11:10, 20/10/2015

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII

L.T.S: Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các đại biểu đã tập trung thảo luận và góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Báo Khánh Hòa trích đăng các ý kiến về một số nội dung.

L.T.S: Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các đại biểu đã tập trung thảo luận và góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Báo Khánh Hòa trích đăng các ý kiến về một số nội dung.



Vấn đề thứ nhất: Về bối cảnh trước và sau Đại hội XI


Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ hơn về bối cảnh trước, sau Đại hội. Trong đó, cần chú trọng đánh giá nguyên nhân chủ quan, những sai lầm trong điều hành kinh tế vĩ mô, ví dụ như: cho phát triển ồ ạt ngân hàng tư nhân; đầu tư quá lớn cho khu vực kinh tế quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước hoạt động không có hiệu quả, gây thiệt hại lớn; cấp quá nhiều giấy phép và quản lý lỏng lẻo làm thất thoát tài nguyên.


Đề nghị bổ sung thêm phần đánh giá về chính sách công nghiệp của đất nước, sự phát triển nhảy vọt của khoa học, công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và vấn đề toàn cầu hóa trong sản xuất trên thế giới; ảnh hưởng của suy giảm kinh tế; việc triển khai chính sách công nghiệp trong nhiệm kỳ không đạt mục tiêu, chưa ngang tầm với nhu cầu thực tiễn và ảnh hưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế.  
Vấn đề thứ 2: Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và phản ánh sát đúng với thực tiễn chưa?


Báo cáo đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém tương đối đầy đủ và phản ánh sát với thực tiễn. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm hạn chế, yếu kém như: Về kinh tế vĩ mô “Việc triển khai chính sách người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam hiệu quả chưa cao, giải pháp kích cầu trong nước chưa hiệu quả; tình trạng buôn lậu còn diễn biến phức tạp”; “Trong những năm qua, công tác quản lý, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa tốt, chưa thật sự là đầu tàu của nền kinh tế”. Về kinh tế phục hồi “Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước (90 - 91) làm ăn kém hiệu quả”. Về thực hiện các đột phá chiến lược “Trong thực hiện 3 bước đột phá chiến lược, đầu tư hạ tầng còn dàn trải, thiếu tập trung, kém hiệu quả”. Về công tác giáo dục: “Tư duy chiến lược giáo dục chưa thể hiện được sự đổi mới đồng bộ và nhất quán, cụ thể về nội dung và chương trình giáo dục; nội dung còn thể hiện chắp vá, việc kiểm tra, đánh giá trong công tác thi cử còn nhiều lúng túng, hiệu quả đào tạo còn thấp”.


Một số ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hơn các vấn đề sau:


- Hạn chế, yếu kém thứ 5, nên viết lại như sau: “Phát triển văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế”.


- Hạn chế, yếu kém thứ 6, đề nghị viết lại như sau “Công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, việc khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn nước còn lãng phí; chưa khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có”.


- Hạn chế, yếu kém thứ 7, đề nghị bổ sung thêm kết quả việc tinh giản biên chế. Vì thực tiễn nhiệm kỳ qua cho thấy, mặc dù đã có chủ trương tinh giản biên chế song ở nhiều nơi, biên chế vẫn tăng thêm, bộ máy cồng kềnh nhưng hiệu quả không cao; đề nghị bổ sung đoạn “chưa phân định rõ vốn nhà nước và quyền kinh doanh của các doanh nghiệp, quyền kinh doanh tự chủ của các tập đoàn kinh tế nhà nước dẫn đến phát sinh lợi ích nhóm, gây thất thoát ngân sách” vào sau câu “... một số văn bản pháp luật ban hành còn chậm...”.


- Hạn chế, yếu kém thứ 8, đề nghị viết lại như sau: “Chưa có chính sách phân định quản lý tài nguyên giữa quốc phòng và dân sự; thiếu cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mô hình công nghiệp lưỡng dụng dẫn đến lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội”.


- Hạn chế, yếu kém thứ 9, đề nghị bỏ đoạn từ “Nhận thức về kinh tế thị trường... chưa đủ rõ và còn khác nhau”.


Vấn đề thứ 3: Những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân nào cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội?


Một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên nhân cơ bản cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như: Chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, công tác kiểm tra chưa thường xuyên và chặt chẽ. Nguồn nhân lực chưa cao, chưa tổng hợp được sức mạnh của toàn dân, đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực của các doanh nhân và doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhiều mặt còn hạn chế. Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, chưa cụ thể; chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả không cao, chủ yếu là phòng chứ chưa chống tham nhũng. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao, còn để khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người.


Vấn đề thứ 4: Để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các quan điểm phát triển trong dự thảo Báo cáo thể hiện rõ và phù hợp chưa?


Một số ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung cụm từ “theo hướng”, trong câu: “Xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại,...” để có sự thống nhất; cụm từ “môi sinh, bảo vệ di tích, thắng cảnh và địa lý tự nhiên”, trong câu: “Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường - môi sinh, bảo vệ di tích, thắng cảnh và địa lý tự nhiên, chủ động...” và có ý kiến cho rằng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động đặc thù giữa phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng và doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.


Vấn đề thứ 5: Mục tiêu tổng quát trong dự thảo Báo cáo bảo đảm tính bao quát và khả thi chưa? Việc xác định tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có phù hợp với thực tiễn thời gian tới không?


Đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Báo cáo. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng nhiều chỉ tiêu cụ thể đề ra là cao, khó thực hiện trong điều kiện vừa phải phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, vừa phải nâng cao chất lượng tăng trưởng; không đưa chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể, mà chỉ đưa mục tiêu phấn đấu.


Vấn đề thứ 6: Đề nghị cho ý kiến về các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, môi trường


- Hầu hết các ý kiến nhất trí với việc xác định các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, môi trường. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu: Về kinh tế: “tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm” là cao, chưa sát thực tiễn xu hướng phát triển của đất nước hiện nay, gây áp lực đối với các địa phương, bởi trong nhiệm kỳ qua, mức tăng trưởng bình quân cả nước mới đạt gần 6%, cho nên nhiệm kỳ tới chỉ nên đề ra chỉ tiêu 6 - 6,5% là phù hợp. Về xã hội: tăng chỉ tiêu “có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân”. Bổ sung thêm chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông vì đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc hiện nay gây nhiều hậu quả nghiêm trọng và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cho người dân. Về môi trường: “đến năm 2020, 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%” là cao; ngoài ra, có ý kiến đề nghị điều chỉnh “Tỷ lệ che phủ rừng đạt 50 - 55%”.


Vấn đề thứ 7: Cho ý kiến về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu


Đa số ý kiến đồng ý dự thảo Báo cáo và một số ý kiến đề nghị bổ sung về cơ cấu lại nông nghiệp, thêm giải pháp về giống, ngoài ra còn cần thiết nghiên cứu tạo ra những giống ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; về xây dựng nông thôn mới, việc “khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện của từng vùng và đặc điểm từng sản phẩm”, để thực hiện chủ trương này cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cần xem xét việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia mới dành cho các xã đã được công nhận.


Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung như sau:


- Về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, có ý kiến đề nghị “tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới từ đạt 50%” điều chỉnh xuống đạt 40% là hợp lý, vì hiện nay cả nước chỉ đạt 20%.


- Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị, để huy động hiệu quả nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cần phải có cơ chế thông thoáng về các thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi vay,... để thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia.


- Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, cần chú trọng đội ngũ nhà giáo có chuyên môn, có tâm, có tầm và đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đào tạo, dạy nghề với chiến lược dài hạn để xây dựng đội ngũ công chức, chuyên gia, công nhân... có chất lượng cao. Thực hiện tốt các chính sách thu hút nhân tài và tạo mọi điều kiện vật chất, tinh thần để phát huy tối đa sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ có mục tiêu đến năm 2020 đạt trình độ nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, cần xác định rõ hiện nay công nghệ của nước ta đang ở đâu và xác định mốc đến để đạt được việc đó.


- Về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đề nghị bổ sung các ý như: Tiếp tục duy trì và củng cố các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế nhằm duy trì và củng cố thành quả đã đạt được trong những năm qua như: tiêm chủng mở rộng, phòng, chống sốt rét, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Chú trọng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các tuyến y tế cơ sở. Có biện pháp chế tài để hạn chế các biểu hiện xuống cấp của văn hóa, xã hội như: coi thường luật pháp, thuần phong mỹ tục, văn hóa ứng xử..., các tệ nạn xã hội (nhất là giới trẻ). Tích cực tuyên truyền trong nhân dân xóa bỏ những lễ hội không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân nhất là vùng sâu, vùng xa. Đổi mới hơn nữa cơ chế tài chính đối với ngành Y tế. Nâng cao năng lực, đầu tư cơ sở hạ tầng ngành Y tế để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.


- Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đề nghị tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đến mọi người dân. Công tác quản lý, bảo vệ rừng phải là sự nghiệp của toàn dân. Có chính sách khuyến khích nhân dân có đủ điều kiện và khả năng thực hiện công tác quản lý và bảo vệ rừng.


- Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, một số ý kiến cho rằng, thực trạng tiêu cực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu cực, tham nhũng, vụ lợi cá nhân đã và đang diễn ra khá tinh vi, phức tạp, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Do đó, về giải pháp phải đổi mới hơn nữa công tác cán bộ, tăng tính công khai, minh bạch và cần phải xây dựng cơ chế giám sát của dân, khuyến khích mở rộng sự giám sát thật sự của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo niềm tin để họ mạnh dạn đấu tranh, tố giác người vi phạm.


- Về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đề nghị bổ sung các ý: có biện pháp quyết liệt để chống hình thành lợi ích nhóm; có chế tài cụ thể trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước.


- Về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, đưa ra các giải pháp tăng cường các mối quan hệ, giao lưu thương mại với các nước trên thế giới, tránh tập trung vào một số nước; giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, tăng cường mối bang giao quan hệ, hợp tác kinh tế với các thị trường mới, khu vực mới trên thế giới.


Một số kiến nghị của địa phương đối với Trung ương:


- Đề nghị Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa các dịch vụ công; sớm triển khai chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, công chức làm việc; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình tinh giản biên chế.


- Ngoài phân cấp của Trung ương, cần giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương được phép hình thành các cơ chế chính sách trong một phạm vi nhất định để chính quyền địa phương chủ động phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực tăng trưởng cho từng địa phương.