06:10, 21/10/2015

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch

Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã mở ra bức tranh tổng quát của nền kinh tế - xã hội nước nhà trong 5 năm qua, vạch ra hướng đi rõ ràng, cụ thể cho những năm tới.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch


Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã mở ra bức tranh tổng quát của nền kinh tế - xã hội nước nhà trong 5 năm qua, vạch ra hướng đi rõ ràng, cụ thể cho những năm tới.


Là người từng nhiều năm công tác trong ngành du lịch, tôi rất phấn khởi với kết quả đạt được của ngành du lịch trong 5 năm qua. Tuy nhiên, trong phần chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, dự thảo chỉ ghi: “Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%”. Nên chăng, dự thảo đưa thêm chỉ số cụ thể đối với kinh tế du lịch. Bởi ngay ở phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, dự thảo cũng nêu rõ chủ trương: “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Để làm được điều này, dự thảo cũng đưa ra các giải pháp như: “Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn, an ninh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và gìn giữ vệ sinh môi trường. Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao”. Theo tôi, những giải pháp trên là đúng và cần thiết đối với việc thúc đẩy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành kinh tế du lịch. Tuy nhiên, dự thảo nên bổ sung thêm nội dung nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Bởi yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực. Nguồn nhân lực ở đây bao gồm cả nguồn nhân lực có trình độ cao lẫn những người làm công việc phục vụ tại các cơ sở dịch vụ du lịch. Tất cả đều phải được đào tạo bài bản, vững về chuyên môn, thể hiện được sự chuyên nghiệp trong công việc.


Bên cạnh đó, trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đồng nghĩa với việc thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều lao động từ các nước trong khu vực, trên thế giới đến Việt Nam làm việc. Ngành du lịch được dự đoán là ngành sẽ chịu sức ép trực tiếp từ vấn đề này. Vì vậy, để có thể cạnh tranh và không bị mất việc ngay trên sân nhà, những người làm du lịch nhất thiết phải có trình độ ngang hoặc cao hơn những lao động di cư.


Phan Văn Long (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang)

 

----------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Phải có bước đột phá, đổi mới công tác tổ chức cán bộ


Sau khi nghiên cứu dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, tôi có một số ý kiến góp ý như sau:


Về xây dựng Đảng, văn kiện cho rằng, sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” bắt nguồn từ việc lâu nay buông lỏng quản lý đảng viên, dẫn đến sức mạnh của từng chi bộ, từng đảng viên không được phát huy. Sức mạnh của Đảng không phải ở con số đảng viên đông, mà là ở chất lượng đảng viên. Chính vì vậy, thời gian tới, Đảng cần có nhiều giải pháp để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên... Một trong những giải pháp hiệu quả là khi phát hiện những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu hoặc vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì cần xử lý công minh, chính xác, kịp thời, tránh xử lý hình thức hoặc “giơ cao đánh khẽ”...    


Trong 5 bài học của 30 năm đổi mới mà dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu, có bài học về “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước”. Vấn đề này là một trong những yếu tố sống còn, quyết định sự hưng thịnh của Đảng, của đất nước. Để làm được điều này, Đảng phải có bước đột phá, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, thu hút và tạo điều kiện cho người có tài, có đức vào làm việc ở cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể xã hội.


Ngoài ra, xây dựng chiến lược quốc gia nguồn nhân lực cần phải xây dựng ở từng ngành trong tổng thể các ngành, gắn chặt với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, cần có chiến lược cụ thể, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh.


Trần Thanh Hùng (tổ 3, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang)
 

 

----------------------------------------------------------------------------------------------------------


Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân


Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII ghi nhận việc coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây là việc làm đáng quan tâm. Nhiều năm qua, công tác y tế đã có nhiều tiến bộ nhưng cũng có những hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu phục vụ người bệnh. Nhiều cơ sở y tế xuống cấp, vệ sinh kém; đội ngũ y tế có lúc quá tải, một bộ phận có hiện tượng tiêu cực. Đội ngũ này cần phải được đào tạo bài bản, có chính sách ưu đãi thích đáng để họ yên tâm công tác.


Theo tôi, nước ta nên chú ý phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, coi đây là công tác hàng đầu. Việc chăm sóc sức khỏe phải bắt đầu từ việc quản lý tốt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng dùng nhiều chất cấm trong chăn nuôi, trong chế biến thực phẩm, nuôi trồng đều phải được Nhà nước kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý triệt để các hành vi vi phạm để không ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Người dân không an tâm trước những thông tin về heo tăng trọng, rau giá có thuốc, sản phẩm chế biến sẵn có phụ gia độc hại...; cũng không thể kiểm soát và tự bảo vệ mình. Do đó, người dân mong muốn Nhà nước phải có các giải pháp cụ thể, nhanh chóng và thiết thực để bảo đảm sức khỏe nhân dân.


Hồng Anh (thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang)

 

----------------------------------------------------------------------------------------------------------

 


Phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, học đi đôi với hành 

 
Nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, tôi nhận thấy dự thảo đã đề ra những định hướng chiến lược nhằm đạt được mục tiêu đổi mới căn bản nền giáo dục, hướng tới tạo ra những sản phẩm giáo dục chất lượng.


Theo tôi, chỉ có phát triển giáo dục và đào tạo mới nâng cao được dân trí, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vì vậy, dự thảo cần cụ thể hơn trong việc đẩy mạnh quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Song song đó, cần thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT để các em có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và đúng với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Đồng thời, gắn với việc giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống và lịch sử cho thiếu niên, nhi đồng... Ngoài ra, phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Về vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người, văn kiện cần chú trọng đến phát triển văn hóa trong học sinh, sinh viên. Trong phương hướng về giáo dục, cần chỉ rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ sinh viên mạnh về chất xám, có đạo đức, có lý tưởng cộng sản. Khi được quan tâm, bồi đắp đạo đức, định hướng về lý tưởng một cách đúng đắn thì đội ngũ này sẽ có thêm hiểu biết, kỹ năng, từ đó thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu khoa học để góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.


Nguyễn Đình Toàn (sinh viên Trường Đại học Nha Trang)