02:02, 10/02/2013

Tết con rắn… kể chuyện săn rắn

Từ khoảng giữa tháng 10 đến Tết âm lịch, sau những cơn mưa, các loài rắn tìm đến sông suối, nơi có nguồn nước và thức ăn dồi dào để ẩn mình, lột da. Đây cũng là lúc những người bắt rắn ở Diên Khánh (Khánh Hòa) vào mùa săn rắn.

Từ khoảng giữa tháng 10 đến Tết âm lịch, sau những cơn mưa, các loài rắn tìm đến sông suối, nơi có nguồn nước và thức ăn dồi dào để ẩn mình, lột da. Đây cũng là lúc những người bắt rắn ở Diên Khánh (Khánh Hòa) vào mùa săn rắn.

1
Một con rắn lãi đã bị chiếc móc sắt khóa chặt trên cành cây.

Theo dấu chân thợ săn   

1
Con rắn lãi khoảng 0,5kg đã nằm gọn trong tay thợ săn tên Công

Nhờ một người quen ở xã Diên Lộc nài nỉ mãi, tôi mới được nhóm bạn săn rắn của anh Nguyễn Nghĩa (xã Diên Lộc) cho đi cùng. Người săn rắn rất ít khi đi một mình mà rủ nhau đi theo nhóm vài ba người, vừa ngừa rủi ro vừa thuận lợi cho việc bắt rắn. Trước khi đến Hòn Gia Lữ (xã Diên Thọ), thấy tôi có vẻ lóng ngóng, Tý - bạn săn của anh Nghĩa dặn: “Nhớ đi giữ khoảng cách, đừng thấy rắn hoảng quá mà bỏ chạy”. Theo giải thích của Tý, do rắn bị săn quá nhiều nên rất nhát, chỉ thấy động đôi chút là trườn ngay; hoặc khi gặp rắn hổ chúa, nếu không bình tĩnh sẽ bị chúng tấn công phủ đầu, rất dễ thiệt mạng.

1
Nhóm thợ săn chuẩn bị dụng cụ bắt rắn.

Đêm trước mưa lác đác, sáng ra mặt trời vừa ló dạng, chúng tôi đã đặt chân đến Hòn Gia Lữ. Men theo con suối nhỏ đi sâu vào núi, cả nhóm bắt đầu hành trình săn rắn. Anh Nghĩa phân công Tý lội dưới suối để quan sát nhằm phát hiện rắn, còn anh và một người tên Công đi 2 bên trên bờ, vừa quan sát vừa hỗ trợ bắt mỗi khi Tý phát hiện rắn. Hơn 1 giờ đồng hồ len lỏi trong những lùm cây ven suối, cả nhóm vẫn chưa phát hiện được chú rắn nào. Vừa đi, anh Nghĩa vừa lẩm bẩm: “Mới mưa xong, trời hửng nắng thế này mà chả có con nào ra phơi. Chán thật!”. Vừa dứt lời, ở dưới suối Tý cất giọng: “Có con rắn lãi đang phơi mình trên cành cây nhưng chỉ to bằng ngón tay cái, có bắt không?”. “Lớn bé gì cũng bắt, có còn hơn không” -  Nghĩa đáp lại. Nghe thế, Tý đưa cây móc sắt lên nhằm vào giữa thân con rắn giật mạnh. Con rắn dài gần mét rơi tõm xuống suối, chưa kịp phản ứng đã bị bàn tay điêu luyện của Tý túm chặt. Con rắn vẫn cố vẫy vùng trong bất lực. Cầm con rắn nhỏ bỏ vào túi, Tý chặc lưỡi: “Con này nhỏ quá, chỉ khoảng hơn 1 lạng, về làm thịt chứ bán không được mấy đồng”.

ă
Thợ săn tỉ mỉ quan sát từng bụi cây để tìm rắn.

Càng đi sâu vào Hòn Gia Lữ, con suối càng trở rên rậm rạp hơn, nhóm bắt rắn vẫn tỉ mỉ quan sát từng bụi cây. Bất chợt cả nhóm dừng lại bởi Công vừa phát hiện một chú rắn sọc dưa khoảng 0,5kg vừa bò vào bụi rậm. Sau khi cả nhóm phân chia mỗi người mỗi góc, Công bắt đầu dùng chiếc móc sắt day nhẹ lùm cây để con rắn di chuyển. Phát hiện con rắn đang trườn trên cành cây, Tý ra hiệu cho cả nhóm dừng lại. Nhẹ nhàng đưa chiếc móc sắt vào thân con rắn, Tý giật mạnh, khóa chặt con rắn vào cành cây, rồi gọi anh Nghĩa leo lên cây để tóm chú rắn này. Loay hoay bắt rắn, không may anh Nghĩa bị nó cắn vào tay. Thấy tôi tỏ ra lo lắng, anh cười: “Rắn sọc dưa không độc đâu mà lo”. Trong lần săn rắn này, nhóm của anh Nghĩa bắt được 7 con rắn các loại, khoảng hơn 2kg, bán được gần 500 nghìn đồng.

Sợ thì sợ nhưng vẫn… liều

1
Anh Nguyễn Nghĩa (Diên Lộc, Diên Khánh) cho chiến lợi phẩm vừa mới bắt được vào túi.

Mặt trời lên đến đỉnh đầu, cả nhóm dừng chân nghỉ, ăn trưa ở con đường mòn dẫn lên Hòn Gia Lữ. Qua câu chuyện của họ, tôi mới biết các thợ săn rắn ở Diên Khánh hầu hết là dân nghiệp dư, tranh thủ lúc nông nhàn rủ nhau đi bắt rắn kiếm thêm tiền. Công cho biết: “Mùa này, ở các xã như: Diên Lộc, Diên Hòa, Diên Phước, Diên Lâm... có hàng trăm nhóm đi bắt rắn mỗi ngày. Tờ mờ sáng, các nhóm tỏa đi khắp các huyện, thị trong tỉnh. Không chỉ ban ngày, nhiều nhóm còn bắt rắn ban đêm”. Theo lời kể của Công, do thị trường đang hút nên giá rắn hiện khá cao, đắt nhất hiện nay là rắn hổ chúa, khoảng 1 triệu đồng/kg; rắn lãi, rắn sọc dưa giá 230 nghìn đồng/kg... Trong khi đó, nghề bắt rắn tương đối đơn giản, lại kiếm tiền nhanh nên mỗi năm số lượng người gia nhập mùa săn càng tăng. Chính vì vậy, giá rắn tuy cao nhưng thu nhập của người bắt rắn ngày càng giảm. Mấy năm trước, mỗi ngày họ có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi người, có khi lên đến cả triệu. Nay, dân săn rắn rất đông, mỗi ngày chia nhau được 100 nghìn đồng/người đã là may mắn. Có hôm lùng sục khắp nơi mà nhóm săn rắn chẳng tìm được con nào.

Đang ăn cơm, chợt anh Nghĩa hào hứng: “Ê, tụi bay có dám bắt rắn thần không?”. Nói rồi, Nghĩa chỉ tay về phía gốc cây sung cổ thụ xung quanh là những lùm cây rậm rạp, cách nơi chúng tôi ngồi chừng 300m, kể: “Ở gốc cây sung đó có chiếc hang khá sâu, lần đi rẫy cuối năm ngoái, tôi đã bắt gặp một con rắn rất lớn, màu chì, thân to bằng bắp chân. Cách đây hơn 2 tháng, tôi lại gặp nó nhưng đang đi một mình nên không dám bắt. Lần nào cũng thế, chỉ thấy được phần thân chứ không thấy phần đầu của nó. Có thể đó là một con rắn hổ chúa cực lớn, nếu bắt được thì xem như trúng quả”. Công xen vào: “Thôi các ông ơi! Mình là dân nghiệp dư, chỉ bắt những con rắn nhỏ thôi, chứ những con rắn lớn như thế không kham nổi đâu, chẳng may có chuyện gì thì vợ con khổ”. Nghe câu chuyện của nhóm thợ săn, tôi mới biết tuy họ rất ham bắt rắn nhưng vẫn sợ rắn hổ chúa dù giá của loài rắn này rất cao. Một ngày chỉ cần bắt được 1 con rắn hổ chúa nặng khoảng 1 - 2kg là đủ sở hụi.

Nói vậy nhưng cả nhóm lại kéo nhau rời Hòn Gia Lữ tiến về cánh đồng Huyện ở xã Diên Thọ (cách đường mới Cầu Lùng - Khánh Lê khoảng 500m) để tìm đôi rắn hổ chúa đã bắt hụt 2 lần trước. Tuy biết hổ chúa là loài rắn rất độc, một cú đớp của nó có thể giết chết người trong vòng vài phút nhưng vì giá loài rắn này cao nên cả nhóm vẫn liều. “Khi vào hốc Chuối, mọi người phải rất cẩn thận. Nếu chẳng may bị rắn hổ chúa cắn thì chỉ còn nước “ruộng nương anh gửi bạn thân cày” đấy nhé!”, anh Nghĩa tếu táo. Theo lời kể của nhóm săn rắn này, cách đây hơn 5 năm, đã có thợ săn rắn ở Diên Đồng chẳng may bị rắn hổ chúa tấn công, phải bỏ cuộc săn giữa chừng. Rất may là thời gian gần đây, đội quân bắt rắn ở Diên Khánh không ai bị thiệt mạng vì rắn cắn. Theo lý giải của họ, các loại rắn độc như: hổ chúa, hổ mang bành, hổ đất... ngày càng ít dần. Lâu nay họ chủ yếu đi bắt các loại rắn lãi, rắn sọc dưa, rắn nước, rất hiếm khi gặp được các loài rắn hổ.

Đến hốc Chuối, vừa tìm kiếm Tý vừa kể, nhóm của anh đã 2 lần giáp mặt đôi rắn hổ chúa ở hốc Chuối này, mỗi con nặng hơn 2kg, nếu bắt được mỗi con có giá hơn 2 triệu đồng. Thế nhưng, họ đều bắt hụt. Lần đầu mới giáp mặt thợ săn, đôi rắn đã quăng mình lẩn vào ruộng mía, tìm kiếm mãi vẫn không thấy hang rắn đâu. Cách đây hơn 1 tuần, nhóm của Tý lại gặp, nhưng lần đó cặp rắn phóng xuống ao nước bé xíu chỉ vài chục mét vuông, lặn mất tăm.

Chiều về, đội quân bắt rắn tập trung bán hàng tại các đại lý thu mua ở địa phương. Số rắn sau khi được các đại lý thu gom sẽ bán cho các nhà hàng, các lò ngâm rượu hoặc theo đường bộ, đường sắt, đường hàng không xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong khi cánh thợ săn, chủ đại lý hả hê vì bắt được rắn lớn, rắn bé thì các nhà sinh thái lại rất lo ngại. Bởi sau những mùa săn, cân bằng sinh thái lại tiếp tục bị phá vỡ, nhiều loài rắn lại đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

BÍCH LA