13:35, 26/04/2024

Khánh Hòa: Hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững

XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM

Sáng 26-4, tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề: “Phát triển du lịch xanh và bền vững”. Tham dự diễn đàn có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch); các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các chuyên gia về du lịch, cùng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh chụp ảnh với các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham gia diễn đàn.

Du lịch xanh - xu hướng tất yếu

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ:  Trong thời gian qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề tiếp nối thành công của giai đoạn trước, hình ảnh du lịch Khánh Hòa ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn và nhận được sự yêu mến của bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, du lịch hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như những vấn đề về quá tải cục bộ, tính mùa vụ, những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Vì thế, để du lịch phát triển bền vững, điều tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Việc phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.  Đặc biệt, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị cũng như quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đặt mục tiêu: Đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mong muốn Diễn đàn sẽ đưa ra giải pháp, định hướng để xây dựng du lịch Khánh Hòa là một ngành du lịch xanh và phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng cục du lịch Quốc gia Việt Nam và Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đều nhấn mạnh, phát triển du lịch xanh đang là xu hướng của thế giới cũng như của Việt Nam. Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) đã xác định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là con đường phát triển quan trọng, cần thiết, tất yếu và nhấn mạnh vai trò của du lịch là một trong những nhân tố thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định: Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trọng tâm là quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc... Tuy  nhiên, từ định hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đến hành động triển khai trong điều kiện thực tiễn là quá trình lâu dài đòi hỏi nhận thức đầy đủ và sự tham gia của toàn xã hội để thay đổi phương thức khai thác tài nguyên, cung ứng dịch vụ du lịch cũng như tác động đến thói quen tiêu dùng du lịch, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý du lịch nói chung.

Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia đều đánh giá, Khánh Hòa có ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển và với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng với các bãi tắm đẹp, vùng biển, đảo với đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển... Bên cạnh đó, tỉnh còn có khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, các cánh rừng ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Khánh Hòa còn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển, có thể tiếp cận thuận lợi bằng đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt. Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước. Tuy nhiên, những kết quả chung đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đại dịch Covid-19 xảy ra cho thấy khả năng thích ứng của du lịch Khánh Hòa với biến động bất thường, khủng hoảng còn thấp, tính mùa vụ và phụ thuộc vào một số thị trường còn khá rõ rệt, đặc biệt thách thức về bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Cũng tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch đã thẳng thắn thừa nhận, du lịch Khánh Hòa dù đạt được nhiều kết quả nhưng chưa bền vững. Đó là tình trạng hạ tầng bị quá tải, gây ách tắc giao thông tại các khu đô thị ven biển nhất là TP. Nha Trang; thiếu các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm có quy mô tầm cỡ quốc gia, quốc tế (mới chỉ có khu vui chơi Vinpearl, Nha Trang); việc tập trung đầu tư, xây dựng phát triển các loại hình du lịch hướng tới mục tiêu xanh và bền vững vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được các địa phương quan tâm đầu tư phát triển. Các cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao (3-5 sao) đã ngày càng có ý thức trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; tuy nhiên, việc duy trì sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường còn gặp khó khăn do chi phí cao… 

Theo đó, các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch xanh và bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, lợi thế kinh tế biển để đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng thích ứng linh hoạt với biến động kinh tế, xã hội và môi trường, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của khu vực và thế giới là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới. Trong đó, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị Khánh Hòa quan tâm: Tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh. Khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất du lịch “xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường, kiểm soát việc xả thải, xử lý chất thải, khí thải trong hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động với môi trường, đặc biệt môi trường biển. Đa dạng sản phẩm du lịch, tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường khách du lịch du khách, ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái biển đảo, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, trải nghiệm, giáo dục môi trường. Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, bảo vệ môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương; Phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tương xứng với trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế; ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điểm đến du lịch xanh, phát triển điểm đến du lịch thông minh, kiểm soát hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, kiểm soát chất lượng môi trường; đẩy mạnh truyền thông về du lịch xanh…

Cũng tại diễn đàn, PGS. TS. Phan Thị Thục Anh - Trường Đại học VinUni đề xuất, để phát triển du lịch xanh, trong thời gian tới Khánh Hòa cần phải phát hành bộ tiêu chí về du lịch xanh, sau đó tiến hành đánh giá, cấp chứng nhận nhãn hiệu du lịch xanh; cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch xanh. Ông Hoàng Quốc Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị, Khánh Hòa cần tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch trên nền tảng số; đẩy mạnh kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; khuyến khích chuyển đổi xanh trong hoạt động du lịch, nhất là ứng dụng… Đáng chú ý, PGS.TS  Phạm Trung Lương - Nguyên Viện phó Viện nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho rằng Khánh Hòa có tiềm năng rất lớn về du lịch xanh. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng có vô vàn khó khăn. Khó khăn đầu tiên là vấn đề nhận thức, sau đó là chính sách, nguồn lực để phát triển du lịch xanh còn yếu, bên cạnh đó là vấn đề nhân lực “Chúng ta nói nhiều đến phát triển du lịch xanh nhưng đó mới là chủ trương, chưa có chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch xanh…”, PGS.TS  Phạm Trung Lương chia sẻ.  

Phát biểu kết luận diễn đàn, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, sâu sắc và đầy trách nhiệm của các diễn giả, các nhà khoa học, các đại biểu. Đồng thời đề nghị, Sở Du lịch chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ ngành liên quan hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý để hướng dẫn, tăng cường quản lý công tác phát triển du lịch xanh, bền vững để triển khai thực hiện; nghiên cứu tham UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết có cơ chế, chính sách hỗ trợ định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến; trong đó chú ý cần gắn kết Quy hoạch phát triển du lịch xanh phù hợp với định hướng quy hoạch của tỉnh và Quy hoạch các ngành liên quan. Bên cạnh đó, ông Đinh Văn Thiệu đề nghị Sở Lao động -Thương Binh và Xã hội nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch; phát triển nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng lao động du lịch, tăng cường liên kết trong đào tạo; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương đáp ứng cho phát triển xanh và bền vững. Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thực hiện công tác chuyển đổi số, du lịch thông minh trong hoạt động du lịch; xây dựng Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch; thực hiện số hóa điểm đến du lịch; thực hiện xây dựng Bản đồ số Du lịch Khánh Hòa phục vụ phát triển du lịch xanh và bền vững. Các sở, ngành địa phương liên quan tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thống nhất về các mặt nhận thức, triển khai, ý thức… từ các cấp đến cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và khách du lịch trong phát triển du lịch xanh, bền vững.

XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM