09:04, 18/04/2019

Khuyến đọc có khó không?

Trong lịch sử loài người, sách là sản phẩm văn hóa, là kho tàng tri thức, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam.

 

Trong lịch sử loài người, sách là sản phẩm văn hóa, là kho tàng tri thức, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Năm nay, chúng ta tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày Sách Việt Nam.
 
Có một thực tế là “văn hóa đọc” đang dần biến mất trong xã hội. Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, những kiến thức cần thiết chỉ cần kiếm trên mạng Internet. Có câu thơ vui: “Trăm năm trong cõi người ta; Cái gì không biết thì tra gu gồ”. Chính vì thế mà ngay trước thềm ngày Sách Việt Nam lần thứ 5, sáng 17-4, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức một hội thảo “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”.
 
Chợt thấy nhớ chuyện đọc sách thời bao cấp, những thập niên 80 - 90 mới đây thôi. Cái ăn cái mặc thiếu thốn, vậy mà nghe có sách mới, tác giả mới là nhào ra nhà sách để tìm. Đã vậy, sách thời đó in giấy đen, mặt láng còn đọc được chứ mặt nhám thì… đọc chảy nước mắt. Thời trước chưa có mạng, truyền hình thì chương trình nghèo nàn, phim ảnh phải ra rạp…, có lẽ vậy mà người ta chịu khó tìm cách nâng cao kiến thức, giải trí qua sách, truyện mà chả cần ai kêu gọi?
 
Thời nay, trên mạng đã có quá nhiều thứ để đọc, để cuốn hút giới trẻ. Chưa kể là một bộ phận rất lớn lo chăm chút cuộc sống ảo trên các mạng xã hội, chỉ đọc những thông tin vô bổ liên quan đến giới giải trí, những tin tức thuộc dạng cướp, giết, hiếp… Sách không còn trong danh mục ưu tiên nữa rồi. Những người chịu khó đọc, cũng đã… tự phân mảng. Thiếu nhi thì chúi mũi vào truyện tranh manga, ngôn ngữ kiệm vô cùng với những “Oái, bùm, chát….”. Thanh niên, sinh viên thì hay chọn sách dạy làm giàu, hoặc tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc chất đống trong các nhà sách. Có người phải cảm khái: Đọc những thứ đó thà đừng đọc còn hơn! Vậy khuyến đọc có khó không?
 
Câu trả lời kể ra thì… vô cùng! Trước tiên, thói quen đọc sách phải thuộc  về sự giáo dục từ gia đình. Các bậc làm cha mẹ mà không đọc sách, khó mà mơ con cái mê sách. 
 
Điều thứ hai, muốn khuyến khích học sinh đọc sách thì thư viện nhà trường phải có, phải hoạt động, phải là nơi các em tìm đến trong giờ chơi, chứ không phải có để làm cảnh. Chi đoàn Báo Khánh Hòa trong mấy năm liên tục tặng “Tủ sách lớp em” cho các trường học có điều kiện khó khăn. Nhìn nét mặt rạng ngời của các em khi đón những cuốn sách, ta hiểu văn hóa đọc không bao giờ bị mất đi.
 
Và cuối cùng phải khẳng định một điều, các nhà xuất bản cần phải có ý thức về các ấn phẩm của mình, góp phần định hướng nhân cách người đọc, từ đó hạn chế xuất bản những sách nhảm nhí, chạy theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận người đọc. Hãy chọn lọc các tác phẩm kỹ lưỡng như thời... bao cấp trước đây, khi các nhà xuất bản không chịu áp lực kinh tế, được quyền chọn lựa những tác phẩm có giá trị để xuất bản.
 
Thủy Ngân