07:10, 21/10/2015

Xác định rõ thực trạng giáo dục, đào tạo trước khi tiến hành đổi mới

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có phần V. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực.

Xác định rõ thực trạng giáo dục, đào tạo trước khi tiến hành đổi mới

 

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có phần V. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo (GD-ĐT); phát triển nguồn nhân lực. Dự thảo đánh giá tình hình rất thẳng thắn: “chất lượng, hiệu quả GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu, nhất là GD đại học, GD nghề nghiệp. Hệ thống GD-ĐT thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT”.


Nhận định này đúng nhưng chưa đủ, chưa bao quát hết thực trạng GD còn rất ngổn ngang hiện nay. Thiết nghĩ có đánh giá đúng thực trạng GD thì mới có thể xác định được cần phải đổi mới cái gì. Chính vì chưa có sự đánh giá để tìm đến cội nguồn những hạn chế nên xuất hiện tình trạng thời gian qua, mỗi khi có Bộ trưởng GD-ĐT mới lại có một số... đổi mới. Quan điểm “GD là quốc sách hàng đầu” dưới bàn tay thực hiện cụ thể của ngành GD-ĐT chỉ là khẩu hiệu trang trí.


Bức tranh GD sau bao nhiêu lần đổi mới là đây! Mỗi đời bộ trưởng là một lần đổi mới, cải cách... khiến cả xã hội vất vả chạy theo. GD phổ thông chương trình học ngày càng nặng nề, nhồi nhét. Sau bao nhiêu chủ trương “giảm tải” của Bộ GD-ĐT, chiếc cặp của học sinh chưa nhẹ bớt được bao nhiêu. Học sinh vẫn phải quay cuồng với học thêm, trở thành máy học, không có thời gian vui chơi và tập luyện thể thao. GD đại học thì với cơ chế xin - cho quá dễ dãi, hiện cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng. Việc mở trường mới với chất lượng đội ngũ giáo viên quá yếu nên nhiều trường không thể tuyển sinh trong năm học đầu tiên thí điểm kỳ thi 2 chung(!). Hệ thống dạy nghề ngày càng bị coi nhẹ dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ rất đáng ngại...


Để không còn tình trạng lấy con em của chúng ta ra thí điểm, thiết nghĩ Đảng phải xây dựng một mục tiêu và triết lý GD rõ ràng. Đó là GD-ĐT phải hướng đến xây dựng một thế hệ cân bằng giữa học văn hóa, thể chất và thực tiễn hoạt động xã hội. Với triết lý ấy, bất cứ những “sáng kiến” hay đề xuất cải cách, thí điểm... nào của ngành GD mà trượt ra khỏi mục tiêu này phải bị bật đèn đỏ ngay. Không thể để tình trạng nay vị bộ trưởng này đổi mới sách giáo khoa, mai có vị bộ trưởng đổi mới cách thi cử, rồi vị bộ trưởng sau lại đề xuất đổi mới cách đánh giá học sinh... Học sinh không phải là đối tượng để thí nghiệm!


Kiên trì với mục tiêu ấy, ngành GD hãy nên chọn mô hình GD của các quốc gia phát triển, tiên tiến trên thế giới để học hỏi và áp dụng: Một bộ sách giáo khoa có cấu trúc và trình độ tương đương thế giới, đâu cần phải nhồi nhét đủ loại kiến thức, đủ loại môn mà phần lớn không phù hợp với các đối tượng học; một cách thức thi tuyển tương đồng với các nước; giá trị văn bằng cũng tương đương được các nước công nhận.


THỦY NGÂN

---------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông


Những năm qua, hạ tầng giao thông trong cả nước có những bước phát triển vượt bậc, nhất là giao thông đường bộ. Các tuyến đường huyết mạch đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, ngày càng hiện đại, tạo sức bật, sự kết nối để phát triển kinh tế vùng, miền. Qua đó, người dân được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông nên việc đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong những năm tới, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sự đồng bộ.


Cụ thể, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc nêu rõ, trong 5 năm tới cần đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm là: hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối các trung tâm kinh tế lớn và các trục giao thông đầu mối. Đây thực sự là một chủ trương đúng đắn, có tính chiến lược lâu dài; bởi giao thông luôn đi trước một bước, là nền tảng để kinh tế - xã hội phát triển.


Theo tôi, trước hết muốn làm được điều này cần quy hoạch lại toàn bộ chiến lược phát triển ngành Giao thông trong 5 năm tới. Đồng thời, chỉ ra được các giai đoạn phát triển và có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên việc gì làm trước, việc gì làm sau. Quan trọng nữa là thứ tự ưu tiên đầu tư và nguồn đầu tư. Những năm gần đây, nhiều công trình giao thông thu hút đầu tư khá đa dạng về hình thức, một trong số đó là xã hội hóa. Chính hình thức đầu tư này đã mang lại nhiều khởi sắc cho hệ thống giao thông cả nước. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp lớn có tiềm năng, thế mạnh, đủ năng lực tài chính để sớm hoàn thiện các công trình giao thông, điển hình như Quốc lộ 1A. Cùng với đầu tư, xây dựng là công tác quản lý hạ tầng giao thông, bảo trì bảo dưỡng cũng cần được quan tâm một cách đúng mức. Ngành Giao thông cần tăng cường các biện pháp đảm bảo giao thông thông suốt, tránh tình trạng ùn tắc, đường hư hỏng xuống cấp mà không được sửa chữa kịp thời; quản lý chặt ngay từ khâu đầu tư.


Ngoài ra, tôi nghĩ ngành Giao thông cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác như Công an để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân.


Nguyễn Thị Mai (Vĩnh Hải, Nha Trang)
    
 

---------------------------------------------------------------------------------------------------

 


Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân


Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng XII nêu rõ: “Cần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tôi thực sự tâm đắc với chủ trương này, đây chính là “lấy dân làm gốc”, người dân làm chủ

.
Để thực hiện tốt những điều này, tôi nghĩ đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Có như vậy thì đất nước mới phát triển mạnh mẽ, mới phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dân khó ở đâu, vướng việc gì, cần điều gì chính đáng thì Nhà nước mà trực tiếp là các cơ quan hữu quan phải kịp thời giải quyết, đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân. Cùng với đó, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” cần đi vào thực tiễn hơn nữa, có chiều sâu.


Thiết nghĩ, làm được những việc đó, lòng tin của nhân dân với Đảng sẽ ngày càng được tăng cường, củng cố. Người dân sẽ tự nguyện thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Và điều quan trọng nữa là người dân cảm thấy mình thực sự làm chủ, tích cực tham gia xây dựng gia đình, quê hương, đất nước.


Bên cạnh đó, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước cũng cần phải đổi mới, tăng cường. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện tốt công tác dân vận, để nhân dân thấy được hiệu quả thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể. Nhất là đối với công tác dân vận tại địa bàn miền núi, hải đảo, những nơi đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời tham gia, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.


Nguyễn Tuấn Hải
(Vĩnh Phước, Nha Trang)