07:11, 09/11/2015

Địa điểm tổ chức phiên tòa: Cần tạo thuận lợi cho dân

Theo Điều 223 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) về địa điểm tổ chức phiên tòa thì "Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án quy định tại Điều 224 của Bộ luật này".

Theo Điều 223 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) (sửa đổi) về địa điểm tổ chức phiên tòa thì “Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án quy định tại Điều 224 của Bộ luật này”. Phát biểu thảo luận về dự thảo BLTTDS (sửa đổi), bà Lê Minh Hiền - đại biểu Quốc hội - ĐBQH (Đoàn ĐBQH tỉnh) đề nghị bổ sung quy định về địa điểm tổ chức phiên tòa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho dân hơn, cụ thể như sau: “Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết hoặc tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) các cấp ở địa phương khác. Trong trường hợp xử ngoài trụ sở Tòa án thì phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án quy định tại Điều 224 của Bộ luật này”.

 

Một phiên tòa xét xử lưu động
Một phiên tòa xét xử lưu động


Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ĐBQH Lê Minh Hiền. Bởi lẽ, thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2015; có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc xét xử phúc thẩm án hình sự vẫn được tiến hành tại trụ sở TAND tỉnh, thành phố xét xử sơ thẩm như Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng trước đây thực hiện. Trong khi đó, các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại mà TAND tỉnh các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, TAND cấp cao tại Đà Nẵng lại quyết định triệu tập các đương sự tiến hành xử phúc thẩm tại trụ sở TAND cấp cao tại Đà Nẵng (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng).


Dẫu biết rằng, phiên tòa xét xử phúc thẩm được tổ chức tại trụ sở TAND cấp cao tại Đà Nẵng là thuận lợi cho việc bố trí hội trường xử án của Tòa án và không trái luật. Tuy nhiên, việc chỉ xử phúc thẩm án hình sự ở Tòa án các địa phương, còn án dân sự, kinh doanh thương mại thì các đương sự, luật sư ở các tỉnh, thành ở xa phải khăn gói ra trụ sở TAND cấp cao tại Đà Nẵng; gây khó khăn, trở ngại cho người dân (mọi chi phí tố tụng; đi lại, lưu trú cho bản thân và luật sư, nhân chứng và các đương sự khác...). Trên thực tế, vừa qua, TAND cấp cao chỉ xử được một vài vụ, còn lại đều bị hoãn do đương sự vắng mặt (thường là người không kháng cáo, người làm chứng, người liên quan và cả luật sư). Việc trì hoãn, xét xử kéo dài do đi lại xa xôi làm người dân càng khó khăn hơn trên con đường tiếp cận công lý.


Chúng tôi đề nghị sắp tới, TAND cấp cao cần tổ chức xét xử tại trụ sở TAND địa phương. Đó cũng là phương thức thực hiện thiết thực và ý nghĩa nhất trong việc: “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Hy vọng, BLTTDS (sửa đổi) quy định cụ thể và TAND các cấp triển khai thi hành luật tố tụng theo hướng có lợi cho người dân.


HỒNG HÀ