11:10, 20/10/2015

Việc phát triển kinh tế vùng cần đánh giá đúng thực chất

Điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng là một nội dung trong việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế được nêu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Việc phát triển kinh tế vùng cần đánh giá đúng thực chất


Điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng là một nội dung trong việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế được nêu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Theo đó: “Quy hoạch phát triển ngành, vùng, sản phẩm được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm. Hỗ trợ phát triển vùng khó khăn, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và phía tây các tỉnh miền Trung. Phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu”. Tuy nhiên, cũng theo dự thảo: “Một số vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế chưa phát huy được vai trò đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế. Không gian phát triển nhiều mặt còn bị chia cắt theo địa giới hành chính. Thiếu thể chế tạo liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế”.


Theo tôi, việc đánh giá như trên còn mang tính chung chung. Dự thảo cần đi sâu phân tích, đánh giá đúng thực chất những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, trong phần phương hướng cần có những nhiệm vụ cụ thể để khắc phục những tồn tại hạn chế và cần bổ sung những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đó điều chỉnh, bổ sung những cơ chế chính sách mới mang tính đặc thù đủ mạnh. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào, tạo điều kiện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển ổn định, bền vững, chống tái nghèo nhằm từng bước thu hẹp khoảng cảnh giữa miền núi và đồng bằng.


Cao Văn Nhỡ (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn)
 


---------------------------------------------------------------------------------------------------------


Cần khắc phục những điểm yếu trong giáo dục


Giáo dục là quốc sách hàng đầu, được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Những năm qua, bên cạnh những thành tích đạt được, giáo dục cũng còn nhiều bất cập, yếu kém như: dạy và học còn chưa đi đôi với hành; kiến thức còn nặng về lý thuyết, giáo điều, kém ứng dụng; một bộ phận giáo viên có đạo đức không trong sáng; bệnh thành tích, bệnh hình thức trong giáo dục vẫn còn phổ biến; tình trạng chạy điểm, mua bằng, chạy trường, chạy lớp... tạo nên một bức tranh giáo dục còn tiêu cực. Chính vì thế, tôi mong muốn dự thảo nhấn mạnh thêm vấn đề chấn chỉnh các tệ nạn, tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.


Ngoài ra, tôi mong muốn dự thảo ghi nhận mục tiêu của giáo dục và đào tạo là hướng đến con người và hướng đến người học, làm sao để giáo dục và đào tạo xây dựng được thế hệ con người mới có đủ nhân cách đạo đức, đủ trình độ, phát huy hết khả năng của mình để cống hiến cho gia đình và xây dựng xã hội, đất nước ngày một tốt đẹp hơn.


Trương Thị Hà (tổ 2, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang)



----------------------------------------------------------------------------------------------------


Các nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá


Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đánh giá, tổng kết khá bao quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong 5 năm vừa qua (2011 - 2015). Đồng thời nêu rõ một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch, nguyên nhân tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Vì vậy, việc dự thảo đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó tăng trưởng GDP ở mức 6,5 - 7%, chỉ tiêu bội chi ngân sách không quá 4%, GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD, năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4 - 5%/năm là các chỉ tiêu tương đối phù hợp với tình hình thực tế của kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới.


Văn kiện đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, theo tôi là khá bao quát và mang tính đột phá. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 về kinh tế thể hiện khá đầy đủ các giải pháp cấp thiết để ổn định nền kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững và hội nhập mà cụ thể trước mắt là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Trong nhiệm vụ trọng tâm này đã đề cập đến vấn đề “cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”.


Theo tôi cần phải nói rõ đổi mới mô hình tăng trưởng như thế nào là phù hợp, không nên định hướng chung chung; cần phải định hình, định lượng rõ ràng và nêu các biện pháp để thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cho phù hợp nhất. Chẳng hạn như đề ra phương pháp: Tăng cường đầu tư theo chiều sâu đối với các yếu tố nguồn lực làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn; chú trọng và chuyển dịch cho thị trường nội địa, tăng cường huy động các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào ngành kinh tế trọng điểm hay cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...


AN NGUYỄN
(Phường Phương Sài, TP. Nha Trang)