11:10, 20/10/2015

Khắc phục những thiếu sót, kẽ hở trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng

Về phương hướng xây dựng con người Việt Nam, cần tập trung cho việc cụ thể hóa hệ những giá trị này thành những mẫu hình, chuẩn mực phù hợp với từng giới, từng ngành, địa phương, đơn vị, kết hợp sâu sắc giữa giá trị truyền thống tốt đẹp và giá trị mới.

Khắc phục những thiếu sót, kẽ hở trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng


Sau khi nghiên cứu dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, bản thân tôi có một số ý kiến góp ý như sau:


Về phương hướng xây dựng con người Việt Nam, cần tập trung cho việc cụ thể hóa hệ những giá trị này thành những mẫu hình, chuẩn mực phù hợp với từng giới, từng ngành, địa phương, đơn vị, kết hợp sâu sắc giữa giá trị truyền thống tốt đẹp và giá trị mới. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp cụ thể kiên quyết chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cần triển khai chương trình giáo dục văn hóa, giáo dục thẩm mỹ, nâng cao chất lượng giáo dục khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường, từ phổ thông đến đại học, bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, thiếu niên; nhấn mạnh tới 4 giá trị lớn mà văn hóa phải chăm lo nuôi dưỡng cho thanh niên là: lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, vẻ đẹp đạo đức, bản lĩnh văn hóa.


Đối với nội dung phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết loại bỏ những cản trở về thể chế và thủ tục hành chính đang có kẽ hở cho các hành vi sách nhiễu, tham nhũng. Thực hiện mạnh mẽ sự phân cấp trong hệ thống hành chính đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Nhanh chóng xây dựng quy định cụ thể để xử lý được ngay việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, tạm đình chỉ chức vụ của người có dấu hiệu tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.


Mặt khác, cần rà soát các quy định hiện hành, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, trước hết là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách, thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác tổ chức, cán bộ; quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Sớm hoàn thiện để đưa vào thực hiện Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để kiểm soát và phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, sớm thực hiện cải tiến chế độ tiền lương, phụ cấp, phấn đấu để cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương mức thu nhập khá trong xã hội, để họ yên tâm công tác. Có chế độ đãi ngộ tương xứng, đi kèm trách nhiệm rõ ràng đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng.


Đối với nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân: phải tăng cường tương tác giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội. Mở rộng đối thoại với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật. Mặt khác, đẩy mạnh phân cấp, phát huy chủ động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của cả hệ thống.


Trần Đình
(Đường 2-4, Nha Trang)


----------------------------------------------------------------------------------------------------------


Giảm tải kiến thức, tăng cường giáo dục thể chất


Nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị, tôi nhận thấy quyết tâm của Đảng trong vấn đề đổi mới giáo dục. Việc Đảng xác định nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn là hết sức sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên theo tôi, để đạt mục tiêu này, cần một sự nỗ lực lớn của toàn xã hội và đặc biệt phải có sự thay đổi tư duy về giáo dục một cách cơ bản từ cấp cao nhất.


Thứ nhất, ở tầm quản lý vĩ mô, cần xác định tư duy về giáo dục phổ thông không phải vì kiến thức cao siêu, vĩ mô mà chủ yếu là giúp học sinh phát triển toàn diện về sức khỏe, nhân cách, tính kỷ luật, biết tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và xã hội nói chung. Do đó, giáo dục thể chất cần phải đặt ngang hàng với giáo dục văn hóa, kiến thức. Yêu cầu khi học sinh tốt nghiệp phổ thông là đủ sức khỏe, đủ kiến thức cơ bản để có thể lao động các nghề nghiệp không đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao.


Ở các cấp dưới, cần phải giảm tải ngay các kiến thức hàn lâm trong sách giáo khoa. Chương trình chung được đặt ra ở mức phổ thông để học sinh nào cũng có thể đạt được. Việc học sau phổ thông cần loại bỏ hẳn việc thi tuyển mà chuyển sang hình thức ghi danh để học. Nhà trường chú trọng đến chất lượng đào tạo và chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình. Ở cấp học này, sinh viên phải tự nỗ lực nếu có đam mê học tập. Việc đánh giá đúng năng lực của sinh viên sẽ là yếu tố quan trọng để xác định về trình độ thực sự của người học. Điều này sẽ tạo ra một sự phân cấp lành mạnh về các vị trí cụ thể của các cá nhân trong xã hội.


Nguyễn Thị Hải (Tổ 4
Tháp Bà, Vĩnh Phước, Nha Trang)