10:08, 27/08/2014

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Với sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ và những thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử đang ngày càng trở nên hữu dụng trong phát triển kinh tế và đời sống, là xu hướng đầu tư của nhiều doanh nghiệp.

Với sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ và những thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng trở nên hữu dụng trong phát triển kinh tế và đời sống, là xu hướng đầu tư của nhiều doanh nghiệp (DN).


Lợi ích từ mạng Internet


Vào website agoda.com (trang web chuyên về đặt phòng khách sạn đảm bảo và đáng tin cậy), chúng ta có được kết quả gần 250 khách sạn tại tỉnh Khánh Hòa với thông tin giá phòng, chất lượng, số lượng phòng... Anh Hữu Linh - khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ, lần đầu tiên đi du lịch tại Khánh Hòa, anh đã vào trang agoda.com để tìm khách sạn và đặt phòng, rồi trả tiền qua mạng. Anh Linh cho biết: “Việc đặt phòng qua mạng có thể kiếm được phòng giá rẻ hơn so với giá đặt qua gọi điện trực tiếp hoặc vào khách sạn hỏi phòng. Đây là kinh nghiệm của nhiều người từng sử dụng dịch vụ này”. Bà Phạm Minh Đức Chánh - Phó Giám đốc Khách sạn Luxury Nha Trang cho biết: “năm 2011, chúng tôi đã lập trang web riêng và tham gia agoda. Qua các trang mạng uy tín như vậy, Khách sạn vừa đỡ tốn chi phí quảng bá, vừa nhanh chóng tiếp cận được khách hàng đặt phòng qua mạng. Đây như một đại lý bán hàng của các khách sạn (giá phòng mua qua đại lý có chiết khấu) nên thường xuyên  nhận được mức giá ưu đãi hơn việc đặt phòng trực tiếp”.


Lần đầu tới TP. Nha Trang, không biết quán cà phê nào để ngồi nhâm nhi, nhưng chỉ cần vài cú nhấp chuột với từ khóa “cà phê Nha Trang”, anh Trần Nhật Long - khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh - đã tìm thấy một vài địa điểm uống cà phê thú vị, giá cả cũng được đăng tải để khách hàng lựa chọn. “Với công cụ hỗ trợ của hệ thống chỉ đường, bản đồ điện tử, điện thoại 3G, ngày nay, nhiều người sử dụng những tiện ích của mạng internet để lựa chọn được dịch vụ và sản phẩm hợp lý qua mạng”, anh Long chia sẻ.


Với ưu điểm kinh doanh không biên giới, mọi lúc mọi nơi, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, giảm chi phí quảng bá sản phẩm..., nhiều DN đã tiếp cận và thu được thành công không nhỏ từ hình thức kinh doanh TMĐT. Ông Trần Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Anh Việt (TP. Nha Trang, chuyên sản xuất các loại lưới thể thao) cho biết, do Công ty có quy mô nhỏ nên không có kinh phí cho hoạt động quảng bá sản phẩm; vì vậy, năm 2002, ông đã xây dựng trang web. Thông qua trang web của Công ty, đã có nhiều khách hàng từ Lào Cai, Lạng Sơn, Bình Thuận... gọi điện tới đặt hàng. Thậm chí, khách hàng từ đất nước Iran xa xôi cũng đã biết và mua sản phẩm của Công ty qua mạng. “Số sản phẩm xuất cho những đối tượng khách hàng thông qua mạng internet chiếm đến 60% tổng lượng hàng bán ra hàng năm của Công ty”, ông Chiến nói.


Phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp


Kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-TTg của Chính phủ đã có những lộ trình, mục tiêu cụ thể, đặc biệt là mục tiêu xây dựng hệ thống TMĐT quốc gia rộng rãi và tiến hành áp dụng hình thức thanh toán bằng thẻ một cách phổ biến nhằm phát triển giao dịch TMĐT giữa DN và người tiêu dùng... Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương) cho rằng, khi các DN tiếp cận TMĐT, điều đầu tiên là xây dựng website riêng để DN thường xuyên cập nhật với những thông tin hữu ích; chú ý tạo phiên bản di động với các điểm chạm nhấn phù hợp khi tốc độ người sử dụng internet qua điện thoại ngày càng tăng... Khi khách xem trang web và chuyển thành người mua hàng, tức là đã thành công. “Hiện nay, các ban, ngành đang tích cực tuyên truyền những biện pháp cụ thể, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân và DN về TMĐT. Bên cạnh đó, có sự phối hợp liên ngành nhằm giám sát, thanh - kiểm tra để ngăn chặn những gian lận và phát huy lợi ích trong TMĐT”, ông Minh nói.


Ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sở đã phối hợp với Cục TMĐT và CNTT tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng trang web cho một số DN có sản phẩm địa phương tiêu biểu; vận động DN giới thiệu sản phẩm trên trang www.vncharm.com. Đây là giải pháp được Bộ Công Thương triển khai nhằm hỗ trợ DN phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối trên môi trường trực tuyến. Nếu TMĐT phát triển thì DN sẽ phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình và của tỉnh để phát triển thương mại; nâng cao sức cạnh tranh của DN, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của DN tỉnh nhà trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế”.


Hương Quỳnh