01:11, 02/11/2015

Giáo dục đào tạo cần gắn với nhu cầu thực tiễn

Về phương hướng, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực...

Giáo dục đào tạo cần gắn với nhu cầu thực tiễn


Về phương hướng, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực, tôi thấy dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ tính kế thừa, cụ thể hóa và phát triển tư tưởng Đại hội XI là phát triển giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao trí thức, nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều đó, theo tôi, Đảng, Nhà nước cần xác định rõ việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục không thể xa rời nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc đáp ứng nhu cầu việc làm cho sinh viên mới ra trường.


Đất nước phát triển, hệ thống giáo dục phát triển và ngược lại. Một đất nước có hệ thống giáo dục mạnh, mang tính toàn diện sẽ là cơ sở để tạo ra nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện cả nước có không ít trường đại học, cao đẳng đang tổ chức giảng dạy, đào tạo nhiều ngành học nhưng khi ra trường, sinh viên không tìm được việc làm. Thậm chí, nhiều sinh viên tốt nghiệp bằng khá, giỏi, khi ra trường làm việc trong các công ty tư nhân, đơn vị nhà nước... nhưng sau một thời gian thử việc lại bị nhận xét là không đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Không chỉ vậy, trong vấn đề giáo dục hiện nay của nước ta, việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng là điều nan giải. Tại một số trường đại học, cao đẳng, tình trạng thầy đọc, trò chép, học thuộc lòng trả bài... khiến sinh viên, học sinh trở nên thụ động, lười nhác trong việc tự tìm kiếm kiến thức, trau dồi, nâng cao kỹ năng phân tích, tổng hợp.


Đó cũng là lý do vì sao các sinh viên khi ra trường đi tìm việc làm được các nhà quản lý đánh giá là có kiến thức nhưng thiếu hụt các kỹ năng tư duy, làm việc nhóm. Do vậy, theo tôi, dự thảo văn kiện lần này bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, trong đó có bậc cao đẳng, đại học, cần bổ sung nội dung quy hoạch ngành nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để có định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế. Giáo dục đào tạo trong nhà trường bậc đại học, cao đẳng phải gắn liền với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, làm được như vậy sẽ tạo điều kiện giúp lực lượng trí thức trẻ có cơ hội phát huy năng lực của mình, xây dựng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị phát triển vững mạnh.


Nguyễn Đình Tuấn
(phường Phước Hải, TP. Nha Trang)

 




Quan tâm phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới


Nghiên cứu Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, tôi nhận thấy Đảng rất coi trọng việc xây dựng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới thông qua việc đánh giá lại tình hình thực hiện, đối chiếu những mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đạt được cũng như những yếu kém, tồn tại chưa được giải quyết một cách triệt để. Bởi, văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Văn hóa có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng lành mạnh, bền vững; có khả năng làm giàu thêm các nguồn lực, nhân lên gấp nhiều lần sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, song ở mặt trái của nó, nếu văn hóa bị lệch lạc, các giá trị văn hóa, nhân văn trở thành những công cụ, phương tiện để phục vụ cho lợi ích của một cá nhân, một nhóm người nào đó hay thậm chí là cái đích để chạy đua theo kiểu lấy thành tích thì những ảnh hưởng, tác động mặt trái của nó sẽ không dễ khắc phục.


Nhìn nhận một cách khách quan, hiện nay “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang đạt được những thành tựu nhất định trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khắp các tỉnh, thành trong cả nước, từ Trung ương đến địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, làng, bản, xóm, hộ gia đình, việc xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Qua phong trào này, nhiều gương điển hình tiên tiến ở các cá nhân, gia đình, tập thể, cơ quan, đơn vị được phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng, tạo hiệu ứng xã hội, góp phần nêu cao các giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng. Việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình là góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống và là điều tất yếu để xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh những gương điển hình, những giá trị nhân văn tốt đẹp cần được phát huy, nhân rộng, thực tế cho thấy vẫn có không ít mô hình chỉ mang tính hình thức, sáo rỗng. Không ít mô hình “tổ dân phố văn hóa”, “gia đình văn hóa”... hàng năm được công nhận, khen thưởng nhưng đâu đó vẫn tồn tại tình trạng người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng, vẫn xảy ra tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc...  


Do vậy, trong đại hội lần này, tôi mong Đảng, Nhà nước tập trung hơn nữa trong việc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cần được kiểm tra, rà soát, đánh giá theo những tiêu chí cụ thể, có khen thưởng nhưng cũng có những chế tài đối với những trường hợp sai phạm, chưa đủ điều kiện... Điều đó sẽ giúp đảm bảo xây dựng một xã hội công bằng, cầu tiến vì sự phát triển chung của đất nước.


Nguyễn Văn Nhã
(Cán bộ hưu trí, thị xã Ninh Hòa)