02:10, 10/10/2020

Khánh Sơn: Nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã nỗ lực để xây dựng đời sống văn hóa trong mỗi buôn làng. Nếp sống mới đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã nỗ lực để xây dựng đời sống văn hóa trong mỗi buôn làng. Nếp sống mới đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Triển khai nhiều phong trào
 
Trong sự chuyển mình của huyện Khánh Sơn hôm nay, những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào vẫn được gìn giữ. Bên cạnh đó, những nét sinh hoạt, lối sống văn hóa mới dần được phổ biến đến mỗi người dân. “Trong 20 năm qua, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động cụ thể nhằm từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới ở mỗi gia đình, bản làng, cơ quan, đơn vị. Từ đó đã hạn chế được những biểu hiện tiêu cực trong đời sống người dân, cũng như góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện”, ông Nguyễn Phước Khiêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết.

 

Lễ cúng đầu lúa mới - nét đẹp văn hóa của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn vẫn còn được gìn giữ.
Lễ cúng đầu lúa mới - nét đẹp văn hóa của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn vẫn còn được gìn giữ.
 
Đến nay, toàn huyện có 2.688 gia đình sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 26 hộ có quy mô sản xuất lớn, doanh thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; có 5.249 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm hơn 60% số hộ gia đình toàn huyện); 27/31 thôn, tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa; 75/80 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa… Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 85% gia đình văn hóa; 85% thôn, tổ dân phố văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 42,8% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. 
Để công tác xây dựng đời sống văn hóa dần bám rễ ở cơ sở và có tác động tích cực, rất nhiều phong trào đã được huyện lồng ghép triển khai thực hiện. Những phong trào như: xây dựng người tốt việc tốt; xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; học tập, lao động, sáng tạo… đã mang đến những kết quả khả quan. Từ các phong trào đã xuất hiện rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình. Chẳng hạn, phong trào xây dựng người tốt việc tốt đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua yêu nước. Trong những năm qua, đã có 93 cá nhân người tốt việc tốt và điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hóa được các cấp khen thưởng. Nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi cũng đồng thời là gia đình văn hóa tiêu biểu trong nhiều năm liền. Tiêu biểu như: gia đình ông Lê Tấn Quang (xã Ba Cụm Nam), Vũ Văn Bút (xã Ba Cụm Bắc), Nguyễn Văn Hải (xã Sơn Trung), Cao Văn Sang, Đào Văn Yến (xã Sơn Bình), Trần Đình Tân, Mai Văn Khang (xã Sơn Lâm)... Những tấm gương người dân tộc Raglai là nông dân sản xuất giỏi và gia đình hạnh phúc như: Cao Nâng (xã Sơn Bình), Bo Bo Thi, Mấu Hồng Vương (xã Ba Cụm Nam)... “Gia đình tôi luôn nỗ lực để vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn nếp sống được hòa thuận, chuẩn mực. Khi gia đình có điều kiện thì quan tâm giúp đỡ những gia đình khác trong thôn xóm để cùng phát triển”, ông Mai Văn Khang - nông dân sản xuất giỏi ở xã Sơn Lâm cho biết. 
 
Để lan tỏa hơn
 
Việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ở huyện Khánh Sơn đã được thực hiện đồng bộ, các phong trào được lồng ghép, thống nhất, góp phần tạo nên diện mạo mới ở vùng nông thôn miền núi. Quan hệ xóm làng được thắt chặt, đoàn kết giúp nhau phát triển; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Những biểu hiện tiêu cực về bạo lực gia đình, số người vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội được hạn chế. Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi công tác triển khai ở từng nơi chưa đồng đều; phong trào phát triển chưa thường xuyên, chưa ổn định, sự phối hợp giữa các ban ngành vẫn còn có hạn chế. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và một bộ phận người dân chưa thực sự nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào nên việc triển khai, tổ chức thực hiện còn có phần hạn chế... 
 
Theo ông Nguyễn Phước Khiêm, từ nay đến năm 2025, huyện Khánh Sơn tiếp tục triển khai sâu rộng việc xây dựng đời sống văn hóa trên cơ sở đề ra mục tiêu cụ thể, vận động đông đảo nhân dân tham gia thực hiện. Để phong trào thành công hơn, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thực hiện phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền với MTTQ, các đoàn thể ở huyện và cấp xã. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào do các cơ quan, ban ngành chủ trì; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh bài trừ và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
 
Dương Thị Ánh Đào
(Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa)