22:53, 01/03/2024

Nơi sông ra biển

 LƯU CẨM VÂN

Có khi chợt nhiên nhớ mình từng có một thời thanh niên hồn nhiên và đẹp đẽ. Đó là thời con gái tóc còn thả ngang vai, chưa biết cầm đến thỏi son trước khi cầm viên phấn viết bảng. Tôi rời trường sư phạm bước vào trường đời, tâm hồn tinh khôi, vui vẻ nhận công tác về nơi ấy, Trường Phổ thông cơ sở Ninh Ích, thuộc thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa). Lần đầu tiên khi đến trường trình diện, tôi có đôi chút thất vọng. Ngôi trường nằm cách Quốc lộ khoảng 4 - 5 cây số, do không có phương tiện di chuyển, thầy cô giáo hầu hết là người Nha Trang ra công tác nên toàn phải đi bộ từ ngoài đường vào trường. Trường nằm phía trong những thửa ruộng xa cách với nhà dân nên được dành 2 phòng để thầy cô giáo có chỗ ở lại làm việc, đêm không có điện, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong ánh sáng của những cây đèn dầu nhỏ xíu. Không có hàng quán, cũng không có chợ, thực phẩm phải tự túc và có khi được người dân chia lại từ những thứ họ tìm được từ ngoài đồng. Trong ký ức của tôi, những ngày bắt đầu đó thật buồn. Ban đêm, mấy đứa con gái không dám ra khỏi căn phòng tập thể, ngoài sân trường chỉ toàn là bóng tối và bóng đen của cây cối. Thỉnh thoảng vào đêm khuya có tiếng chim vỗ cánh và có tiếng kêu rất lạ, bạn bảo đó là tiếng chim heo, khi con chim này bay đến và cất tiếng kêu là có người chết. Không biết có đúng không, chỉ biết đó là những kỷ niệm không vui mà không thể quên.

Khu rừng ngập mặn phía sau ngôi trường.
Khu rừng ngập mặn phía sau ngôi trường.

Năm 1978, trường được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) xây cho một cơ sở mới ở Tân Đảo, nằm cạnh quốc lộ và chuyển học sinh cấp 2 ra đó. Phía sau trường mới là một cánh rừng ngập mặn và xa chút nữa là biển, trường mới đẹp và khang trang hơn trường cũ nên mọi thứ đều là bắt đầu. Các thầy cô giáo cùng học trò trồng mấy cây bàng trên cái sân trống trải đầy nắng, trong khi chờ đợi có bóng mát thì học trò chơi đùa trên hành lang, vào những ngày mưa các em chạy nhảy ồn ào trong lớp học nhưng thầy cô chỉ nhắc nhở cho có lệ. Giữa sân trường có một trụ cờ, chỉ vài bụi hoa giếng được trồng cho có màu sắc, là nơi mỗi buổi chiều các thầy cô giáo trẻ ngồi đàn hát với nhau cho qua nỗi nhớ nhà. Có lúc rất nhớ chỉ muốn ra đường ngoắt xe xin quá giang về phố. Nhưng không ai về nhà vào những ngày thường, cứ 2, 3 giờ sáng của ngày thứ Hai đầu tuần, thầy cô giáo ở Nha Trang ra bến xe đón xe đò ra trường. Thời điểm đó phương tiện giao thông rất khó khăn, nhất là giai đoạn xe đò thiếu nhiên liệu phải chuyển sang chạy bằng than. Thật tội cho mấy anh thanh niên nếu hôm nào xe hết chỗ phải nhường ghế cho các bạn gái, còn mình bám sau xe, tới trường mặt mày, quần áo toàn là bụi than đen xì.

Ngày khai giảng đầu tiên 
của Trường Phổ thông cơ sở Ninh Ích, năm 1977.
Ngày khai giảng đầu tiên của Trường Phổ thông cơ sở Ninh Ích, năm 1977.

Chúng tôi vẫn yêu thời hai mươi tuổi của mình mỗi khi nhớ về thời điểm đó, đi xe đò cũng cực, các thầy cô giáo rủ nhau dùng xe đạp đi về những ngày đầu và cuối tuần. Đó lại là những ngày rất vui, khi nhắc lại ai cũng cười, mọi người hẹn gặp nhau vào sáng sớm thứ Hai dưới chân đèo Rù Rì. Trời còn tối, năm ba người dắt xe đạp lên đèo, mấy cô gái nhát gan sợ ma được ưu tiên đi ở giữa, đi đầu và khóa cuối là việc của các chàng trai. Dọc suốt con đèo không có nhà cửa gì, chỉ toàn bụi cây, bóng tối chỉ đủ để thấy lưng áo nhờ nhờ của người đi trước. Cứ vậy đi qua hết đèo thì trời vừa hửng sáng, lại lên xe đạp tiếp đến trường cho kịp trước giờ học trò vào lớp.

Một tuần xa nhà của thời ấy rất dài, sáng thứ Bảy dặn ai trực trường hôm ấy không được quên đánh trống tan học. Trời đứng bóng và chắc chắn là ai cũng đói bụng nhưng chỉ uống ly nước rồi chờ học trò ra khỏi cổng trường là thầy cô cũng vội vàng dắt xe cắm đầu cắm cổ đạp. Con đường từ Ninh Ích về Nha Trang đúng 20 cây số đã trở nên rất quen thuộc, ai dù đạp xe khỏe hơn thì đến ngôi chùa ở Lương Sơn cũng dừng lại đợi bạn đến sau. Trước ngôi chùa có đặt một lu nước và gác một gáo dừa, cái lu bằng đất nên nước lúc nào cũng rất mát, đợi nhau cùng uống gáo nước nơi cổng chùa rồi đạp xe đi tiếp. Tuần nào cũng vậy nên thuộc lòng từng khúc quanh trên đường và trên đèo Rù Rì, lúc ấy động lực đạp xe chắc chỉ là ý nghĩ sắp được về nhà.

Ở Tân Đảo thời đó chưa có nhiều hàng quán, chỉ có một quán tạp hóa nhỏ nhưng bán đủ thứ trên đời, là nói vậy chứ hồi tôi đi dạy ở đó hàng hóa cũng không có gì. Nếu hôm nào các cô đói bụng muốn ăn một chút trước những bữa cơm thì cũng chỉ mua được vài lóng mía hoặc cái bánh ngọt toàn là bột. Lúc đó Tân Đảo chưa có điện, buổi tối thầy cô soạn giáo án bằng cái đèn hột vịt. Ngôi trường nằm sát quốc lộ nhưng không có chiếc xe nào dừng lại, những chiều chạng vạng mấy cô cứ ngồi ở cái trụ cờ giữa sân để nhìn xem có chiếc nào chạy về phố của mình không. Đêm của miền quê cũng khó ngủ, nằm lắng nghe tiếng côn trùng kêu réo và nghe cả tiếng chiếc tàu lửa sầm sập chạy qua trên con đường sắt phía chân núi mà quên cả nỗi buồn.

Tác giả trước ngôi trường đã từng dạy học.
Tác giả trước ngôi trường đã từng dạy học.

Tôi rời ngôi trường nhỏ ấy khi các cây bàng trong sân chưa kịp lớn và tôi cũng chưa kịp đi ra cánh rừng ngập mặn phía sau trường để xem chỗ sông giáp biển như thế nào. Năm tháng đi qua với bao nhiêu vật đổi sao dời, Tân Đảo bây giờ nhà cửa sầm uất, cửa hàng cửa hiệu không thiếu thứ gì và xe cộ đi qua rất ồn ào náo nhiệt. Nếu có dịp đi ngang phải cố gắng lắm mới nhìn được trường cũ, ngôi trường bây giờ nhìn thấy nhỏ hơn hồi mới bắt đầu vì cái hàng rào thép gai đã được thay bằng bức tường xi măng vững chãi, kín đáo. Đứng ngoài nhìn vào thấy mấy cây bàng đã rất cao lớn che khuất cả trụ cờ, những tàng lá bàng không biết đã đổi màu bao nhiêu lần mà sân trường tràn ngập những chiếc lá vàng úa. Không đếm được bao nhiêu thế hệ học trò đã đi qua cánh cổng kia và bước ra thành những con người tử tế cho xã hội.

Tôi cũng đi ngang ngôi chùa trước kia, bây giờ đã trở nên khang trang với cửa tam quan cao lớn sơn màu vàng rực rỡ, dù vậy cạnh cổng chùa cái lu nước và chiếc gáo dừa dành cho người qua đường vẫn ở đó thầm lặng và cũ kỹ, như chưa có rất nhiều năm tháng đã đi qua. Và tất nhiên tôi không quên con đèo Rù Rì ngày xưa, có điều đèo Rù Rì chỉ còn trong hồi tưởng, dấu vết của nó chỉ còn là cái bảng xanh có mấy chữ “Đèo Rù Rì” màu trắng, cắm ở chỗ ngày xưa là chân đèo. Con đèo ngoằn ngoèo quanh co hồi đó đã được thay thế bằng một con dốc rộng rãi, an toàn, ở dải phân cách có những bụi hoa giấy nhỏ nở hoa rất đẹp như ở phố, làm cho cửa ngõ phía bắc của Nha Trang đẹp rực rỡ. Bây giờ nếu có ai ở Nha Trang còn phải ra Ninh Ích dạy học như chúng tôi hồi đó không còn phải dắt xe đạp lên đèo mà lòng hồi hộp lo sợ đủ thứ.

Thi thoảng gặp nhau chúng tôi vẫn nhắc về thời đẹp đẽ của mình khi còn là những chàng trai, cô gái còn rất trẻ. Dẫu cho năm tháng đi qua có làm cho mọi thứ thay đổi thì người ta vẫn nhớ mãi về những điều tốt đẹp mà mình đã trải qua. Nhớ và trân trọng những kỷ niệm ấy không bao giờ quên.                                        

 LƯU CẨM VÂN