còn tôi, ngày con đèo Khánh Lê hoàn thành, tôi viết tường thuật, đặt tựa trên tờ báo có lượng phát hành nhiều trong nước, là “Con đèo nối biển và hoa” đã hình thành, ý nối vẻ đẹp của xứ nóng biển diễm lệ Nha Trang với xứ lạnh hoa tình tự Đà Lạt. Giờ người ta cũng dùng ý tưởng và khái niệm này để quảng bá kết nối hai vùng du lịch lớn, tôi “chịu”, thấy cũng ý vị. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi chỉ tha thiết yêu nhớ ký ức của tôi thôi với những gì hiện ra ở sinh - cảnh - người - vật nơi miền dưới chân núi, Bidoup, những gì tạc lên đó, cái vùng xứ đệm trộn hương biển với hương rừng, pha mùi rừng vào mùi biển rồi gia vị thêm mùi thời gian đậm nồng kia.
 
Nguyễn Hàng Tình