10:07, 31/07/2015

Túc tắc... xe điện

Ngồi trên xe điện đang nhẹ lướt, cảm nhận Nha Trang qua góc nhìn của tài xế, chúng ta chợt nhận ra phố biển thân thương vô chừng...

Ngồi trên xe điện đang nhẹ lướt, cảm nhận Nha Trang qua góc nhìn của tài xế, chúng ta chợt nhận ra phố biển thân thương vô chừng...


Dạo phố bằng... xe điện


Nha Trang, buổi bình minh cuối tháng 7. Trời chớm thu mát dịu, không gian rạng ngời, mặt trời vừa dậy. Tôi đón bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (TP. Hải Phòng) và đồng nghiệp tại Khách sạn InterContinental với tinh thần sẵn sàng làm “hướng dẫn viên du lịch”. Tôi bất ngờ khi bạn đề nghị: “Trời đẹp quá! Hôm nay, mình du lịch bằng xe điện nhé!”. Chưa đến 5 phút sau, một cô gái trẻ mặc áo dài vàng duyên dáng lái chiếc xe điện màu xanh lá đỗ trước mặt khách. “Xin mời lên xe ạ!” - giọng nói nhẹ nhàng cùng nụ cười tươi của nữ tài xế Lê Thị Phượng (28 tuổi) khởi đầu cho một ngày mới thật dễ chịu.

 

Đón khách  với nụ cười tươi
Đón khách với nụ cười tươi


Dường như rành tâm lý du khách, Phượng lái xe êm ru trên đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng để các bạn tôi hưởng trọn không gian Nha Trang buổi sớm. Gió biển mát dịu. Cảnh vật xung quanh, nắng sớm làm óng thêm màu xanh của hàng cây và mấy hòn đảo gần bờ; lác đác vài người đi tắm biển, tập thể dục về muộn; xa xa có vài con thuyền nhỏ dập dềnh trở về sau chuyến câu đêm, mang theo vị mặn mòi của biển. “Thanh bình quá!”, nghe bác sĩ Thu Thủy thốt lên, Phượng dạ khẽ, rồi nhẹ nhàng giới thiệu thêm về con đường lấn biển, thói quen sinh hoạt buổi sáng của người dân Nha Trang. Phượng tiếp tục giới thiệu về đường Xóm Cồn và khu dân cư nơi đây, về tượng đài bác sĩ A. Yersin, Tháp Bà Ponagar, nhà thờ Đá, chùa Long Sơn, Chợ Đầm, chợ đêm... Cô cũng không ngại ngần chia sẻ kỷ niệm vui buồn và đam mê nghề nghiệp của mình.


Đã nhiều lần đến các điểm du lịch ở Nha Trang, nhưng chưa lần nào tôi đi xe điện và cảm nhận Nha Trang từ góc nhìn của một nữ lái xe cũng là người dân Nha Trang. Nha Trang trở nên vừa quen, vừa lạ, gần gũi, thân thiện, bình yên và tha thiết đến lạ.


Vui, buồn với nghề


Trần Thị Thanh Thảo (25 tuổi) có hơn 2 năm tuổi nghề dí dỏm: “Lái xe điện, buồn nhất là có điện mà không có khách, hoặc khi có khách lại hết điện...!”. Với “định mức” 70km sạc điện một lần, dù đã tính toán để chạy xe hợp lý nhất, tài xế xe điện vẫn phải hạn chế di chuyển xe và “thèm thuồng” nhìn cánh lái taxi chạy xe lòng vòng đón khách. Mùa mưa lại càng buồn hơn, có khi 2-3 ngày liền đậu xe ngoài quảng trường rồi về không; có đêm trời mưa ào ào, gió biển lồng lộng thổi, mái che xe điện chẳng ăn thua gì, tài xế ngồi co ro ở quảng trường chịu ướt và nhìn cảnh taxi tấp nập khách lên xuống. “Những lúc đó, mình thấy tủi thân lắm!”, tài xế Lê Thị Hương chia sẻ. Đó là chưa kể khi bị thủng lốp, tối muộn còn vật vờ trên đường...

Những nữ tài xế duyên dáng mang lại ấn tượng đẹp về du lịch Nha Trang.
Những nữ tài xế duyên dáng mang lại ấn tượng đẹp về du lịch Nha Trang


Áp lực với tài xế nữ còn ở thời giờ làm việc từ 7 giờ đến 11 giờ và từ 17 giờ đến 22 giờ. Gần 6 năm trong nghề, rất ít buổi tối Phượng được ở nhà ăn cơm và chơi với con, thường khi cô về nhà thì con đã say giấc nồng; dịp lễ, Tết lại càng bận. Cũng may, cô còn có cha mẹ giúp đỡ, lại có ông xã làm ngành Du lịch nên thông cảm, động viên. “Hơn 2 năm lái xe, chưa Tết nào em được ở bên gia đình trọn vẹn”, Hương bùi ngùi.


Cánh tài xế nam lại có những buồn, vui khác. Bùi Hoàng Tuấn Anh (39 tuổi) cho biết, 5 năm lái xe điện, anh có khá nhiều kỷ niệm quanh chuyện khách bị mất đồ. Có lần, vị khách đi xe bị rớt điện thoại xuống đường, anh đang cua xe lại nhặt thì 2 đối tượng phóng xe máy qua lượm mất! Thiết kế trống cửa vốn là ưu điểm của xe điện, nhưng cũng có lúc làm anh thót tim. Một lần, vị khách Ấn Độ ngồi trên xe giằng lại được giỏ xách bị giật, khiến 2 tên cướp quay lơ ngay trước xe điện rồi bỏ xe tháo chạy, anh phải dẫn khách đi trình báo, làm thủ tục tạm giữ xe máy, truy tìm hung thủ. “Nhớ lại lúc đối tượng té quay lơ ngay đầu xe mới thấy hú vía!”, Tuấn Anh nói.


Để thêm yêu thành phố


Hiện nay, đội hình lái xe điện có tới 70% là nữ nhưng vì yêu nghề, yêu thành phố nên họ chẳng ngại những khó khăn của nghề. Huỳnh Thị Xuân Sen (22 tuổi) cho biết, tuy vào nghề đúng mùa mưa nhưng Sen không nản vì cô trót thích lái xe từ khi học cấp 3. Sen khoe tin nhắn của một người khách nghỉ tuần trăng mật cùng vợ tại Nha Trang: “Cám ơn gia đình xe điện đã phục vụ gia đình anh chu đáo” và cho biết, vợ anh này còn kết bạn facebook với cô. “Điều đó khiến em yêu nghề vô cùng”, Sen nói với ánh mắt lấp lánh vui. Trần Thị Hồng Thắm (27 tuổi) cũng đồng tình: “5 năm lái xe, buồn vui cũng nhiều, nhưng chỉ cần nghe khách khen “giỏi quá, vừa biết lái xe, vừa biết làm hướng dẫn viên du lịch” là mọi ưu phiền đều quên hết”.

Khởi đầu một ca làm việc
Khởi đầu một ca làm việc


Tạm biệt chúng tôi, Phượng cười tươi tắn: “Đi nhiều, chịu nắng gió, bụi bặm, vừa chạy xe vừa giới thiệu thành phố nên cũng mệt. Nhưng cứ nghĩ mình đang góp phần tạo hình ảnh đẹp về du lịch Nha Trang, chúng tôi lại đam mê nghề nghiệp hơn”.


Được biết, Công ty Cổ phần Á Châu hiện đang quản lý đội xe điện với 12 chiếc xe màu xanh trắng xinh xắn, với tần suất trung bình 10 - 15 lượt/xe/ngày. Ngoài ra, hiện một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như: I-resort Nha Trang, Diamond Bay, Khu du lịch Yang Bay, Vinpearl... cũng có xe điện phục vụ, nhưng chỉ được đưa đón khách trong điểm du lịch của mình (trừ 4 xe của I-resort đưa đón khách từ trung tâm thành phố về I-resort và ngược lại). Đó là do xe điện của Công ty Cổ phần Á Châu đóng thuế như các xe thông thường và được phép chở khách trên những tuyến đường chính ở Nha Trang. Đại diện Công ty Cổ phần Á Châu cho biết, dự kiến, dịp lễ 2-9 tới, đội xe sẽ được bổ sung 8 chiếc với thiết kế theo lối cổ điển để phục vụ khách du lịch cao cấp và dịch vụ cưới hỏi.    

 

THIỀU HOA