11:10, 20/10/2015

Xây dựng Nhà nước pháp quyền: Cần bắt đầu từ việc củng cố niềm tin vào công lý

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII đã đưa ra phương hướng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo nguyên tắc thống nhất.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII đã đưa ra phương hướng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo nguyên tắc thống nhất. Đây không phải là vấn đề mới nhưng để thực hiện một cách minh bạch, cần phải có sự quyết tâm và các giải pháp hiệu quả.


Có thể thấy, trên thực tế, việc phân định quyền hạn cũng như cơ chế kiểm soát lẫn nhau không chặt chẽ đã làm giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước rất nhiều. Việc xác định trách nhiệm giữa các cơ quan đôi khi chưa thống nhất, cách thức tổ chức còn nhiều chồng chéo nên hiệu quả không cao. Chẳng hạn trong lĩnh vực tư pháp, việc Tòa án xử các vụ án hành chính (là các quyết định của các cơ quan hành pháp) nhưng chính bản thân thẩm phán xét xử cũng liên quan rất nhiều trong hệ thống hành pháp (về mặt nhân sự, tổ chức, chế độ...) đó là chưa kể mối quan hệ về mặt tổ chức đảng. Chính vì thế, việc xét xử các vụ án hành chính đôi khi chưa phản ánh đúng công lý. Một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đó chính là hiệu quả từ việc thực thi pháp luật. Đặc biệt trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại. Luật pháp quy định rõ nhưng các thủ tục pháp lý nhiêu khê, không phải ai cũng nắm được. Có rất nhiều trường hợp về tranh chấp dân sự, kinh tế, đương sự chịu thiệt thòi vì sợ kiện cũng không được gì. Trong số các vụ kiện được Tòa án xét xử xong thì số án không thi hành được cũng không phải là nhỏ. Có nhiều nguyên nhân nhưng cái chính là pháp luật không nghiêm nên dẫn đến việc người dân tìm cách lách luật, chây ỳ còn xảy ra rất nhiều. Điều này khiến niềm tin vào pháp luật, vào công lý sẽ bị xói mòn.


Do đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền cần bắt đầu từ việc củng cố niềm tin vào công lý. Muốn làm được điều đó, cần phải nâng cao hiệu quả của pháp luật. Việc làm luật phải dựa trên thực tiễn cuộc sống, có tính khả thi. Lực lượng thi hành pháp luật phải công tâm phụng sự công lý. Cần có sự tách bạch một cách rõ ràng về mặt nhân sự giữa các ngành quyền lực để đảm bảo sự kiểm soát lẫn nhau được tốt hơn. Làm sao để pháp luật là công cụ quản lý nhà nước thực sự có hiệu quả.


Tin rằng với tinh thần cải cách tư pháp đã và đang được Đảng quan tâm chỉ đạo từ những năm qua, đại hội lần này tiếp tục có những định hướng cụ thể hơn để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.


Lê Minh
(Xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang)