03:05, 22/05/2021

Chuyện về ca khúc đầu tiên về ngày bầu cử

Cách đây hơn 75 năm, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6-1-1946) của nước Việt Nam độc lập, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc Ngày Quốc hội cổ động toàn dân đi bỏ phiếu.

Cách đây hơn 75 năm, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6-1-1946) của nước Việt Nam độc lập, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc Ngày Quốc hội cổ động toàn dân đi bỏ phiếu. Bài hát được viết theo dạng hành khúc, lời ca giục giã người dân thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ công dân của mình. ‘“Đâu quốc dân Việt Nam mau. Cùng nhau cầm lá phiếu mau. Ai đã hy sinh thân mình. Từng bênh vực dân chúng. Đâu quốc dân Việt Nam mau. Bầu lấy người ra chiến đấu. Ai vì dân, nước quên mình. Toàn dân chúng ta bầu…".

 

Cử tri bỏ phiếu tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946
Cử tri bỏ phiếu tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946

 

Trong hồi ký Âm thanh cuộc đời (Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành năm 2003), nhạc sĩ Đỗ Nhuận có nhắc đến bài hát này như sau: “Trước ngày 6-1-1946, tôi đã sáng tác bài hát có tính thời sự Ngày Quốc hội và đưa Đoàn Quân nhạc phổ biến với lời mở đầu: Đâu quốc dân Việt Nam mau. Cùng nhau cầm lá phiếu mau. Sau đó bản nhạc đã bị thất lạc”. Khi viết những dòng hồi ký ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận chắc hẳn cũng không thể ngờ hơn 60 năm sau vẫn có người còn thuộc bài hát ấy.

 

Chuyện là ông Phạm Văn Nùng (sinh năm 1935, ở Hà Nội) từng sinh hoạt trong Đội thiếu nhi Tô Hiệu đã hát vang Ngày Quốc hội chào mừng ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6-1-1946). Mỗi khi đến kỳ bầu cử, lòng ông Nùng lại xốn xang bởi một ca khúc ý nghĩa như thế sao không được hát và cũng không có trong quyển sách nào. Năm 2010, ông Nùng đã viết thư gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam với mong muốn tìm lại nguồn gốc bài hát năm xưa, vì ông không nhớ tên bài hát cũng như tác giả. Lá thư đến tay nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau quá trình truy tìm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát hiện ca khúc mà ông Nùng nhờ tìm chính là bài hát Ngày Quốc hội của cha mình - cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Sau đó không lâu, Đài Truyền hình Việt Nam đã tìm được trong kho lưu trữ của thư viện Quốc gia tờ báo Quốc hội, số ra ngày 2-1-1946, có đăng ca khúc Ngày Quốc hội với lời ca trùng khớp hoàn toàn với trí nhớ của ông Nùng. Câu chuyện về ca khúc đầu tiên cổ động cho ngày hội tổng tuyển cử được công bố đã làm nức lòng bao thế hệ người yêu nhạc. Thời gian đã không thể nhấn chìm được tác phẩm âm nhạc đầu tiên viết về ngày hội non sông. Ngày Quốc hội đã vang lên một cách hùng tráng, tự hào trong lễ kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (2016). 

 

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang đến thật gần. 75 năm đã qua kể từ khi Ngày Quốc hội ra đời, nghe lại ca khúc đầu tiên về ngày hội tổng tuyển cử lòng vẫn trào dâng nỗi xúc động. Có được điều đó, Ngày Quốc hội không chỉ là sáng tác có tính thời sự phục vụ nhiệm vụ chính trị, đó còn là niềm vui, sự tự hào tự thân của nhạc sĩ khi được hưởng quyền công dân một nước độc lập. “Từ ngàn xưa tới nay quốc dân Việt Nam mới thấy. Bấy lâu nay toàn dân khát khao hôm nay. Mong được quyền người công dân cầm lá phiếu đi bầu. Tiến, tiến. Dân Việt Nam ta tiến. Tiến lên, chúng ta cùng nhau tiến. Đi lên. Giúp giống nòi mau tiến. Toàn dân sánh vai với hoàn cầu”. Những lời ca tự mừng vui khi được cầm lá phiếu bầu cử,  mang khát vọng dựng xây quê hương đẹp giàu ấy sẽ còn sống mãi với thời gian.

 

THÀNH NGUYỄN