07:02, 10/02/2013

Một thời đam mê cùng trái bóng

Cho đến nay, các cầu thủ của đội bóng đá tỉnh Phú Khánh (cũ) vẫn luôn tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo đội tuyển. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại, lứa cầu thủ đầu tiên của bóng đá tỉnh nhà vẫn còn giữ nguyên những thước phim sống động về niềm đam mê cùng trái bóng.

Cho đến nay, các cầu thủ của đội bóng đá tỉnh Phú Khánh (cũ) vẫn luôn tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo đội tuyển. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại, lứa cầu thủ đầu tiên của bóng đá tỉnh nhà vẫn còn giữ nguyên những thước phim sống động về niềm đam mê cùng trái bóng.

Niềm đam mê bóng đá

Những ngày đất nước mới giải phóng, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cả nước còn nhiều thiếu thốn. Bóng đá là một trong số các môn thể thao ít cần đầu tư nên có điều kiện phát triển. Ở Phú Khánh ngày ấy, tại các địa phương như: Diên Khánh, Nha Trang, Cam Ranh..., chỉ cần ở đâu có một khu đất trống, một quả bóng bằng nhựa độn rơm hoặc bằng ruột bóng bơm căng thì dù đường sá có xa xôi đến đâu, các cầu thủ chân đất cũng tìm đến, tự chia thành đội bóng để tranh cao thấp. Đó chính là tiền đề để bóng đá tỉnh nhà xuất hiện các cầu thủ tài năng như: Dương Quang Hổ, Hoàng Minh Tần, Phạm Ngọc Hùng, Bùi Anh Thơ, Đào Nguyên Bảo... Ông Nguyễn Văn Chiến - hậu vệ đội bóng Phú Khánh nhớ lại: “Hồi đó không có điều kiện sân bãi tập luyện, không có huấn luyện viên đào tạo bài bản như bây giờ. Mỗi lần muốn đi đá bóng, tôi phải đạp xe 10 - 15km đến Thành (Diên Khánh), Đồng Bò hoặc đón đò qua Vĩnh Lương (Nha Trang) để chơi. Chúng tôi đến với bóng đá một cách tự phát, bằng niềm đam mê, rồi sau đó tập hợp lại thành một đội thi đấu với nhau”.

1
Đội bóng Thanh niên Nha Trang (năm 1975) trong trận đấu với đội thanh niên Quy Nhơn

Ông Chiến cũng như những thanh niên xứ Trầm ngày ấy tâm niệm, được đứng ở sân vận động 19-8 Nha Trang, khoác chiếc áo của đội tuyển Thanh niên Nha Trang, đội bóng Phú Khánh... để thi đấu cho hàng trăm khán giả đến xem là một niềm hạnh phúc. “Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác lần đầu tiên được khoác áo đội bóng Thanh niên Nha Trang trong trận đấu với đội Thanh niên Quy Nhơn. Lúc đó, sân vận động không có ghế ngồi như bây giờ. Tuy các trận đấu diễn ra vào buổi trưa nhưng khán giả đến xem rất đông. Vì vậy, khi cầu thủ được vào sân thi đấu, trong lòng hào hứng, phấn khởi không gì tả được” - ông Chiến nói.

Ký ức đẹp

Trong các thế hệ cầu thủ bóng đá ở Phú Khánh ngày ấy, có thể kể đến cái tên Dương Quang Hổ - tiền đạo có vóc người nhỏ nhưng lại rất “bén duyên” với bàn thắng. Đây cũng là cầu thủ đầu tiên của xứ Trầm Hương được vinh dự góp mặt vào thành phần đội tuyển quốc gia Việt Nam (từ năm 1982). Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống đam mê bóng đá (hai người anh chơi bóng trong đội tuyển Phú Khánh là Dương Quang Vinh, Dương Quang Long), Dương Quang Hổ đã sớm thể hiện được năng khiếu chơi bóng của mình. Chính vì vậy, 19 tuổi, Dương Quang Hổ đã được ông Đặng Ngọc Dung - Huấn luyện viên đội bóng Phú Khánh 1 gọi vào đội tuyển (năm 1976) và bố trí đá tiền đạo. Giờ đây, mặc dù tuổi đã ngoài 50, ông Dương Quang Hổ vẫn nhớ như in về một thời đam mê, hoài bão với bóng đá: “Hồi đó, tuy đời sống cầu thủ rất khó khăn, vất vả, ăn không no, lương không có... nhưng lại rất vui. Các cầu thủ chỉ tập trung tập huấn 3 tháng để chuẩn bị cho giải đấu. Kết thúc giải, ai ở địa phương nào thì về đó để chơi bóng đá phong trào. Đến năm 1979, toàn đội mới được tập hợp về ở tập trung tại khu nhà 2 tầng thuộc khu Trung tâm Quần vợt tỉnh bây giờ. Theo chế độ, hàng tháng, cầu thủ được nhận lương 36 đồng và 21kg gạo để gửi về nhà. Mỗi lần thi đấu ở các tỉnh thành khác, toàn đội phải di chuyển bằng loại xe thùng cũ nát (xe tân trang của chế độ cũ để lại). Do giải A1 có quy định các đội bóng không được thi đấu trên sân nhà nên đội phải di chuyển khắp nơi từ Nam ra Bắc. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 2 đến 3 tháng, trên xe chở đủ các loại nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hàng ngày của cả đội”.

NhownHaauj vệ thép một thời của đội bóng Phú Khánh - cựu cầu thủ Nguyễn Văn Chiến (trái) ôn lại những kỷ niệm xưa với đồng đội
Hậu vệ thép một thời của đội bóng Phú Khánh - cựu cầu thủ Nguyễn Văn Chiến (trái) ôn lại những kỷ niệm xưa với đồng đội

Tuy khó khăn là vậy, song các cầu thủ của đội bóng ngày ấy không hề than phiền bất cứ điều gì. Tất cả chỉ có niềm đam mê đá bóng, vì màu cờ sắc áo của quê hương. “Hồi đó, mỗi khi thi đấu, các cầu thủ đều rất quyết tâm. Mỗi bước chạy của cầu thủ trên sân đều mang theo cả niềm đam mê, nhiệt huyết”, ông Dương Quang Hổ chia sẻ.

Giai đoạn 1976 - 1979, cả nước chưa có giải vô địch quốc gia. Ở mỗi miền tổ chức một giải riêng biệt cho các đội bóng tranh tài như: miền Bắc có giải Hồng Hà, miền Trung có giải Trường Sơn và ở miền Nam là giải Cửu Long. Sau đó, các đội chia bảng đá vòng loại với nhau để chuẩn bị cho giải hợp nhất 3 miền với tên gọi giải hạng A1 toàn quốc. Ông Chiến cho biết: “Ngày ấy, bóng đá Phú Khánh rất nổi tiếng với lối đá kỹ thuật. Các tiền đạo đội Phú Khánh như: anh Chà (tên thường gọi của tiền đạo Dương Quang Hổ), anh Hùng (Phạm Ngọc Hùng) chơi rất hay nên đi thi đấu ở đâu cũng được rất đông khán giả đến xem và cổ vũ”. Từ năm 1980 - 1989, đội bóng Phú Khánh vẫn giữ được thành tích thi đấu tốt, đứng vững ở hạng A1 cho đến khi tỉnh Phú Khánh được tách thành 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Rồi bóng đá Việt Nam bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới. Bóng đá chuyên nghiệp được manh nha hình thành. Ở mùa giải hạng A1 năm 1989, cả nước có đến 32 đội tham dự, được chia làm 3 bảng thi đấu với mục tiêu sau giải đấu, các đội sẽ được phân làm 3 hạng gồm: 18 đội xuất sắc nhất giải được thăng lên hạng các đội mạnh (tương đương V-League bây giờ), 11 đội ở nhóm cuối ở lại hạng A1 (tương đương giải hạng Nhất) và 3 đội xuống hạng A2. Từ khi tái lập tỉnh, đội bóng Phú Khánh (cũ) cũng bị chia tách lực lượng nên sau này không còn đủ lực. Vì thế, bóng đá chuyên nghiệp Khánh Hòa rơi vào tình trạng sa sút cho đến khi Tổng Công ty Khánh Việt đưa đội bóng lên V-League năm 2003.  

AN NHIÊN